Thuốc trị ho có an toàn cho phụ nữ mang thai?

1. Nguyên nhân gây ho ở bà bầu

Ho là triệu chứng thường gặp ở phụ nữ mang thai.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bà bầu bị ho:

NỘI DUNG:

1. Nguyên nhân gây ho ở bà bầu
2. Ho ở bà bầu ảnh hưởng tới thai nhi như thế nào?
3. Điều trị ho ở phụ nữ mang thai
4. Lời khuyên thầy thuốc

- Thay đổi nội tiết trong cơ thể lúc mang thai làm suy giảm hệ miễn dịch. Theo đó, bà bầu dễ bị lây nhiễm vi khuẩn hoặc nhiễm virus từ môi trường hay từ những người xung quanh.

- Thời tiết thay đổi đột ngột từ mưa sang nắng, nhiệt độ thay đổi từ ngoài đường vào máy lạnh và ngược lại càng làm cho nguy cơ này tăng cao.

- Sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói, bụi, khí.

Ngoài ra, tử cung gây áp lực lên ổ bụng, khiến dịch dạ dày trào ngược lên đường hô hấp cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm họng, dẫn đến ho ở phụ nữ mang thai. Cũng có thể cơn ho khan có thể xuất hiện nếu cơ thể mẹ bầu tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng như: Thay đổi thời tiết, hóa chất, thức ăn, bụi phấn, lông chó mèo…

Ho là triệu chứng thường gặp ở phụ nữ mang thai.

2. Ho ở bà bầu ảnh hưởng tới thai nhi như thế nào?

Đây là điều mà hầu hết các bà bầu đều lo lắng. Tuy nhiên, nếu chỉ là triệu chứng ho thông thường (chấm dứt sau khoảng 1 – 2 ngày) các bà bầu có thể yên tâm. Trong trường hợp ho kéo dài, ho khan gây khó thở tức ngực… cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để điều trị, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và quá trình phát triển của bé.

Bị ho khi mang thai nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm. Cụ thể như:

- Những cơn ho kéo dài liên tục trong nhiều ngày, ho mạnh sẽ dẫn đến co thắt tử cung, gây động thai, sảy thai hoặc sinh non.

- Các cơn ho kéo dài khiến mẹ bầu mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, sức khỏe ngày càng yếu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người mẹ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của thai nhi.

- Ho có thể là một dấu hiệu báo hiệu tình trạng nhiễm trùng của cơ thể mẹ, nếu không phát hiện kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, đôi khi gây mất tim thai đột ngột.

Khi bà bầu bị ho hầu hết các loại thuốc tây y đều không được khuyến khích sử dụng, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Thuốc tây y thường có hiệu quả nhanh, tiện dụng nhưng cũng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, biến chứng nguy hiểm nếu lạm dụng và không được chỉ định bởi bác sĩ chuyên môn.

3. Điều trị ho ở phụ nữ mang thai

Mang thai là giai đoạn nhạy cảm. Việc điều trị không thể tùy tiện, bừa bãi vì có thể gây biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mẹ và bé.

3.1. Điều trị không dùng thuốc

- Dùng mật ong: Từ lâu, mật ong đã được coi như phương thuốc trị ho, đau rát họng khá phổ biến trong dân gian. Mật ong với mẹ bầu cũng rất an toàn. Vị ngọt của mật ong khá dễ chịu, khi uống giúp làm dịu cơn đau rát họng, tăng cường hệ miễn dịch, giảm ho nhanh chóng.

- Chanh:Chanh thường được sử dụng với mật ong như một bài thuốc trị ho hiệu quả. Vitamin C trong chanh tác dụng như một chất chống oxy hóa tự nhiên, kháng virus và kháng khuẩn. Ngoài ra, chanh giúp bổ sung kali, hỗ trợ thận hoạt động tốt hơn, bài tiết chất độc ra khỏi cơ thể, mẹ bầu cũng nhanh khỏi cảm cúm và ho hơn.

Bị ho khi mang thai mẹ nên thái vài lát chanh ngâm cùng chút mật ong. Sau đó ngậm trong họng giúp giảm ho và viêm họng tốt hơn. Khi bị ho, mẹ bầu nên uống nước chanh pha ấm từ 1 - 2 lần mỗi ngày. Có thể dùng kết hợp với mật ong.

- Gừng:Gừng đặc biệt hiệu quả với các trường hợp ho khan do dị ứng, nhiễm virus. Trà gừng hoặc nước gừng ấm cũng giúp giảm ho hiệu quả.

Cách chế biến trà gừng cũng khá đơn giản, đập dập 2 nhánh gừng, ngâm trong cốc nước sôi khoảng 15 phút. Sau đó pha thêm mật ong và thưởng thức (lưu ý không cho mật ong trực tiếp vào nước sôi).

Trà gừng hoặc nước gừng ấm cũng giúp giảm ho hiệu quả.

- Nước muối:Súc miệng, ngậm miệng bằng nước muối ấm giúp làm sạch, sát trùng nhẹ nhàng đường hô hấp. Ngoài ra, nước muối cũng giúp làm giảm dịch nhầy, giảm viêm, loại bỏ vi khuẩn, nấm và chất gây dị ứng trong cổ họng. Vì thế, súc miệng bằng nước muối ấm 3 - 4 lần mỗi ngày cũng giúp mẹ bầu đẩy lùi triệu chứng ho khó chịu.

Ngoài ra, có thể trị ho an toàn cho phụ nữ mang thai từ các loại trái cây: Nho,các loại quả khô (lê, táo, mận, mơ, nho…), củ cải trắng, quả lê…

Nên ăn thực phẩm giàu vitamin C (cam, kiwi, dâu tây, táo…), các loại rau cải, súp lơ, cà chua, giá đỗ…, thực phẩm giàu sắt (thịt, rau bina, các loại ngũ cốc họ đậu, đậu Hà Lan, mộc nhĩ…), cháo cháo gà, hạt sen. Đồng thời, bổ sung vitamin khoáng chất đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ để tăng cường sức khỏe.

3.2. Dùng thuốc trị ho cho phụ nữ mang thai

Khi bà bầu bị ho hầu hết các loại thuốc tây y đều không được khuyến khích sử dụng, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Thuốc tây y thường có hiệu quả nhanh, tiện dụng tuy nhiên cũng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, biến chứng nguy hiểm nếu lạm dụng và không được chỉ định bởi bác sĩ chuyên môn. Trong số trường hợp khi mẹ bầu bị ho kéo dài, nhiều đờm, khó thở, tức ngực… một số nhóm thuốc tây y vẫn được sử dụng. Tuy nhiên mẹ bầu cần tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ.

Siro thảo dược: Có thể sử dụng đường uống trong trường hợp bà bầu ho kèm viêm họng, ho khan, nhiều đờm. Thuốc sử dụng trong khoảng 7 ngày. Tác dụng phụ hiếm gặp là phản ứng dị ứng như khó thở, sưng, đỏ da hoặc ngứa.

Một số tác dụng phụ không phổ biến khác như buồn nôn, tiêu chảy... Bởi tính an toàn của thuốc trên phụ nữ mang thai vẫn chưa được xác định, do đó chỉ dùng thuốc cho phụ nữ mang thai dưới sự chỉ dẫn và kê toa của bác sĩ.

Kẹo ngậm ho cho bà bầu: Trong thành phần thường có dextromethorphan, menthol, bạc hà, mật ong… đây đều là thảo dược thiên nhiên an toàn cho mẹ bầu và thai nhi.

3.3. Có nên dùng kháng sinh không?

Có thể dùng kháng sinh trị ho khi bà bầu bị ho nhiễm khuẩn, bội nhiễm… Thuốc kháng sinh an toàn cho bà bầu là nhóm penicillin. Với những trường hợp ho nặng hoặc dị ứng với penicillin, bác sĩ sẽ kê nhóm macrolid.

Mỗi nhóm kháng sinh đều có phổ kháng khuẩn khác nhau và đáp ứng điều trị với từng bệnh lý khác nhau. Khi vào trong cơ thể, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ với mức độ nhẹ như dị ứng, ban da, buồn nôn, nôn, tiêu chảy… hoặc nghiêm trọng như sốc phản vệ. Tình trạng này nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Việc sử dụng thuốc kháng sinh cho bà bầu trong thời gian dài có thể gây rối loạn cân bằng hệ tạp khuẩn đường ruột. Thường được biết đến là triệu chứng tiêu chảy do dùng kháng sinh. Nhiễm nấm Candida ở da, miệng, ruột… cũng có thể xảy ra nếu dùng kéo dài.

Hầu hết các thuốc kháng sinh đều có thể vượt qua được hàng rào nhau thai và gây ra các tác hại cho thai nhi. Mức độ gây hại trên thai nhi tùy thuộc vào việc sử dụng kháng sinh nào, liều lượng ra sau, thời gian khi sử dụng cũng như thuốc đã được sử dụng trong giai đoạn nào của thai kỳ. Các tác hại có thể gây ra trên thai nhi như khuyết tật, dị dạng hay thậm chí gây tử vong. Do vậy, thuốc kháng sinh cho bà bầu cần phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa.

4. Lời khuyên thầy thuốc

- Tuyệt đối không được tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc trị ho nào khi chưa được sự tư vấn của bác sĩ trong thời gian trước, trong và sau thai kỳ.

- Ngủ đủ giấc, vận động điều độ, không gắng sức.

- Hạn chế đến những nơi đông người, những nơi có gió lạnh.

- Phụ nữ mang thai nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, súc miệng họng bằng nước muối sinh lý; nên tắm bằng nước ấm, tắm nhanh, lau khô nhanh tránh cơ thể bị nhiễm lạnh; giữ ấm cơ thể bằng tất chân, khăn quàng cổ.

- Khi thấy có tình trạng ho kéo dài đặc biệt kèm theo sốt, có đờm, đau ngực... thì nên nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám và có hướng dẫn theo dõi, điều trị cụ thể của bác sĩ chuyên khoa.

- Nên tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho bà bầu để bảo vệ sức khỏe mẹ và bé.

Xem thêm video đang được quan tâm:

BS. Đặng Xuân Thắng