Tìm nguồn thu mới cho báo chí

Đã nỗ lực song vẫn rất khó khăn

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), thời gian qua, các cơ quan báo chí có 3 nguồn thu được tính là mới: Thu phí độc giả; Quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội; Hợp tác với các nền tảng công nghệ. Song việc triển khai trong thực tiễn còn rất nhiều khó khăn.

Về thu phí độc giả, trên ế giới, số lượng cơ quan báo chí thành công vẫn chưa nhiều. Kể cả ở Mỹ, mới chỉ có khoảng 3 – 5 cơ quan báo chí lớn thu hiệu quả đáng kể.

Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, khoảng 60% cơ quan báo chí chưa triển khai thu phí độc giả, thậm chí chưa có ý định thu phí từ độc giả. Nhiều “lực cản” khiến các cơ quan báo chí chưa mạnh dạn khai thác nguồn thu mới này. Trước hết, thói quen chi trả: Chưa nhiều độc giả sẵn sàng trả tiền khi đọc các bài báo điện tử; Mỗi độc giả thường chỉ trả tiền để đọc 1 tờ báo trực tuyến…

Tiếp đến, muốn thu phí thì phải hiểu hành vi của độc giả, trong khi ứng dụng công nghệ vào tòa soạn để hiểu hành vi độc giả vẫn là khó khăn lớn với các cơ quan báo chí Việt Nam. “Năm ngoái, chúng tôi cùng đối tác triển khai hoạt động hỗ trợ trực tiếp tại tòa soạn, thấy đa phần tòa soạn vẫn lúng túng trong chuyện sử dụng các hệ thống đo đếm cơ bản để hiểu hành vi độc giả. Số lượng biên tập viên, nhà báo quan tâm chỉ số hiệu quả và nhu cầu độc giả của từng bài báo chỉ chiếm khoảng 30% trong tòa soạn. Đây là con số rất thấp”, ông Đồng cho biết.

Cũng theo ông Đồng, các cơ quan báo chí Việt Nam đã nỗ lực đa dạng hóa tiếp cận độc giả để có thêm nguồn thu, nhưng kết quả chưa cao.

Những cơ quan báo chí đạt nguồn thu tương đối tốt đều là những cơ quan đã bắt đầu thành công trong chuyện đa dạng hóa các kênh phân phối nội dung. Ví dụ, Báo Thanh Niên, một trong những tờ báo đi đầu trong chuyện xây dựng kênh YouTube, TikTok… với hàng triệu lượt follows (theo dõi) trên mỗi kênh. Tất nhiên nguồn thu và chi phí thì các tòa soạn không công bố cụ thể.

Tuy nhiên, chi phí sản xuất nội dung trên nền tảng mạng xã hội của các cơ quan báo chí hiện vẫn khá cao, doanh thu mới chỉ ở ngưỡng bù đắp chi phí. Nếu ứng dụng tốt hơn các công nghệ như (trí tuệ nhân tạo) thì có thể giảm chi phí, tạo nguồn lợi nhuận ròng.

“Nói đến bài toán AI thì phải bắt đầu trước từ khâu dữ liệu. Chúng ta có nguồn tài nguyên cực kỳ lớn là kho dữ liệu lưu trữ song đang lãng phí. Chẳng hạn báo giấy, một bài viết xong thường bị “đóng gói” để đấy rồi vứt đi. Hầu hết các cơ quan báo chí chưa tính cách khai thác trở lại những tư liệu như vậy. Nếu biết cách ứng dụng công nghệ AI để khai thác dữ liệu, chi phí sản xuất nội dung sẽ rẻ hơn, hiệu quả khai thác nguồn thu trên kênh số sẽ lớn hơn”, ông Đồng phân tích.

Một số hướng đi mới

Một thống kê mới đây về doanh thu quảng cáo của báo chí toàn cầu trong giai đoạn 2019 – 2024 cho hay: Các ấn phẩm số có mức tăng không đáng kể, từ 10,6 tỷ USD lên 11,9 USD, trong khi với báo in năm 2019 đạt 35,1 tỷ USD nhưng đến năm 2024 giảm xuống chỉ còn 21,4 tỷ USD. Nhiều cơ quan báo chí trước kia quảng cáo chiếm đến tận 90% tổng doanh thu nhưng hiện chỉ còn 40 – 50%

Doanh thu phát hành báo in cũng sụt giảm từ mức 50,3 tỷ USD xuống dưới 40 tỷ USD.

Để “giải bài toán” kinh tế báo chí, một số hướng đi mới đã được các cơ quan báo chí trên thế giới áp dụng.

Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân gợi ý một số hướng đi cụ thể mà các cơ quan báo chí tại Việt Nam có thể nghiên cứu áp dụng.

Cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin: Nhiều người vẫn cho rằng báo chí cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin là chuyện hiếm. Nhưng đã có những cơ quan báo chí lớn như Washington Post ở Mỹ tạo lập hệ thống CMS rất hiện đại rồi bán cho 400 – 500 cơ quan báo chí khác.

Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, năm 2010, Báo điện tử Vietnam Plus đã bán 1 hệ thống công nghệ mobile cho EVN với khoản tiền không hề nhỏ. Hoặc mới đây, Báo Nhân Dân đã tặng một hệ thống công nghệ cho Lào.

Hợp tác với các nền tảng công nghệ AI: Một số tập đoàn báo chí lớn đã cấp phép cho Open AI, Google được sử dụng dữ liệu của báo để huấn luyện AI, qua đó tạo nguồn thu cho cơ quan báo chí.

Trở thành các tổ chức nghiên cứu: Financial Times ở Anh ra mắt công ty tư vấn và đã hoạt động kinh doanh khá thành công. Tờ Business Insider của Axel Springer SE ở Đức đầu tư làm những báo cáo chuyên sâu, thành lập thương hiệu Insider Intelligence. Tương tự, Economics có Economics Intelligent với những báo cáo chuyên sâu kết nối B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp).

Bán lẻ: Tập đoàn Times Group của Ấn Độ mua lại website bán lẻ năm 2012, kinh doanh tốt dòng thời trang, trang sức, mỹ phẩm….

Báo Nhân Dân cũng vừa ra mắt Kios Báo Nhân Dân, bán các sản phẩm như quần áo, mũ, túi, tranh ảnh, cốc… kèm ưu đãi đọc báo miễn phí. Năm ngoái, Báo Nhân Dân cũng có nguồn doanh thu từ việc kinh doanh sản xuất khăn lụa Bảo Lộc - Lâm Đồng.

Kinh doanh lại nội dung đã xuất bản: New York Times đã bán cho người sưu tập những trang nhất đã xuất bản từ lâu. Báo Nhân Dân cũng bắt chước ý tưởng này, bán trang nhất số ra đầu tiên Báo Nhân Dân (1/3/1951); Bán trang nhất số báo Nhân Dân gắn với những ngày kỷ niệm đặc biệt của người (gắn chip xác định sở hữu độc quyền); Làm tranh trang nhất Báo Nhân Dân cho những người có nhu cầu...

Môi giới dữ liệu (dữ liệu báo chí, dữ liệu người dùng) để kinh doanh với các tập đoàn khác.

Ngoài ra còn có một số hướng đi khác nữa như thương mại điện tử, cấp phép thương hiệu, tổ chức đào tạo, làm đại diện truyền thông, tổ chức sự kiện…

“Hiện tại báo chí Việt Nam còn khá xa lạ với những cách thức nêu trên. Vấn đề bây giờ là có dám thử nghiệm hay không, hay rồi lại để cơ hội trôi qua”, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân để ngỏ câu chuyện tìm hướng đi mới cho kinh tế báo chí.

Xuân Bách