Tỷ lệ trẻ em ở thành thị thừa cân béo phì cao gấp 3 lần sau 10 năm

Kết quả điều tra dinh dưỡng toàn quốc 10 năm qua cho thấy, tỷ lệ trẻ em thừa cân béo phì sau 10 năm đã tăng gấp 2 lần. Đặc biệt, tỷ lệ này cao gấp 3 lần đối với trẻ em ở thành thị. Trong khi đó, ở các vùng nông thôn tỷ lệ trẻ em dinh dưỡng thấp còi vẫn còn chiếm tỷ lệ 14,8%. Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng này là do một số phụ huynh để mất cân bằng dinh dưỡng trong ăn uống của con trẻ. Về lâu về dài, nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của thế hệ tương lai.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

"Ở mỗi độ tuổi, các con cần được gia đình có những chế độ chăm sóc khác nhau. Phụ huynh và học sinh cần nhận thức được những thực phẩm lành mạnh. Và cũng đã đến lúc chúng ta cần có sự kết nối thực phẩm giữa gia đình và nhà trường, cũng như tăng cường nhận thức để cha mẹ và tình trạng dinh dưỡng của mình để chúng ta có những khẩu phần ăn phù hợp".

PGS.TS BÙI THỊ NHUNG – Trưởng khoa dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện dinh dưỡng Quốc gia

Theo thông tin khoa học mới nhất được Trung tâm nghiên cứu Nestlé Thụy Sỹ tổng hợp và công bố, trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 15 tuổi có tốc độ chuyển hóa năng lượng nhanh gấp 1,5 - 2 lần so với người lớn. Chính vì vậy, việc bổ sung năng lượng và chế độ vận động trong giai đoạn này cần được chú trọng và phải phù hợp với sự phát triển của trẻ.

Chị Võ Thị Xuân Kiều (quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) cho biết, mỗi lúc nghe con nói thèm cái gì chị và chồng cũng mua ngay vì nghĩ con thiếu chất, sợ ảnh hưởng đến học tập. Tuy nhiên, khi chị đưa con đi khám sức khỏe thì con được các bác sĩ cảnh báo nguy cơ béo phì. Thời điểm đó, con trai chị đã thừa cân khi cao 1m66 nhưng nặng tới 72kg.

"Tâm lý của phụ huynh thường thích con mình phải mập mạp mới khỏe mạnh, đáng yêu. Tuy nhiên, trẻ em mà thừa cân béo phì sau này rất dễ trở thành người thừa cân béo phì, tăng thêm gánh nặng bệnh tật cho cả gia đình và xã hội. Chính vì thế, các bậc cha mẹ phải có trách nhiệm trong việc xem xét cân nặng của con mình"

TS, BS TRƯƠNG HỒNG SƠN – Viện trưởng Viện y học ứng dụng Việt Nam

Cũng theo PGS.TS Bùi Thị Nhung, dinh dưỡng cân bằng kết hợp vận động là điều kiện tiên quyết để trẻ có thể phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ. Đặc biệt, khi trẻ em trong giai đoạn 10 năm vàng (từ 5 – 15 tuổi), phụ huynh hoàn toàn có thể chủ động cải thiện tình trạng thể chất của con em mình để không gặp phải vấn đề thấp còi hay béo phì.

"10 năm vàng, đừng lỡ làng" là dự án hợp tác giữa Nestlé MILO và VTV Digital nhằm mang đến tác động tích cực cho thế hệ trẻ Việt Nam. Mục tiêu của chương trình là truyền tải các kiến thức khoa học và thông tin chưa được phổ biến, từ đó giúp các bậc phụ huynh nhận thức được tầm quan trọng của 10 năm phát triển vàng. Dựa trên nền tảng khoa học vững chắc, chương trình sẽ góp phần thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của giai đoạn 10 năm phát triển vàng và từ đó giải quyết nhiều bất cập của dinh dưỡng cho lứa tuổi học đường tại Việt Nam.

CHU THÚY