Từ phim 'Món quà của cha': Tiền bạc là thách thức lớn trong hôn nhân?

Bộ phim Món quà của cha được phát sóng trên VTV3 thời gian gần đây thu hút sự quan tâm theo dõi của nhiều người.

Trong tập 8 có phân đoạn vợ chồng nhân vật Nghĩa (Tuấn Tú) và Quyên (Hương Giang) tranh cãi vì bất đồng quan điểm trong vấn đề tài chính. Đây cũng là vấn đề rất thực tế xảy ra trong các cuộc hôn nhân đời thường. Chỉ cần vợ chồng không đi đến thống nhất sẽ rất dễ phát sinh mâu thuẫn, xung đột.

Tiền bạc là thử thách lớn trong hôn nhân?

Cụ thể, nhân vật Quyên trước đó mượn danh nghĩa chồng để gửi tiền tiết kiệm giúp mẹ đẻ, số tiền là 300 triệu (do Quyên chưa làm lại căn cước và bà Thủy không muốn tự mình đi gửi). Cô không nói rõ với chồng nên anh mặc định đó là số tiền của vợ chồng anh.

Khi cần tiền làm ăn, Nghĩa hỏi Quyên để rút 300 triệu về thì mới biết sự thật. Anh tỏ ra khó chịu khi vợ muốn cả 2 có sự bàn bạc, thống nhất trước khi Nghĩa đầu tư làm ăn. Nghĩa phản bác: “Anh với em là vợ chồng, anh kiếm tiền về đưa cho em đã bao giờ anh hỏi em chi tiêu như nào không? Thế mà giờ anh cần tiền đầu tư thì em lại thái độ như này… Đầu tư gì là chuyện của anh, anh là đàn ông mà, chẳng nhẽ gì cũng hỏi vợ”.

Vợ chồng Quyên - Nghĩa trong phim "Món quà của cha"

Không ít các cặp vợ chồng có suy nghĩ như Quyên – Nghĩa. Cả hai đều có những thiếu sót: vợ thì không nói rõ ràng từng khoản tiền với chồng, chồng không bàn bạc với vợ chuyện hệ trọng như đầu tư làm ăn.

David Krueger, tác giả cuốn “Chúng ta cần bao nhiêu” chỉ ra, dù là CEO, tầng lớp giàu có hay gia đình trung lưu thì những khách hàng mà ông tư vấn đều có một điểm chung: Vấn đề tiền bạc của họ không phải là bản thân số tiền, mà là cảm xúc và ý nghĩa đằng sau đồng tiền.

Để biết một người cần bao nhiêu tiền, cần phải hiểu tiền đại diện cho điều gì trong mắt họ.

Nhiều khi chúng ta tiêu tiền để điều chỉnh cảm xúc, nâng cao lòng tự trọng hay để kiểm soát người khác, chúng ta cho đồng tiền một ý nghĩa vượt ra ngoài chức năng của nó.

Ví dụ trong tình huống trên, Nghĩa có nhắc đến yếu tố “Anh là đàn ông mà, chẳng nhẽ gì cũng hỏi vợ”. Một số ông chồng ngoài đời cũng có lối suy nghĩ như thế, khi được kiểm soát đồng tiền, anh ta cảm thấy mình có vị thế và thể diện. Vì vậy, có những khoản tiêu không đáng nhưng vì mục đích thể diện đó, đàn ông muốn sử dụng bằng được mà không phụ thuộc vào “cái gật đầu” của vợ.

Loại tâm lý phổ biến khiến các cặp vợ chồng thấy mình không sai trong việc chi tiêu

Có những bất đồng về chênh lệch thu nhập, cách hiểu khác nhau về tình hình tài chính và định nghĩa khác nhau về bản chất của tranh chấp.

Ví dụ, bên kiếm được nhiều tiền hơn có nên đóng vai trò “thống trị” trong việc đưa ra các quyết định quan trọng của gia đình hay không? Việc cho, biếu, tặng người thân tiền có ảnh hưởng đến quỹ chi tiêu chung của gia đình hay không? (phim Món quà của cha nhân vật Quyên thường càu nhàu vì chồng cho tiền em gái).

Trong những mâu thuẫn này, hai người có xu hướng trở thành người chi tiêu và người tiết kiệm với lập trường rõ ràng.

Người tiêu tiền tin rằng họ có thể sử dụng tiền một cách khéo léo để có một cuộc sống hạnh phúc, tiêu tiền là để có một cuộc sống sung túc, lành mạnh và mang lại lợi ích cho cả gia đình.

Người tiết kiệm cho rằng những người tiêu tiền là xa hoa, bốc đồng và lãng phí. Họ thấy cá nhân họ tuy bảo thủ nhưng thực tế và hợp lý.

Thế nhưng, việc một người tiết kiệm còn một người hoang phí chỉ đúng trong từng hoàn cảnh, họ rất có thể sẽ đổi vai cho nhau.

Ví dụ, khi Nghĩa cho em gái tiền tiêu vặt, Quyên thấy chồng hoang phí nhưng anh thấy hợp lý. Ngược lại, Quyên mua sắm, Nghĩa thấy vợ hoang phí nhưng cô thấy hợp lý. Đây là tâm lý rất bình thường trong góc nhìn của mỗi người.

Nếu hai bên chỉ biết đổ lỗi cho nhau, xung đột không bao giờ được giải quyết.

Tìm hiểu ý nghĩa của tiền đối với bạn đời và hiểu "câu chuyện tiền bạc" của nhau sẽ giúp giải quyết được vấn đề tận gốc.

Ảnh minh họa

Giải quyết các xung đột tài chính trong hôn nhân

1. Lập kế hoạch tài chính rõ ràng, công khai với vợ/chồng các khoản chi, thu, tiết kiệm… hoặc các quỹ dùng vào những mục đích khác nhau. Kể cả đối phương không yêu cầu bạn cũng nên chủ động công khai, như một bước “làm gương” để 2 vợ chồng luôn bình đẳng, tâm lý thoải mái.

2. Thiết lập trạng thái tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau. Hãy tự quy định với nhau tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, rằng ở mức bao nhiêu thì bàn bạc, dưới bao nhiêu có thể tự quyết. Còn những việc lớn thì hai vợ chồng cần trao đổi rõ ràng, chẳng may thất bại thì vẫn có người đồng hành.

3. Xử lý cân đối thu chi hàng tháng, thay đổi quan niệm chi tiêu và tâm lý so sánh. Các cặp vợ chồng tránh chạy theo hưởng thụ vật chất quá mức, nên phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh.

VV