Xây dựng sản phẩm nấm linh chi thành sản phẩm OCOP

Hợp tác xã sản xuất nấm của gia đình anh Đào Văn Hoàng ở thôn Lê Hương, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương.

Ngay từ năm 2014 anh Đào Văn Hoàng đã đầu tư 2.500 m2 nhà xưởng, mua sắm máy móc, bảo đảm sản xuất đồng bộ, khép kín với dây chuyền máy hấp, sấy tiệt trùng, máy thái lát, hút chân không, phòng cấy, ươm sợi và nhà xưởng nuôi dưỡng nấm đáp ứng các điều kiện về nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm để trồng nấm linh chi, nấm sò từ nguồn nguyên liệu chủ yếu là cây cao su, cây keo được xử lý nấm mốc để cấy mô nấm, nuôi dưỡng trong phòng lạnh. Khi cây nấm phát triển, sinh trưởng tốt mới cho ra ngoài tự nhiên để nuôi trồng.

Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, mỗi lứa nấm trồng có thể cho thu hoạch sau 3-6 tháng nuôi trồng và mỗi bịch giá thể cho thu hoạch 2-3 lần. Giá thể nấm sau khi thu hoạch được tận dụng làm chất đốt hoặc ủ làm phân bón cho cây trồng.

Sản phẩm nấm Linh Chi của gia đình anh Đào Văn Hoàng.

Điểm khác biệt của kỹ thuật trồng nấm của gia đình anh Hoàng là nguồn dinh dưỡng cho nấm hoàn toàn từ tự nhiên, không bổ sung bất kỳ phụ gia, nên sản phẩm nấm Linh Chi được đánh giá có chất lượng cao, dược tính tương đương nấm mọc trong tự nhiên.

Nhờ thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật nên ngay từ năm đầu tiên sản xuất nấm, gia đình anh Đào Văn Hoàng đã thành công, các sản phẩm từ nấm phát triển tốt, có thị trường tiêu thụ ổn định, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Để chủ động trong sản xuất, năm 2015 anh Hoàng bắt đầu nghiên cứu sản xuất giống nấm sò, nấm linh chi. Tự sản xuất được giống không chỉ giúp anh chủ động được thời vụ, mà còn có được nguồn giống sạch, đảm bảo chất lượng và giảm giá thành sản xuất. Không chỉ vậy, anh còn cung cấp giống nấm linh chi cho các hộ ở trong và ngoài huyện.

Mặc dù ảnh hưởng của bệnh dịch COVID-19, tuy nhiên, mỗi năm, trang trại của anh Hoàng vẫn nuôi cấy được trên 180.000 bịch nấm linh chi và nấm sò, sản lượng đạt trên 35 tấn, sau khi trừ chi phí anh thu lãi từ 300 đến 400 triệu đồng/năm. Sản phẩm nấm linh chi từ trang trại của gia đình anh đang được xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương lựa chọn để xây dựng sản phẩm OCOP.

Anh Đào Văn Hoàng (người bên trái).

Anh Đào Văn Hoàng chia sẻ: Để được chứng nhận sản phẩm OCOP gia đình cũng đầu tư xây dựng hệ thống nhà sấy, nhà hấp thanh trùng đạt tiêu chuẩn, phòng cấy và hệ thống xử lý nấm sau thu hoạch, máy hút chân không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nỗ lực xây dựng sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCCOP.

Ông Nguyễn Khắc Toàn, Chủ tịch UBND xã Quảng Lộc, cho biết: Để xây dựng sản phẩm nấm linh chi thành sản phẩm OCOP, địa phương sẽ đồng hành, hỗ trợ hộ sản xuất không chỉ về thủ tục giấy tờ mà cả việc mở rộng quy mô sản xuất, đảm bảo quy rình kỹ thuật để đáp ứng tốt các yêu cầu của cơ quan chức năng.

Phôi nấm linh chi đang phát triển.

Dự định mở rộng quy mô thêm từ 400 - 1.000 m2 để sản xuất nấm, đồng thời, tăng cường áp dụng khoa học, kỹ thuật, đầu tư máy móc để nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm, gia đình anh Đào Văn Hoàng sẽ đẩy mạnh chế biến sản phẩm nấm thành các sản phẩm từ nấm như trà túi lọc nấm linh chi, cao nấm linh chi, nấm linh chi thái lát theo tiêu chuẩn của OCOP, đưa ra thị trường.

Linh Hương