Thần đồng - Huyền thoại và sự thật!

Có người dùng hai chữ “thần đồng” để viết về nhà thơ Trần Đăng Khoa ở ngày hôm nay là không đúng bởi chữ “đồng” nghĩa là trẻ con (nhi đồng, mục đồng). Thế nên chỉ dùng “thần đồng” cho trẻ em dưới 12 tuổi có năng lực đột xuất, hiếm hoi. Là hiện tượng có thật nhưng lạ nên chung quanh “thần đồng” thường được bao phủ bởi những huyền thoại, giai thoại thật giả lẫn lộn được thêu dệt với nhiều tâm ý, thiện ý và cả tà ý... Đây là vấn đề khoa học được quan tâm nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa có giải thích thỏa đáng.

“Thần đồng”, trước hết là những đứa trẻ bằng xương bằng thịt nhưng sớm thể hiện tài năng thiên phú hơn người. Như Nguyễn Hiền (1234-1256) sinh tại làng Dương A, huyện Thượng Hiền, phủ Thiên Trường (nay là thôn Dương A, xã Nam Thắng, Nam Trực, Nam Định). 13 tuổi đỗ trạng nguyên (tháng 2 năm Thiên Ứng Chính Bình 16 tức 1247 thời vua Trần Thái Tông), là người trẻ nhất đỗ cao trong lịch sử khoa cử Việt Nam. Vì còn “trẻ con” nên vua cho về quê 3 năm tu dưỡng ứng xử thêm rồi mới vời ra làm quan. Về sau làm quan đến chức Thượng thư bộ Công, đi sứ nhà Nguyên vài lần.

Đến nay đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền vẫn còn ở quê với nhiều bài vị, sắc phong, câu đối, đại tự khen ngợi tài năng, như: “Thập nhị tuế khôi khai lưỡng quốc/ Vạn niên thiên tuế lập tam tài” (Mười hai tuổi khai khoa hai nước/ Nghìn năm ghi mãi chữ tam tài).

Giai thoại kể một lần viên sứ Trung Hoa đưa ra một con ốc xoắn nhờ xâu qua ruột một sợi chỉ. Ai cũng chịu. Vua bèn vời trạng nguyên trẻ Nguyễn Hiền. Viên quan đi mời về quê trạng, gặp ngay một đám trẻ trâu liền buông một câu thăm dò: “Tự là chữ, cắt giằng đầu, chữ tử là con, con nhà ai đấy”. Một cậu bé nghe được, buông một câu: “Vu là chưng, bỏ ngang lưng, chữ đinh là đứa, đứa hỏi ta chi”. Thâm ý ở vế ra nhắm vào chữ “tự” có hai bộ phận, bỏ “cái giằng xay” ở trên thì còn chữ “tử”, qua đó gửi cái ý người trên hỏi kẻ dưới. Trạng Hiền cũng đối lại bằng cách “chiết tự” chữ Hán: chữ “vu” là chưng có hai nét ngang và một nét móc, bỏ nét ngang ở giữa thành chữ “đinh”, nghĩa là đứa, cũng gửi vào đó cái ý bề trên của người đối...

Sứ giả chột dạ xuống ngựa, truyền ý vua vời trạng về kinh. Trạng không chịu với ý trách trước đó vua cho trạng kém lễ nên buộc về, đến bây giờ vua vời trạng cũng không đúng lễ (lẽ ra phải đón rước hẳn hoi). Biết nội dung câu chuyện, chờ viên quan lên ngựa, Hiền mách đám trẻ hát: “Tích tịch tình tang/ Bắt con kiến càng buộc chỉ ngang lưng/ Bên thì lấy giấy mà bưng/ Bên thì bôi mỡ kiến mừng kiến sang”. Nghe thấy (lời mách) viên quan mừng như vớ được của!

Lần khác sứ thần đem một bài thơ ngụ ngôn sang thử tài: “Lưỡng nhật bình đầu nhật/ Tứ sơn điên đảo sơn/ Lưỡng vương tranh nhất quốc/ Tứ khẩu tung hoành gian” (Hai mặt trời bằng đầu/ Bốn trái núi điên đảo/ Hai vua tranh nhau một nước/ Bốn miệng ở trong khoảng dọc ngang). Vua lại phải vời Trạng. Trạng giải thích thật đơn giản: Đó là chữ “Điền” nghĩa là ruộng có hai chữ “Nhật” cạnh nhau, bốn chữ “Sơn” xoay ngược xuôi, hai chữ “Vương” xếp chồng lên nhau, bốn chữ “Khẩu” xếp ngang dọc cạnh nhau!

Đã là giai thoại thì có thể là thật có thể là không. Các giai thoại trên cho thấy chỉ là các chuyện dân gian thêu dệt nên chứ không thật, vì nội dung đơn giản với mục đích giáo dục trẻ em qua những cách chơi chữ ngộ nghĩnh.

Lê Quý Đôn (1726 - 1784) làm quan thời Lê Trung hưng được mệnh danh là “nhà bác học lớn của Việt Nam trong thời phong kiến”, để lại hàng trăm quyển sách giá trị. Là người ham học, thông minh, trí nhớ tốt, người đương thời coi là “thần đồng”. Lên 5 tuổi đã đọc nhiều bài trong Kinh Thi, 12 tuổi đã học “khắp kinh, truyện, các sử, các sách của bách gia chư tử”.

Giai thoại kể khi 5, 6 tuổi đang tắm dưới kênh, có khách hỏi thăm nhà, cậu bé Phương (tên thời nhỏ) bèn nhảy lên đường dạng chân giang tay hỏi chữ này chữ gì, nói đúng thì chỉ. Khách nói chữ “Đại”. Cậu bé cười, sai rồi, là chữ “Thái” (chữ “thái” là chữ “đại” thêm “dấu chấm” ở dưới!!!). Khách tìm đến nhà nói chuyện với bố (Tiến sĩ Lê Phú Thứ). Người bố bèn cho là con vô lễ, biếng học, rắn đầu khó bảo. Phải làm bài thơ với đề “Rắn đầu biếng học” để chuộc lỗi.

Khu lăng mộ Lê Quý Đôn.

Cậu bé Phương ứng khẩu đọc luôn: “Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà/ Rắn đầu biếng học lẽ không tha/ Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ/ Nay thét mai gầm rát cổ cha/ Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo/ Lằn lưng cam chịu vết roi da/ Từ nay Trâu Lỗ xin siêng học/ Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia”. Cái đặc sắc là câu nào cũng có “rắn”. Ai cũng phục là tài!

Cũng dễ thấy các giai thoại này do dân gian “sáng tác” ra!

Trên thế giới cũng rất nhiều “thần đồng”. Xin nói về W. A. Mozart (1756 -1791) là nhà soạn nhạc thiên tài người Áo, có nhiều ảnh hưởng nhất trong thể loại nhạc cổ điển châu Âu, tác phẩm là đỉnh cao trong các thể loại nhạc piano, nhạc thính phòng, nhạc giao hưởng, opera. Lúc 5 tuổi đã sáng tác những bản nhạc đầu tiên, 8 tuổi bắt đầu viết giao hưởng…

Thần đồng Mozart!

Lý giải như thế nào về những hiện tượng này? Có rất nhiều “thuyết” nhưng đều xoay quanh các phạm vi: Tư chất thiên phú; Truyền thống gia đình; Tiền kiếp (luân hồi).

Thuyết địa linh cho rằng vùng đất “thần đồng” sinh ra là vùng đất tốt, có từ trường (phong thủy) ảnh hưởng tích cực tới khí chất con người. (Quả thật, trong thực tế có hiện tượng “văn chương nết đất”, như làng Mộ Trạch - Hải Dương, làng Hành Thiện - Nam Định...). Đứa trẻ sinh ra lại đúng với thời khắc từ trường trái đất/mặt trăng/ mặt đất kết nối giao hòa. Về điểm này khoa học sinh lý người khẳng định từ trường trái đất có sự chi phối nhất định tới “thần kinh” đứa trẻ vừa sinh!

Thuyết được ủng hộ nhiều nhất là truyền thống giáo dục gia đình sớm ảnh hưởng đến trẻ. Vẫn có nhiều thuyết mang tính thần bí hư ảo như thuyết “thai giáo” cho rằng khi người mẹ mang thai đã hội tụ được nhiều điểm ưu trội thuận lợi cho đứa trẻ sau này. Phương Đông có khái niệm “động phòng” gần gũi với thuyết này. Tương truyền bà mẹ Nguyễn Bỉnh Khiêm giỏi lý số đã chọn được giờ “động phòng” để con sau này làm vua nhưng vì người chồng vội vã mà chỉ sinh ra “thần” (tức Nguyễn Bỉnh Khiêm)!?

Giáo dục học hiện đại khẳng định nhân cách trẻ đã tương đối ổn định khi 5,6 tuổi nên giáo dục gia đình mang tính quyết định tương lai và phẩm hạnh con cái. Như trường hợp Mozart thì chẳng có gì huyền bí cả. Cha đẻ là nhà soạn nhạc kiêm giáo viên nhiều kinh nghiệm, là nhạc công chơi trong đoàn nhạc Giám mục Công giáo. Mozart sinh ra đã tắm mình trong bầu không khí âm nhạc.

Người chị gái Mozart kể lại “thần đồng” thường dành nhiều giờ liền trên phím đàn, lựa chọn các quãng 3 mà cậu ấn tượng sâu sắc nhất... Lên 4, cha bắt đầu dạy một vài bản nhạc đơn giản... Với sự mềm mại và chính xác tuyệt vời, cậu chơi đàn không một chút lỗi...

Chưa hết, suốt thời niên thiếu, Mozart cùng gia đình đã thực hiện nhiều chuyến đi khắp châu Âu biểu diễn ở nhiều nơi, trong không gian cung đình, giữa đám đông công chúng... Những cơ hội ấy như là giọt mưa, như là ánh sáng tưới bón cho cây nghệ sĩ Mozart lớn lên rất nhanh để trở thành thiên tài! Hay Lê Quý Đôn cũng là “con nhà nòi”...

Nhưng thuyết về “tiền kiếp” thì thật khó cắt nghĩa. Về cơ bản, thuyết này cho rằng “thần đồng” là do thiên tài từ kiếp trước “đầu thai”! Giáo lý nhà Phật vẫn khuyên con người ta ăn ở tử tế để “luân hồi” được làm người như vậy. Câu chuyện sau tiêu biểu cho quan niệm này.

Đến nay khoa học vẫn chưa giải thích được hiện tượng “hóa thân” của các đời Đạt Lai Lạt Ma (Tây Tạng). Sau khi truyền cho các đệ tử những lời huấn thị giáo lý cuối cùng và dặn dò việc tái sinh của mình, vị Đạt Lai đầu tiên là Gedun Truppa viên tịch (1475). Suốt 2 năm sau đó, các đệ tử liên tục tìm và đã xác định được hóa thân tái sinh của ngài. Khi vừa biết nói, cậu bé này đã nói với cha mẹ rằng mình là Đạt Lai (?). Các đệ tử tìm đến và hỏi cậu nhiều câu hỏi về tiền kiếp, đứa bé trả lời thỏa mãn. Những di vật của đại sư Gedun Truppa cố tình đặt lẫn lộn với nhiều đồ vật khác được đưa ra. Cậu nhặt ra vài thứ và nói: “Đây là những thứ tôi thường dùng ngày trước (!)”. Cuối cùng người ta đưa bài kệ và yêu cầu giải thích. Cậu nói chẳng khác gì những lời “tiền kiếp” mình đã nói! Cậu trở thành Đạt Lai Lạt Ma thứ 2… Cứ thế, đến nay là đời thứ 14.

Ứng xử với “thần đồng” thế nào cho đúng? Triết học nhân học hiện đại đáp: Như cây xanh vậy, chăm bón bằng tình yêu thương khoa học để trẻ phát triển tự nhiên! Chỉ nên hy vọng, không nên kỳ vọng!

Nguyễn Thanh Tú