Xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An): Lấy văn hóa truyền thống làm động lực xây dựng nông thôn mới

Kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Về thăm Quỳnh Đôi - xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Nghệ An, năm 2020, xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, năm 2021 trình các cơ quan chức năng phê duyệt xã nông thôn mới kiểu mẫu. Qua cổng làng bề thế là những con đường bê tông thẳng tắp, đường làng ngõ xóm rộng, sạch sẽ, đạt tiêu chuẩn, bên đường đầy hoa, cây cảnh khoe sắc, ngát hương.

Ông Hồ Bảo Thông, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi dẫn chúng tôi đi thăm các công trình nông thôn mới của xã. "Xã Quỳnh Đôi xây dựng thành công xã nông thôn mới là được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện, các cơ quan ban ngành, sự đoàn kết thống nhất của cán bộ Đảng viên và sự đồng thuận của Nhân dân trong xã. Các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu được triển khai xuống thôn xóm, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống. Ngay từ ngày đầu thực hiện xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Quỳnh Đôi xác định những nội dung có thế mạnh để làm điểm nhấn cho xây dựng kiểu mẫu, đó là: Phát triển hạ tầng nông thôn và quy hoạch dân cư; nâng cao các tiêu chí về văn hóa, tu bổ nâng cấp các di tích lịch sử - văn hóa quốc gia trên địa bàn thành các điểm thăm quan du lịch văn hóa tâm linh; tạo dựng môi trường thân thiện, xanh hơn, sạch hơn và sáng hơn…

Xã Quỳnh Đôi giàu truyền thống văn hóa lâu đời, quần thể di tích văn hóa cũng là một trong những lợi thế tiềm năng để xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2021. Đến nay, các tiêu chí xã tổ chức tự đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo theo căn cứ Quyết định số 691/QĐ-UBND, ngày 5/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020", ông Hồ Bảo Thông cho biết. Xã đang làm hồ sơ công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2021.

3 chàng trai kết nghĩa thành 3 dòng họ lớn của làng

Qua tìm hiểu về sự hình thành và phát triển của xã Quỳnh Đôi được biết, năm 1378, ba chàng trai đều xuất thân danh gia vọng tộc gặp nhau tâm đầu ý hợp, kết nghĩa anh em cùng chung chí hướng là: Hồ Hồng, Nguyễn Thạc, Hoàng Khánh. Xem phong thủy, vùng Kim Lâu (Quỳnh Đôi ngày nay) - nơi đây thế đất lòng chảo, sơn thủy hữu tình, có thế đất để phát triển lâu dài cho con cháu đời sau… ba người cùng nhau hợp lực đắp đê, ngăn mặn, chiêu dân lập làng, trở thành đấng tiên hiền có công khai cơ, lập ấp nên làng (nay là xã Quỳnh Đôi) tiếng tăm đến bây giờ.

Qua mấy trăm năm, ba ông đã sinh ra ba dòng họ lớn, nay có 3 di tích Quốc gia là: Nhà thờ họ Hồ, Nhà thờ họ Nguyễn Triệu Cơ và Nhà thờ họ Hoàng. Năm 1805, vua Gia Long sắc phong: Ba vị tiên công Hồ - Nguyễn - Hoàng, tam tính Triệu Cơ, để bách tính khói hương thờ phụng. Đặc biệt, vùng đất này được mệnh danh địa linh sinh ra nhân kiệt như: Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương và các danh nhân như: Tam giáp Tiến sĩ Hồ Sĩ Dương, Nhị giáp Tiến sĩ Hồ Phi Tích, Nguyễn Tông Lai đậu giải nguyên giữ chức Thượng thư Bộ Lại; Phụ quốc - Thượng tướng quân Nguyễn Trạch… Thời cận đại có Cử nhân Hồ Phi Huyền đậu đồng khoa với Phan Bội Châu, Hồ Tùng Mậu và rất nhiều chí sĩ yêu nước…

Xã Quỳnh Đôi thời phong kiến có hàng trăm người đậu đạt cao làm quan lớn ở triều đình, ở phụ, huyện. Xưa có câu ca "Bắc kỳ Hành Thiện/ Hoan Diễn Quỳnh Đôi" (Bắc kỳ nổi tiếng với làng Hành Thiện, quê hương cố Tổng Bí thư Trường Chinh, vùng Hoan Diễn nổi tiếng bởi làng Quỳnh Đôi này). Sau Cách mạng tháng 8/1945, Quỳnh Đôi có nhiều người nổi tiếng như: Cụ Hồ Tùng Mậu, anh hùng Cù Chính Lan (1930 - 1952), nhà thơ Hoàng Trung Thông, 3 anh em Tiến sĩ, Giáo sư Phan Cự Nhân - Phan Cự Đệ - Phan Cự Tiến và Phó giáo sư, Tiến sĩ Văn Như Cương, GS, TS Nguyễn Như Thung, GS, TS Nguyễn Xuân Dũng… nhiều người giữ chức vụ ở trung ương và tỉnh …

Họ Nguyễn Triệu Cơ - 1 trong 3 họ khai cơ ra xã Quỳnh Đôi

Nhà thờ Họ Nguyễn Triệu Cơ thờ Thần An Hòa Hầu Nguyễn Thạc. Theo Giả Họ Nguyễn Triệu Cơ được khởi biên năm 1490: "Ngài An Hòa Hầu Nguyễn Thạc sinh năm Giáp Ngọ (1354) quê Hải Dương, ông nội là nội thư chánh chương Tiến sĩ Nguyễn Bính, cha là Thái Bảo Quận Công Nguyễn Cảnh (1303). Nguyễn Thạc được giáo dưỡng văn võ song toàn. Năm 1378, ông cùng với Hồ Hồng, Hoàng Khánh thành lập Làng Quỳnh.

Năm 1424, khi nghĩa quân Lê Lợi tiến quân vào Nghệ An, trong những ngày đầu khó khăn, Nguyễn Thạc kêu gọi nhân dân cung cấp lương thực, thực phẩm và tuyển quân giúp Lê lợi, các con cũng tham gia nghĩa quân Lam Sơn. Khi Lê Lợi lên ngôi, xét công lao to lớn của Nguyễn Thạc, năm 1428, Lê Lợi phong: Ma lãnh Nguyễn Thạc tự An tâm cư sĩ, tước An hòa hầu. Khi ông mất, Lê Lợi có bài văn điếu: "Sinh thời ông kêu gọi các họ khác ở địa phương cùng lòng xây dựng hậu tuyến vững chắc. Chính Nguyễn Thạc là một vị tướng ở hậu phương"...

Thể hiện sự linh ứng, năm 1925, vua Khải Định tiếp sắc phong Thủy tổ Nguyễn Thạc phúc thần "để phù hộ cho dân ta". Ông đã sinh được 6 người con trai là những người trung quân ái quốc, gồm: Con cả là Phương Quận công Nguyễn Tỉnh, người con thứ hai là Long Quận công Nguyễn Tu (tự An, Yên). Năm Giáp Thìn (1424), Nguyễn Tu gia nhập nghĩa quân Lam Sơn, năm Ất Tỵ (1425) đậu cử nhân võ đầu tiên Thổ Đôi trang, được Bình Định Vương giao phụ trách tượng binh bao vây thành Diễn Châu giải phóng vùng Bắc Nghệ An. Năm Quý Dậu (1453) đời vua Lê Nhân Tông, phong Nguyễn Tu giữ chức Tứ thành đề hạt. Tháng 6/1459, Nghi Dân cùng đồng đảng làm phản, Nguyễn Tu cùng Nguyễn Xí, Nguyễn Đức Trung và em trai của ông là Tổng quản Quân lương - Nguyễn Hàn (Hải) giết bọn nghịch đảng, phế truất Nghi Dân, đưa Lê Tư Thành lên ngôi - tức Lê Thánh Tông Hoàng Đế, ông vua anh minh của dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất.

Trong cuộc chiến ấy, Nguyễn Hàn (Hải) đã hi sinh, được Lê Thánh Tông tuy phong Lão tướng quân Đại lang, thi hài đưa về Chi Linh (Hải Dương) mai táng. Nguyễn Tu phò 4 đời vua: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông, do có công lớn nên được phong: Quả cảm tướng quân, Trực danh Thượng sĩ, tước Long Lĩnh Công, Quận công. Khi qua đời, theo di nguyện của ông, nhà vua ưu ái cho thuyền rồng đưa thi hài về quê nhà an táng tại núi Long Sơn (xã Tiến Thủy, Quỳnh Lưu) để ngàn năm vững bền dấu tích. Các con trai tiếp theo của Nguyễn Thạc giữ chức: Đô tổng quản Nguyễn Lai (Lại, 1390 - 1439); Tả đột quân Nguyễn Lam (Láng, 1393); Nguyễn Hàn (Hải) làm Lão tướng quân Đại lang (1395 - 1460); Quản lãnh lộ Nguyễn Hưng (1397 - 1470). Con cháu của các ông về sau hầu hết học hành thành đạt làm rạng danh dòng họ. Theo thống kê của họ Nguyễn Triệu Cơ, thời nho học, các kỳ thi: Tôn thần, Tiến sĩ, Quận Công, thượng thư 14 người; Tước Hầu, Bá, Tử - Nam 29 người; Phó bảng, cử nhân văn võ, tướng quân 47 người; Tú tài 75 người; từ năm 1954, Tướng, Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, Đại học có hơn 1.000 người. Con cháu họ Nguyễn Triệu Cơ thời nào cũng vậy, sinh sống và làm việc ở quê hương hay trên mọi miền đất luôn hướng về cội nguồn tri ân tiên tổ, góp công góp của xây dựng nhà thờ tổ.

Xã Quỳnh Đôi có 42 dòng họ, rất nhiều dòng họ có nhiều người học giỏi đậu cao thời phong kiến cũng như thời đại chúng ta. Họ Nguyễn Triệu Cơ là một trong những dòng họ có nhiều người học giỏi thành danh của Quỳnh Đôi. Các dòng họ nơi đây sống đoàn kết giúp đỡ nhau cùng phát triển, tạo nên truyền thống văn hóa đặc sắc, xứng với xã anh hùng, làng văn hóa Quỳnh Đôi.

Nhà thờ Họ Nguyễn Triệu Cơ xã Quỳnh Đôi, Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).

Ông Hồ Bảo Thông, Chủ tịch UBND xã chỉ đạo xây dựng Nhà văn hóa đa chức năng của xã Quỳnh Đôi (thứ 2 từ trái); (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).

Cổng làng xã nông thôn mới Quỳnh Đôi.

Nguyễn Ngọc Minh