Vì sao nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lại khẳng định cô không kỳ vọng gì vào phim 'Tro tàn rực rỡ'?

Phim điện ảnh Tro tàn rực rỡ được chuyển thể từ hai truyện ngắn Tro tàn rực rỡ, Củi mục trôi về của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, được cô đồng hành chỉnh sửa kịch bản. Nhiều người từng thắc mắc, hai truyện ngắn đậm chất miền Tây như thế, nay lại do đạo diễn người Hà Nội thực hiện thì sẽ ra sao.

Nói về băn khoăn này, Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ: “Tôi không phân biệt vùng miền đâu. Tôi không để tâm lắm chuyện ai kể chuyện của mình, một khi nó đã chuyển qua ngôn ngữ khác. Dù là phim, hay kịch, bất cứ người nào đến hỏi đầu tiên là tôi nhượng quyền chuyển thể cho người đó. Tôi tin vào duyên. Đời mênh mông vậy, biết đâu mà chọn lựa”.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trên trường quay.

Về câu chuyện đạo diễn Bùi Thạc Chuyên mất tới 5 năm để đưa các chất liệu miền Tây lên màn ảnh, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhớ lại: “Tôi còn không đếm được bao nhiêu lần Chuyên quay lại Cà Mau, sau cái lần tới nói chuyện tác quyền. Có khi báo trước quãng ấy anh có tới, nào rảnh ra ngồi cà phê chơi. Có lúc ảnh đến, biến mất trong rừng ngập mặn hay cái xó quê nào, rồi lặng lẽ rời đi, tôi không hay. Lại có đợt Chuyên nói đi vô một xóm làm chuối ép, bẵng cả tuần, tôi tưởng ảnh về lại Hà Nội rồi, thì bỗng thấy lù lù xuất hiện ở chợ Cà Mau”.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết, trong quãng thời gian chuẩn bị cho Tro tàn rực rỡ, ông đã nhiều lần về miền Tây, sinh hoạt cùng người dân nơi đây. Khoảng một tháng trước khi khởi quay bộ phim, dàn diễn viên cũng sắp xếp công việc để xuống set quay, “sống” cuộc đời của các nhân vật trong phim.

Bất ngờ nhất là nhà văn Nguyễn Ngọc Tư khẳng định, cô không kỳ vọng gì vào bộ phim, bởi: “Tôi luyện tập và thành quen việc không kỳ vọng vào ai khác (kể cả con cái) ngoài mình. Đây là kiểu tôi sống, không phải riêng cho việc nào. Tôi cũng nói với Chuyên rằng, thay vì chạnh lòng bởi tác giả nguyên tác có vẻ lãnh đạm quá, ảnh nên nghĩ theo hướng tích cực hơn, bớt một kỳ vọng là đỡ đi áp lực”.

Thiên Bình