Sự thật lạnh người hiện tượng 'chết trong mơ - chết thật ngoài đời'

Trong loạt phim kinh dị Nightmare On Elm Street (Ác mộng trên phố Elm), các nhân vật đều gặp cơn ác mộng bị tên sát nhân truy sát, nếu họ chết trong mơ cũng có nghĩa là họ sẽ chết thật ngoài đời.

Tên sát nhân Freddy Krueger với gương mặt chằng chịt sẹo đỏ, hàm răng lởm chởm, đầu đội chiếc nón phớt, tay đeo móng suốt sắc lẻm đã trở thành một trong những hình tượng nổi tiếng nhất trong thể loại phim kinh dị.

Tưởng rằng Freddy chỉ đơn thuần là một ý tưởng hư cấu nhưng thật ra, câu chuyện này bắt đầu khi đạo diễn Wes Craven vô tình đọc được một bài báo đưa tin về những cái chết bí ẩn của hàng loạt người Đông Nam Á vào những năm 70-80.

Cụ thể, những người tị nạn khỏe mạnh ở Đông Nam Á đến Mỹ. Sau đó, không biết từ đâu và không có các vấn đề sức khỏe liên quan rõ ràng, họ "khóc thét trong giấc ngủ rồi chết".

Số người từ Đông Nam Á chết theo cách này cao đáng báo động trong những năm 1980, với ít nhất 117 trường hợp trong thập kỷ sau khi chính quyền Mỹ bắt đầu theo dõi vào năm 1981.

Các cơ quan y tế bắt đầu gọi nó là "Hội chứng chết đột ngột về đêm (SUNDS)". Ở Philippines, nó được gọi là bangungut, ở Nhật Bản là pokkuri, ở Thái Lan là một cái gì đó khác”, Tiến sĩ Robert Kirschner nói với LA Times vào năm 1987. “Nhưng tất cả đều được dịch gần giống nhau: cái chết trong cơn ác mộng."

Việc khám nghiệm tử thi cho thấy những nạn nhân trước đây đều là những người khỏe mạnh. Tim của các nạn nhân có dấu hiệu phình nhẹ, trước khi chết họ có thể trải qua tình trạng rối loạn nhịp tim. Nguyên nhân tự tử hoặc bị sát hại cũng đã được loại trừ.

Tiến sĩ Friedrich Eckner thuộc Đại học Y khoa Illinois - người đã tiến hành khám nghiệm tử thi - nói với Los Angeles Times rằng như thể “trái tim của họ đã hỏng do hoạt động quá sức”.

Theo nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Y tế Công cộng Hoa Kỳ, trong nhiều trường hợp, các nạn nhân đã bị rối loạn giấc ngủ trước đây. Số trường hợp tử vong kiểu này cao hơn trong các gia đình của những người đã bị ảnh hưởng.

Điều này cho thấy rằng có một yếu tố di truyền đối với tình trạng này. Cuối cùng, thủ phạm gây ra những cái chết bí ẩn này đã được tìm thấy, rất lâu sau khi đạo diễn Wes Craven biến bí ẩn của những cái chết thành "Ác mộng trên phố Elm".

Hội chứng Brugada - do đột biến, thường gặp nhất là gen SCN5A - làm rối loạn nhịp tim bình thường. Hội chứng Brugada xuất hiện phổ biến nhất ở người Nhật Bản và các quốc gia vùng Đông Nam Á.

Tình trạng di truyền được giải thích cho một số trường hợp hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, cũng như SUNDS.

Mời các bạn xem video: Elon Musk ra mắt thiết bị đọc được suy nghĩ con người. Nguồn: VTV

Thùy Dung (T.H)