'Tiền mất tật mang' vì dịch vụ thẩm mỹ 'chui'

Từ làm đẹp… đến thảm họa

Vì tin vào những lời quảng cáo “có cánh” trên Facebook nên bà V.T.T.L. (tổ 5, phường Yên Đổ, TP. Pleiku) đã tìm đến Công ty cổ phần Bena Group (địa điểm kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ Bena Usa-Cơ sở Gia Lai, địa chỉ 146 Trần Phú, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) để chăm sóc làn da. Bà L. cho biết: “Thông tin đăng tải trên các trang chủ của đơn vị này đều giới thiệu là hệ thống thẩm mỹ uy tín hàng đầu, ứng dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến cùng với các chuyên gia kinh nghiệm. Tôi đã tin tưởng và liên hệ với cơ sở để được tư vấn chăm sóc làm đẹp da. Cơ sở cam kết đưa ra phác đồ điều trị cũng như cung cấp sản phẩm an toàn phù hợp và bảo đảm điều trị hiệu quả 100%”.

Trước lời cam kết của cơ sở, bà L. đã đồng ý sử dụng dịch vụ và thanh toán 20 triệu đồng chi phí dịch vụ. Ngoài ra, bà L. còn chi trả các khoản tiền thuốc, mỹ phẩm chăm sóc phát sinh. Trong quá trình chăm sóc da, bà L. thực hiện đúng hướng dẫn nhưng da vẫn bị dị ứng mẩn đỏ, nám đen. Khi thắc mắc thì nhân viên cơ sở trấn an và thuyết phục bà tiếp tục điều trị. Sau đó, nhân viên cơ sở này đã thực hiện kỹ thuật xâm lấn vào da mặt bà L. để khắc phục tình trạng sưng đỏ. Tuy nhiên, sau một thời gian, da của bà L. bị biến chứng trầm trọng, nổi mẩn, nám đen cả khuôn mặt và lan rộng xuống cổ… Bà L. đề nghị khắc phục nhưng chỉ được trả lời qua loa và sau đó chủ cơ sở tránh mặt, không nghe điện thoại.

Sử dụng dịch vụ thẩm mỹ có xâm lấn, can thiệp phẫu thuật ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, vì vậy, khách hàng cần phải sáng suốt lựa chọn những cơ sở đã được cơ quan quản lý cấp phép. Ảnh: N.N

Bị biến chứng da nghiêm trọng, bà L. buộc phải đến Bệnh viện Da liễu Quy Nhơn khám. Sau đó, bà vào Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh để điều trị. Kết quả, bác sĩ kết luận bà L. bị tai biến trong khi điều trị da ở spa làm tăng sắc tố da. “Vùng da mặt bị thâm nám nghiêm trọng đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, quan hệ làm ăn, sinh hoạt của tôi suốt 2 năm qua. Tôi không còn tự tin khi giao tiếp, tự ti, mặc cảm khi ra ngoài và tiếp xúc với mọi người. Tôi ngày càng hoảng loạn, lo lắng, buồn bã, bất an… Bena Usa-Cơ sở Gia Lai đã lừa dối khách hàng, truyền thông không đúng sự thật về kết quả điều trị và không thực hiện đúng cam kết với khách hàng. Trước sự thoái thác trách nhiệm của cơ sở, tôi đã làm đơn khiếu nại đến cấp thẩm quyền để được giải quyết”-bà L. chia sẻ.

Trường hợp biến chứng, thẩm mỹ hỏng do làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ không phép không còn là chuyện hiếm. Nhiều người vì trót trao niềm tin nhầm chỗ sau đó đã phải tốn kém chi phí khắc phục hậu quả do phẫu thuật thẩm mỹ hỏng. Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa-Trưởng phòng khám Thẩm mỹ viện Quốc tế Á Âu (TP. Pleiku) thông tin: Mỗi tháng, đơn vị tiếp nhận 4-5 ca đến chỉnh sửa do phẫu thuật thẩm mỹ hỏng, phổ biến nhất là do cắt mí, phẫu thuật nâng mũi. “Việc sử dụng dịch vụ thẩm mỹ có xâm lấn, can thiệp phẫu thuật ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người. Chính vì vậy, khách hàng cần sáng suốt lựa chọn những cơ sở đã được cơ quan quản lý cấp phép hoạt động theo quy định để tránh thiệt hại”-bác sĩ Nghĩa khuyến cáo.

Xử lý nghiêm dịch vụ thẩm mỹ không phép

Ngoài đơn khiếu nại của bà V.T.T.L. đối với Công ty cổ phần Bena Group (Bena Usa-Cơ sở Gia Lai), Sở Y tế cũng nhận được đơn phản ánh của công dân về việc cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ Kim Beauty Center spa (địa chỉ 279 Cách Mạng Tháng Tám, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) công khai hoạt động dù chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý liên quan.

Từ kết quả thanh tra và đề xuất của cơ quan chuyên môn, Sở Y tế đã quyết định phạt vi phạm hành chính 45 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Bena Group (Bena Usa-Cơ sở Gia Lai) kèm hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày 13-9-2023 vì hành vi cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Do cung cấp dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật nên ngoài bị xử phạt 45 triệu đồng, Kim Beauty Center spa còn bị đình chỉ hoạt động 18 tháng kể từ ngày 14-9-2023.

Đoàn liên ngành kiểm tra tại Bena Usa-Cơ sở Gia Lai (146 Trần Phú, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) vào tháng 11-2022. Ảnh: N.N

Theo ông Đoàn Mạnh Thắng-Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế), tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ và 10 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ đã thực hiện đăng ký hoạt động theo Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12-11-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.

Tuy vậy, trên thực tế, chỉ tính riêng tại TP. Pleiku, số cơ sở dịch vụ thẩm mỹ đang hoạt động đã lên đến con số hàng trăm. Nhiều cơ sở chỉ được cấp giấy phép thực hiện dịch vụ cắt tóc, gội đầu, chăm sóc da (spa)… nhưng hoạt động vượt quá thẩm quyền được cấp phép, thậm chí thực hiện can thiệp, xâm lấn, phẫu thuật và công khai trên các trang Facebook. Việc quản lý các cơ sở này hiện gặp không ít khó khăn, phức tạp.

Theo Sở Y tế, các cụm từ spa, thẩm mỹ viện hiện chưa được dẫn chiếu, quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật nhưng vẫn được cấp giấy phép kinh doanh dẫn đến khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc xác định loại hình, điều kiện và phạm vi hoạt động của các cơ sở này. Trong khi đó, các thẩm mỹ viện xuất hiện ngày càng nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu làm đẹp của người dân đã tạo nên áp lực lớn đối với ngành Y tế.

Ông Trần Quang Khâm-Chánh Thanh tra Sở Y tế-cho biết: Ngày 10-1-2023, UBND tỉnh đã có Công văn số 85/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác quản lý hành nghề y-dược tư nhân. Theo đó, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, kiểm tra sau cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh có loại hình dịch vụ thẩm mỹ (thêu, phun, xăm trên da); cơ sở chăm sóc da (spa); cơ sở cắt tóc, gội đầu… trên địa bàn quản lý. Mỗi năm, Sở Y tế tổ chức 1-2 đợt kiểm tra các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý, còn các địa phương phải trực tiếp kiểm tra, giám sát để đảm bảo các cơ sở hoạt động đúng quy định.

NHƯ NGUYỆN