Thật và giả…

Hình minh họa

Trong khi cả xã hội đồng lòng chống dịch bệnh COVID -19 với những biến chủng mới có tốc độ lây lan nguy hiểm và khó lường, bên cạnh những hành động, nghĩa cử cao đẹp, sự sẻ chia thấm đậm tình người với tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng thì đâu đó vẫn có những trường hợp cá biệt lợi dụng dịch bệnh để trục lợi nhưng lại được che đậy bởi những hành vi gian dối của thói đạo đức giả.

Cụ thể, sau khi Bộ Y tế công bố danh mục một số sản phẩm tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu có chức năng hỗ trợ điều trị COVID -19, thay vì hạnh phúc có trong tay những sản phẩm hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, giúp cộng đồng có thêm sự an tâm hơn thì một số nhà sản xuất cung ứng trên thị trường lại đẩy giá của các sản phẩm này tăng lên gấp nhiều lần, điển hình là sản phẩm viên nang cứng Kovir của Sao Thái Dương, thuốc Xuyên Tâm Liên… và khi bị dư luận lên án thì có muôn vàn lý do được đưa ra để biện minh.

Tuy nhiên, tất cả những lý do giải thích đều là ngụy biện, trong khi người tử tế giúp đỡ người khác chỉ đơn giản là vì họ muốn vậy, chứ không phải vì bất cứ lợi lộc gì, còn những kẻ đạo đức giả lại luôn chỉ nghĩ cho mình trước khi nghĩ cho người khác và nếu họ nhận thấy mình có thể kiếm lời hay được lợi từ một việc gì đó, họ sẽ tìm cách giành giật nó một cách nhanh chóng và che đậy bằng những mĩ từ dối trá. Những biểu hiện này không phải là hiếm gặp trong xã hội, nó có mặt ở mọi nơi, từ các hoạt động đời thường cho đến cơ quan, công sở.

Cộng đồng có lúc mệt mỏi bởi hàng giả, tin giả bủa vây, song tệ hại không kém chính là thói “đạo đức giả” trong xã hội. Thật buồn, không ít người lại cho rằng “lắt léo” một chút có khi còn dễ sống hơn thật thà, theo đó mà nhiều người chọn cách sống giả dối, nói dối thay vì sống thật, nói thật. Lối sống này đã phản ánh mặt nào đó sự xuống cấp của nền đạo đức, văn hóa trong xã hội, khi mà xã hội chấp nhận và dần quen với việc dối trá, chai lì với những thứ giả dối thì cũng là lúc căn bệnh đạo đức giả sinh sôi.

Thói đạo đức giả chính là sự dối trá, nói không đi đôi với làm, là những hành vi ứng xử không thật lòng nhưng lại rất giỏi hầu hạ, dạ vâng... Những kẻ đạo đức giả thường ứng xử với cấp trên thì vồn vã xun xoe, với cấp dưới và đồng nghiệp thì lên mặt vênh váo, cái kiểu “trên đội, dưới đạp”.

Nhân vật Hòa Thân trong phim hay những hình ảnh dối trá trong đời thực mà chúng ta bắt gặp đâu đó có vẻ đúng như câu: “Tht thà thng thắn thường thua thiệt. Lươn lẹo len li li leo lên” . Nếu sự giả dối trong quan hệ ứng xử được dung túng thì sẽ làm thui chột các giá trị tốt đẹp, cái đáng tôn vinh, điều đáng tôn vinh, người đáng tôn vinh có khi không được thừa nhận, còn kẻ đáng chê trách vì thói đạo đức giả không những không bị chỉ trích, thậm chí còn được tâng bốc, tô điểm... tất nhiên cũng là đãi bôi, cũng là giả mà thôi. Có điều, nhiều người dù biết nhưng không lên án, đấu tranh với thói đạo đức giả, thậm chí còn dung túng cho nó hoặc tâm lý thờ ơ, ngại va chạm, tự an ủi mình với suy nghĩ “cuộc sống vốn không hoàn hảo” đã vô tình tạo đất sống cho thói đạo đức giả phát triển.

Thực tế, có lúc “tà áp chế chính” nhưng cuối cùng thì “chính” bao giờ cũng thắng “tà” đó là quy luật tất yếu đã được đúc rút từ lâu. Biết là vậy, nhưng thực lòng mà nói, không chỉ riêng ai mà hầu như mọi người đều từng có tâm lý đôi khi thiếu lòng tin, thậm chí là mất niềm tin với một số người, một số việc diễn ra trong xã hội.

Nhiều lúc không dễ dàng đứng trước những lựa chọn thật và giả, tuy nhiên có những thứ người ta có thể biết đó là giả nhưng vẫn phải lựa chọn, vẫn phải dùng cũng bởi vì nhiều lẽ, ví như việc mua bán hàng hóa, sản phẩm… cũng vì xính hàng hiệu, ưa hàng ngoại của một bộ phận người tiêu dùng đã vô tình tạo đất sống cho hàng nhái, hàng giả. Dân gian có câu “tiền nào của nấy”, đành rằng, tiền ít thì khó mà có được đồ tốt, cũng như hành vi đạo đức của con người, tùy điều kiện hoàn cảnh mà người ta chấp nhận cái kém hoặc tốt, những thứ phù hợp tương ứng chứ không phải đánh đồng theo kiểu lập lờ “đánh lận con đen” giữa thật và giả. Ngạn ngữ phương Tây có câu: ‘Mt na cái bánh mì vn là bánh mì, nhưng một na s tht thì không phi là s tht’. Nhưng làm sao để biết đâu là thật, đâu là giả cũng đã quá khó, huống chi những thứ được gọi là nửa sự thật hoặc na ná sự thật. Đúng là có những thứ mà ranh giới giữa thật và giả đôi khi rất mong manh, có lúc khó xác định, phân biệt một cách rạch ròi hoặc người ta phải mất thêm thời gian mới nhận biết được rõ ràng.

Thi thoảng chúng ta lại nghe được những ca thán về thói đạo đức giả, những hành vi gian dối để trục lợi của những tổ chức, cá nhân trong xã hội. Thi thoảng báo chí, truyền thông lại phản ánh về những vi phạm hàng nhái, hàng giả bị lực lượng chức năng thu giữ. Đặc biệt là vấn nạn tin giả có mặt ở hầu hết mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, nhiều khi làm cho người ta hoang mang không biết đâu là thật, đâu là giả, có lúc phát hoảng với tin giả.

Riêng chuyện hàng nhái, hàng giả thì chả thiếu thứ gì, nếu kể ra đây sẽ không chỉ những thứ tưởng rằng vô hại đến sức khỏe con người như vật dụng, thời trang, quần áo… mà cả những sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người như mỹ phẩm, dược phẩm, thuốc men cũng bị người ta làm giả. Cơ quan chức năng quản lý thị trường thì liên tục phát hiện và tạm giữ nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhưng mẫu mã, nhãn mác lại giống hệt các thương hiệu nổi tiếng chính hãng, những sản phẩm hàng hóa bị thu giữ được xác định là hàng nhái, hàng giả nhưng được bán tràn lan trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử.

Trong cuộc sống có vô số những sự việc buộc người ta luôn phải cảnh giác, đề phòng với những thứ gọi là thật và giả, nào là hàng giả, tin giả, đạo đức giả…, nếu không cẩn thận thì ai cũng có nguy cơ mắc phải những thứ “giả” kia lúc nào không hay. Còn những kẻ tạo ra những thứ “giả” gây nguy hại cho người khác và xã hội không những vi phạm pháp luật mà còn khiếm khuyết về đạo đức.

Ai lại có thể yêu được cái “giả” cơ chứ, cái gì là thật thì không thể giả, mà đã giả thì không thể thật, mỗi cá nhân hãy có trách nhiệm với mục đích, hành vi ứng xử của mình sao cho phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội cũng như đề cao ý thức thượng tôn pháp luật. Không ngừng tích cực trau dồi nhân cách, bồi đắp những giá trị đạo đức, sống chân thành, trung thực với chính mình và trung thực với người khác, đồng thời phải luôn ý thức“Tht thà là cha qu quái, qu quái còn phi s tht thà, đây không chỉ là lời răn dạy mà còn là đúc rút sâu sắc của tiền nhân, đến nay vẫn còn nguyên giá trị cho hậu thế.

Và để củng cố niềm tin vào những mặt tốt đẹp của xã hội cũng như hạn chế những cái “giả” tràn lan trong xã hội. Thiết nghĩ, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về các chuẩn mực đạo đức xã hội, lên án và đấu tranh với thói đạo đức giả, không để cái giả lấn át cái thật thì rất cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý, siết chặt quản lý bằng pháp luật, có chế tài xử phạt nặng hơn, nghiêm khắc hơn đối với vấn nạn hàng nhái, hàng giả, tin giả và những hành vi gian dối gây nguy hại cho xã hội.

Khắc Trường