Về với miền thi ca của nữ sĩ Xuân Quỳnh

Một tiết mục biểu diễn trong Ðêm thơ-nhạc-kịch Hoa cúc xanh.

Với sự hợp lực của ê-kíp sáng tạo: Tổng đạo diễn-Nguyễn Hoàng Ðiệp, Giám đốc âm nhạc-Nhạc sĩ Quốc Trung, Ðạo diễn sân khấu-Nghệ sĩ Ưu tú Trần Lực, Thiết kế sân khấu-Họa sĩ Hà Nguyên Long…, đêm thơ-nhạc-kịch "Hoa cúc xanh" dẫn dắt người xem đi qua miền cảm xúc ngồn ngộn tính nghệ thuật được kết nối bởi bốn chương mang tên những thi phẩm nổi tiếng của nhà thơ Xuân Quỳnh. "Bầu trời trong quả trứng" (chương I) mở ra không gian trong trẻo, lung linh của nhạc và thơ, đưa khán giả trở về với những gì hồn nhiên, trong lành nhất của tâm hồn để cùng đến với "Tự hát" (chương II), khám phá chân dung đa diện của nhà thơ Xuân Quỳnh thông qua những sắc màu âm nhạc mới mẻ; cảm nhận sâu sắc hơn về một nữ sĩ "dữ dội và dịu êm" trong tình yêu cùng "Sóng" (chương III) với phần trình diễn thơ, nhật ký Xuân Quỳnh, những lá thư yêu thương của Xuân Quỳnh-Lưu Quang Vũ được thể hiện bởi các nghệ sĩ tên tuổi: NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSƯT Ðỗ Kỷ, NSƯT Chiều Xuân, NSƯT Minh Trang; và rồi sau tất cả cùng hòa vào mạch kịch của "Hoa cúc xanh" (chương IV) ngẫm ngợi về giá trị của thiện lương, tình yêu và hạnh phúc…

Nhà báo Lưu Quang Ðịnh, Tổng Biên tập Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt (em trai nhà viết kịch Lưu Quang Vũ) chia sẻ: Nhiều năm qua, người thân trong gia đình hai cố nghệ sĩ vẫn thường xuyên phối hợp các đơn vị tổ chức những hoạt động để lan tỏa di sản thi ca, sân khấu và câu chuyện tình yêu của cặp vợ chồng tài hoa Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh. "Nhưng nếu ở các sự kiện trước đó, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ thường là nhân vật đứng chính thì với đêm thơ-nhạc-kịch "Hoa cúc xanh", chúng tôi mong muốn thực hiện một chương trình mà chị Xuân Quỳnh là trung tâm, còn anh Vũ là người đứng bên cạnh chị", nhà báo Lưu Quang Ðịnh nhấn mạnh. Và đó là lý do đêm diễn "Hoa cúc xanh" không dừng ở sự kiện tưởng nhớ mà đã thật sự trở thành chương trình nghệ thuật chất lượng cao tôn vinh thơ Xuân Quỳnh.

Chương trình gây ấn tượng ngay từ phần thị giác khi căn phòng chật từng là tổ ấm của hai cố tác giả tại khu tập thể văn nghệ sĩ 96A Phố Huế, Hà Nội được phục dựng và tái hiện ngay trên sân khấu. Càng cảm nhận rõ hơn những khó khăn, thiếu thốn, càng thêm trân quý những giá trị nghệ thuật quý giá mà Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh đã để lại. Không gian sân khấu được họa sĩ Hà Nguyên Long thiết kế với những mảng màu cũ mới đan xen, hòa cùng chất thơ và hiện thực đời sống thể hiện trên sân khấu giúp người xem như được tiệm cận gần hơn với những năm tháng đương thời của đôi vợ chồng nghệ sĩ. Ðặc biệt, sự xuất hiện của phim tài liệu dài 12 phút được NSND Nguyễn Thước thực hiện từ những hình ảnh, tư liệu ít ỏi hé lộ về chuyện đời, chuyện nghề của cặp đôi tài danh Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh đã thật sự khiến người xem xúc động. Cũng từ những thước phim giá trị này, lần đầu khán giả hôm nay được nghe giọng thật của nữ thi sĩ sau hơn 30 năm rời cõi tạm. Ấy là khi Xuân Quỳnh lần đầu thể hiện giọng đọc trên sóng phát thanh năm 1976 với bài thơ "Hát với con tàu", cũng là lần duy nhất nữ thi sĩ để lại cho người yêu thơ mình một thi phẩm được thể hiện bằng chính giọng đọc của tác giả.

Ðúng như hứa hẹn của Tổng đạo diễn Nguyễn Hoàng Ðiệp về một chương trình có nhiều yếu tố được làm mới từ đầu, đêm diễn "Hoa cúc xanh" đã khẳng định được nhiều dấu ấn sáng tạo mang hơi thở đương đại trên tinh thần tôn trọng di sản thơ Xuân Quỳnh, nhất là ở phần âm nhạc. Vẫn đó những ca khúc quen thuộc được phổ từ thơ Xuân Quỳnh như "Thuyền và biển", "Thơ tình cuối mùa thu" nhưng vang lên tươi tắn, trẻ trung hơn qua các bản phối mới tinh tế và hiện đại. Ðặc biệt, nhiều ca khúc mới đã được các nhạc sĩ dụng công sáng tác riêng cho chương trình dựa trên cảm hứng từ những bài thơ của nữ thi sĩ trong tập "Xuân Quỳnh - Không bao giờ là cuối" (Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản năm 2011). Ðó là các ca khúc: "Hoa Quỳnh" (nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến), "Mí và Mẹ" (nhạc sĩ Lưu Quang Minh), "Anh là hạnh phúc của đời em" (sáng tác và thể hiện: nhạc sĩ Giáng Son), "Hoa cúc xanh" (sáng tác và thể hiện: Bùi Lan Hương). Sự tham gia biểu diễn của đi-va Hồng Nhung, nhạc sĩ Giáng Son cùng những giọng ca trẻ như Bùi Lan Hương, Mạc Mai Sương, những giọng ca nhí Song Tùng, Ngọc Khánh Chi, Gia Như cũng mang đến những màn kết hợp đầy ấn tượng, mới mẻ.

Kịch ngắn "Ai đã lấp cái đầm lầy Mãi Mãi" ở chương IV có thể xem là điểm nhấn độc đáo của chương trình. Vở diễn do Sân khấu Lucteam của NSƯT Trần Lực dàn dựng, thể hiện dựa trên kịch bản của đạo diễn Nguyễn Hoàng Ðiệp. Ðiều thú vị là nhà thơ Xuân Quỳnh có bài thơ "Hoa cúc xanh", và nhà viết kịch Lưu Quang Vũ cũng đã có kịch bản nổi tiếng mang tên "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" thể hiện nhãn quan vượt thời đại về mối quan hệ giữa robot và người thật, giữa cuộc sống thực và cuộc sống ảo. "Ai đã lấp cái đầm lầy Mãi Mãi" có thể xem là phần tiếp nối của vở kịch nêu trên. Ngỡ rằng, hai con robot trong kịch bản của Lưu Quang Vũ đã chết chìm trong đầm lầy và người ở lại vẫn trăn trở câu hỏi về sự tồn tại của những bông cúc xanh - biểu tượng của tình yêu, sự trong trẻo, cao đẹp. Nhưng không, với vở kịch mới, cuộc đối thoại giữa robot với phiên bản thật, giữa quá khứ và hiện tại vẫn tiếp diễn cùng những bông cúc xanh. Ngôn ngữ biểu diễn ước lệ kết hợp âm nhạc, vũ đạo với phần nhập vai sắc sảo của NSƯT Kim Oanh (vai robot), Phương My (vai người thật) cùng các diễn viên của sân khấu Lucteam đã gửi đi những thông điệp thời sự sâu sắc về giá trị của sự tồn tại, của hạnh phúc đích thực, của những bông cúc xanh ở trong chính trái tim, tâm hồn mỗi người… Với đêm thơ-nhạc-kịch "Hoa cúc xanh", có thể nói, ê-kíp sáng tạo đã thật sự tìm được chìa khóa để phô bày và tôn vinh vẻ đẹp thi ca Xuân Quỳnh qua sự kết nối duyên dáng của nhiều ngôn ngữ nghệ thuật.

TRANG ANH