Sưu tầm công thức nấu cháo ngon, bổ dưỡng trong ngày giãn cách

Những ngày giãn cách không thể đi đâu cũng là dịp để các thành viên trong gia đình có thời gian quây quần bên nhau nhiều hơn, cùng nhau vào bếp nấu những món giản đơn nhất cho bữa ăn trong ngày, vừa đảm bảo vệ sinh, hợp khẩu vị, tốt cho sức khỏe, vừa tiết kiệm, tạo cho không khí gia đình thêm đầm ấp, đầy niềm vui và tình yêu thương giữa các thành viên.

Bữa sáng là bữa quan trọng nhất trong ngày, và chẳng còn gì tuyệt hơn nếu được thưởng thức một bát cháo nóng hổi mỗi khi thức dậy phải không? Xin mách bạn các công thức nấu món cháo dễ làm mà thơm ngon không thua gì nhà hàng nhé.

Cháo gà nấm hương

Nguyên liệu: 50gr gạo; 4 chén nước; 30 gr thịt gà nạc; 30gr nấm rơm; 1 muỗng nhỏ dầu ăn; hành; gia vị.

Cách làm

- Vo gạo sạch rồi đem nấu thành cháo.

- Nấm hương được rửa sạch, ngâm trong nước cho mềm sau đó vớt ra để ráo và thái nhỏ.

- Thịt gà và nấm xắt thật nhỏ rồi xào chung với hành và gia vị. Nêm một chút muối.

- Cho hỗn hợp gà xào nấm hương vào cháo đã ninh nhừ rồi đun sôi trở lại. Thêm 1 thìa dầu ăn, trộn đều trên bếp là hoàn thành.

Cháo lươn

Nguyên liệu nấu cháo lươn:

– 1kg lươn đồng

– ½ bát gạo nếp, ½ bát gạo tẻ

– Hành tăm, rau răm, hành lá

– 2 muỗng bột canh

– 2 muỗng màu dầu điều

– 1 muỗng nước nghệ

– 2 muỗng hạt nêm

– 1 muỗng ớt bột

Cách nấu cháo lươn ngon:

Lươn xóc muối, rửa cho sạch nhớt. Sau đó cho lươn lên luộc chín, vớt ra để nguội.

Tuốt lấy thịt lươn, cẩn thận phần xương dăm ở bụng. Xương lươn luộc lấy nước dùng ngọt xương nấu cháo.

Rang gạo cho vàng thơm trước khi nấu cháo. Thêm 2 muỗng bột canh vào nồi cháo.

Hành băm nhỏ rồi phi thơm với dầu ăn

Nấu cháo bạn chịu khó đảo đều cháo để cháo ra nhựa dẻo, khiến hạt gạo được nở đều và chín nhuyễn.

Khi ăn, bạn múc cháo ra bát và thêm phần thịt lươn đã xào, rắc rau răm cùng hành lá cắt nhỏ lên trên, thêm gia vị cho vừa miệng, vắt chanh, trộn đều, ăn nóng.

Cháo chim đậu xanh

Nguyên liệu nấu cháo chim bồ câu đậu xanh

Chim bồ câu non ra ràng 1 con.

Đậu xanh 80g.

Hạt sen 30g.

Gạo nếp 50g.

Gia vị. (hành khô, tiêu, nước mắm, hạt nêm…)

Đặc biệt quan trọng là Dầu olive ( Tạo độ thơm ngon béo ngậy, đặc biệt cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng cho bà bầu & em bé, tạo nên mùi thơm đặc biệt của món ăn).

Cách chế biến cháo chim bồ câu đậu xanh

Bước 1: Làm thịt chim bồ câu

- Chế biến chim nhanh nhất, khi mua chim ngoài chợ, các mẹ nhờ người bán làm sạch sẵn. rất tiện. Một điểm cần lưu ý khi chế biến chim:

Chim bồ câu thì không nên cắt tiết vì tiết chim rất bổ, vặt lông chim sống, không vặt bằng nước sôi như gà - vịt. Lông chim rất dễ vặt và nhanh.

- Bỏ tất cả lòng, diều, phổi,... chỉ lấy mề, tim, gan, trứng, khi mổ không làm bẩn thịt chim để phần thân bồ câu không cần rửa lại nữa và giữ được chất dinh dưỡng.

Làm sạch nội tạng như cách làm nội tạng gà. Mề và lòng bóp sạch bằng muối rửa nhiều lần cho sạch.

- Lọc phần thịt ở hai bên đùi và lườn chim để riêng, băm nhỏ, cắt bỏ chân chim (vì nếu cho vào nấu cháo sẽ bị hôi). Ướp với hạt tiêu, bột canh và nước mắm (một chút thôi cho thơm nhé).

Bước 2: Nấu cháo

- Gạo, hạt sen, đỗ xanh vo, đãi cho sạch bụi bẩn và sạn.

- Cho gạo nếp, gạo tẻ, đỗ xanh, hạt sen, xương chim vào xoong. Cho nước chừng 1 lít nước vào đậy vung kín và đun nhỏ lửa cho cháo nhừ khoảng 15 phút.

Bước 3: Xào thịt chim

- Trong lúc chờ cho cháo chín nhừ, các mẹ bắc chảo xào thịt chim đã ướp ở bước 1.

- Cho chảo lên bếp, cho dầu olive vào, phi thơm hành khô băm nhỏ rồi cho thịt chim vào xào chín tới

(Lưu ý, thịt chim nhanh chin hơn thịt gà, các mẹ nên xào vừa tới, để thịt đủ mềm và giữ được chất dinh dưỡng)

Bước 4: Tiếp tục làm theo hướng hướng dẫn làm cháo chim bồ câu đậu xanh.

- Khi cháo nhừ cho 1/2 thịt chim vào cùng nồi nấu cháo đun sôi chừng 5-7 phút nữa cho cháo ngấm thịt chim. Để 1/2 thịt chim lúc ăn rồi cho vào bát cháo cũng được.

- Cháo chín, loại bỏ phần xương, vớt hạt sen chín ra, giã nhỏ hoặc dầm nát rồi mới cho vào đánh tan đều cùng cháo.

- Cuối cùng nêm nếm sao cho vừa khẩu vị, múc cháo ra tô, xúc thịt chim còn lại lên trên cho đẹp mắt.

Trộn dầu Oliu vào để tăng dinh dưỡng lại thơm ngon béo ngậy.

Cách nấu này, các mẹ có thể áp dụng sang cả chim ngói, chim cút…

Cháo nghêu

Nguyên liệu bao gồm:

+ 1kg nghêu tươi, cỡ vừa

+ ½ bát con gạo nếp

+ ¼ bát con gạo tẻ

+ Gia vị: nước mắm ngon, hạt tiêu, muối

+ Rau thơm ăn kèm: hành lá, rau răm, rau mùi

Cách nấu cháo nghêu:

– Nghêu ngâm nước trước ít nhất 2h trước khi nấu, có thể cho thêm vài lát ớt để nghêu nhả sạch hết cát.

– 2 loại gạo trộn với nhau, ngâm nước ấm 1h cho nở.

– Hành lá, rau răm rửa sạch, cắt nhỏ, phần đầu hành trắng để riêng.

– Nghêu sau khi ngâm rửa sạch, cho vào nồi, đổ nước xâm xấp mặt nghêu, luộc chín.

– Gỡ lấy thịt nghêu, ướp với 1 ít đầu trắng hành lá và chút nước mắm. Nước luộc nghêu gạn lọc cho sạch hết cát.

– Dùng phần nước luộc nghêu này đun với gạo đã ngâm nở, có thể chế thêm nước sao cho mặt nước gấp 3 mặt gạo (tùy theo bạn thích ăn cháo đặc hay loãng).

– Đun lửa vừa khoảng 30’ là cháo chín, sánh, hạt gạo nở hết. Nêm nêm thêm mắm muối cho vừa miệng.

– Phi thơm đầu hành trắng với 1 thìa dầu ăn, cho thịt nghêu vào đảo sơ qua cho ngấm, tránh đảo lâu vì thịt nghêu đã chín, đảo quá tay nghêu sẽ quắt lại, mất nước ngọt.

– Khi ăn, múc cháo ra bát, xúc nghêu xào lên trên, cho thêm hành lá, rau răm, rắc thêm hạt tiêu.

Cháo hột vịt lộn

Nguyên liệu

1/2 lon gạo

10 quả trứng vịt lộn

Gừng, hành lá, hành tím, tiêu, hạt nêm dầu ăn mỗi thứ một ít

Cách làm

Vo gạo, đổ nước, bắc nồi cháo trắng (lỏng hay đặc tùy ý thích nhưng theo tôi thì nên nấu vừa hoặc lỏng tí thì ngon hơn với loại cháo này).

Cũng có thể tiết kiệm thời gian cho buổi sáng bằng cách nấu cháo trắng từ tối hôm trước bằng nồi cơm điện (vo gạo, cho nước, bỏ vào nồi cơm điện và chọn nút nấu cháo).

Lúc đang nấu cháo thì chuẩn bị những thứ sau: Đập trứng cho vào tô, gừng băm nhuyễn, hành lá cắt nhỏ, hành củ cắt sợi.

Cháo bung gạo, cho vịt lộn vào nấu chín.

Sau đó cho gừng băm nhuyễn vào, cho hạt nêm vào nêm cho vừa miệng, cho thêm ít dầu ăn (có thể có hoặc không tùy thích).

Múc cháo ra tô, bỏ hành lá, hành củ và rắc tiêu lên trên.

Cháo lòng

Nguyên liệu

– Gạo nếp thơm: 1/3 bát.

– Gạo tẻ thơm: 1/2 bát.

– Xương lợn: 500g.

– Lưỡi lợn: 1 chiếc.

– Gan lợn: 100g.

– Tiết lợn: 200g.

– Tim, lòng non, dạ dày, dồi, tùy số lượng theo ý thích của bạn.

– Nước lọc: 3 lít.

– Hành lá, hành tím, gừng.

– Nước mắm, muối, tiêu, giấm.

– Rau mùi, mùi tàu, giá đỗ, ớt ăn kèm.

– Nguyên liệu làm dồi: 200g ruột già, 200g huyết hậu heo, 50g mỡ heo, 50g da heo, một ít lá chanh, tía tô, hành lá, sả băm, tỏi, ớt, đậu phộng rang giã nhỏ.

Cách nấu món cháo lòng

Bước 1: Chọn mua phần xương thật tươi và ngon. Lòng non chọn loại nhỏ, căng tròn là nhất.

Phần xương lợn, lưỡi lợn đem rửa sạch, xương chặt miếng vừa ăn rồi cho luộc qua cùng nước giấm pha loãng, đổ nước và rửa lại cho hết mùi hôi. Sau đó cho xương vào ninh cùng hành tím nướng. Trong quá trình ninh nếu thấy có bọt thì hớt bỏ.

Lưỡi lợn cạo sạch phần trắng rồi cho vào luộc cùng xương.

Bước 2: Làm dồi heo.

Ruột heo lộn trái, rửa thật sạch, nên bỏ đi lớp mỡ bám dày ở thành ruột, chà muối, chanh hoặc giấm nhiều lần cho sạch. Mỡ heo, da heo rửa sạch, băm nhỏ; lá chanh, tía tô, hành lá xắt nhuyễn, trộn chung với huyết heo, sả băm, tỏi, ớt, đậu phộng rang giã nhỏ. Dồn tất cả vào phần ruột heo cho ruột căng ra, cột chặt hai đầu bằng chỉ rồi cho vào nồi luộc chín.

Để giúp thoát khí có thể dùng tăm nhọn đâm nhiều lỗ nhỏ li ti, dồi sẽ không bị bung trong quá trình luộc. Khi dồi chín, vớt ra, để nguội rồi xắt khoanh mỏng.

Bước 3: Tiết lợn đem chia làm 2 phần đều nhau. Một phần để cho vào nồi cháo, một phần đem đánh tan với nước lọc, mì chính, mắm, hạt nêm, tiêu rồi để đông (phần này sẽ là phần quyết định màu nâu hấp dẫn của món cháo lòng).

Bước 4: Gạo vo thật sạch, đem ngâm trong nước khoảng 1h rồi vớt ra để ráo giã nhỏ rồi cho vào nước luộc xương nấu thành cháo, khi đã thành cháo thì bỏ tiết lợn đã đánh tan cùng gừng băm nhỏ, nêm gia vị cho vừa ăn.

Cách làm cháo lòng như vậy sẽ nhanh nhừ, cháo sánh mịn mà không bị sập sội, khó ăn. Rắc thêm chút hành lá thái nhỏ vào cho thơm và bắt mắt.

Bước 5: Tim lợn, dạ dày, dồi lợn luộc, gan, cổ hũ, lòng non mua về trần qua nước sôi một lượt rồi luộc chín, nếu bạn thích có thể chiên cũng rất ngon.

Trong nước luộc cho cho gừng, dấm và muối để cho đậm đà và bớt hôi. Khi tất cả đã chín đem thái miếng mỏng vừa ăn bày ra đĩa. Phần này cũng chia làm 2 bạn nhé, một phần để cho vào nấu chung với cháo còng một phần để ăn thêm bên ngoài.

Khi luộc lòng, để lòng được trắng, giòn, nên cho lòng vào nước luộc khi nước sôi, không nên cho lúc nước còn lạnh hay vừa ấm. Khi nước sôi bùng thì nhanh chóng vớt đi lớp bọt, để lửa lớn.

Khi luộc, để lòng không bị tanh, nên cho vào một vài lát ớt. Thời gian luộc lòng cũng không nên quá lâu, khoảng 35 phút là được.

Bước 6: Cháo múc ra bát, rắc hành lá thái nhỏ, hạt tiêu ăn kèm với rau mùi, húng chó, giá đỗ, phần lòng bày ở đĩa. Nếu bạn thích, khi cháo chín có thể đổ phần lòng đã cắt vào xoong cháo và nấu thêm đến khi sôi là được. Để cách nấu cháo lòng heo ngon một phần cũng phụ thuộc rau thơm đi kèm đấy!