'Yêu nữ thích hàng hiệu' và 5 sự thật đằng sau những bộ cánh có giá cả tỷ đồng

Ra mắt vào năm 2006, The Devil Wears Prada (Yêu nữ thích hàng hiệu) khiến cả Hollywood và giới thời trang chao đảo. Phim quy tụ dàn sao đình đám khoác lên mình những bộ cánh xa xỉ đắt đỏ bậc nhất. Cho tới tận bây giờ, gu ăn mặc của hai nhân vật Miranda Priestly (Meryl Streep) và Andy Sachs (Anne Hathaway) vẫn chưa hề lỗi mốt, đó chính là thành công mà bất cứ bộ phim nào về giới thời trang cũng mong muốn đạt được.

Yêu nữ thích hàng hiệu đã ra mắt 15 năm nhưng vẫn giữ được sức hút đáng nể.

Bộ phim vừa kỷ niệm 15 năm nhân ngày công chiếu. Trong dịp này, trang Entertainment Weekly mới đây đã tổ chức hẳn một cuộc hội ngộ trực tuyến để giao lưu với toàn bộ dàn diễn viên năm xưa. Những câu chuyện thú vị được ôn lại cùng nhiều bí mật về quá trình làm phim cũng được hé lộ khiến người hâm mộ không khỏi tò mò.

Không ít người tin rằng hình tượng Tổng biên tập Miranda Priestley được lấy cảm hứng từ “Bà đầm thép” Anna Wintour – Tổng biên tập nổi tiếng của tạp chí Vogue. Tuy nhiên, Liz Tilberis – Tổng biên tập quá cố của tạp chí Harper's Bazaar mới là nguồn cảm hứng cho nhân vật này. Đây là quyết định của bản thân nữ diễn viên Meryl Streep cùng với sự bàn bạc của chuyên gia trang điểm và NTK trang phục trong phim.

Tên gốc của phim có nhắc đến hãng thời trang nổi tiếng thế giới Prada nhưng nữ chính Miranda lại không chuộng đồ của nhà mốt Ý. Thay vào đó, stylist của đoàn phim đã tìm đến kho lưu trữ của NTK Donna Karan, tìm kiếm những trang phục bó sát từ thập niên 80 và 90 để tạo ra sự khác biệt và cũng là hình ảnh riêng đặc trưng cho phong cách của Miranda Priestley. Đoàn làm phim đã không chọn những thiết kế đang thịnh hành tại thời điểm đó để chứng minh bản thân nhân vật Miranda Priestley đã có bản lĩnh thời trang tuyệt vời đến mức dù mặc đồ cũ hàng chục năm và vẫn có phong thái dẫn đầu xu hướng.

Trước khi vào vai cô phóng viên học việc Andy trong Yêu nữ thích hàng hiệu, Anne Hathaway vốn chỉ được biết đến là một diễn viên Disney qua loạt phim Nhật ký công chúa. Bộ phim đã đưa sự nghiệp của cô lên đỉnh cao cũng như thay đổi cái nhìn của Anne về thời trang, từ đó định hình phong cách của cô cho tới tận bây giờ.

Phân cảnh kinh điển nhất của phim phải kể đến quá trình nhân vật Andy của Anne Hathaway được lột xác từ cô gái luộm thuộm sang một cô nàng ăn mặc sành điệu, thời thượng. Đa phần các trang phục, phụ kiện tạo ra diện mạo sành điệu này của Andy chính là của hãng Chanel. Vào thời điểm làm phim, hãng Chanel cũng rất muốn mở rộng thị trường, hướng tới người tiêu dùng là những cô gái trẻ tuổi, vì vậy mà thương hiệu này đã rất nhiệt tình cho mượn đồ để quảng bá trong phim.

Đoàn phim không phải chi trả toàn bộ số tiền cho phục trang. Ngoài Chanel, rất nhiều nhà thiết kế danh tiếng ủng hộ quần áo và phụ kiện để tạo nên tác phẩm hào nhoáng này. Người thiết kế phục trang Frankel ước tính giá trị của toàn bộ quần áo, váy, giày, phụ kiện được sử dụng trong phim lên tới khoảng một triệu USD, trong đó đắt nhất là chiếc vòng 100.000 USD (2,3 tỷ đồng) hiệu Fred Leighton mà Meryl Streep đeo trên cổ.

Tới nay, The Devil Wears Prada nằm trong số các phim có phần phục trang đắt đỏ nhất, quy tụ hàng loạt thương hiệu nổi tiếng.

Rachel Phạm (Tổng hợp)