Các dân công hỏa tuyến kể chuyện tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ

Dân công hỏa tuyến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu.

Vận chuyển lương thực phục vụ bộ đội chiến đấu

Ở tuổi 97, ông Lưu Văn Tùng (cư trú tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh) vẫn nhớ như in về những ngày tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cuối năm 1953 đến đầu tháng 5/1954, ông Lưu Văn Tùng được địa phương cử đi làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực phục vụ bộ đội chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi nhận được lệnh, ông cùng mọi người tập trung hành quân đi bộ đến điểm tập kết tại một khu rừng rậm ở tỉnh Thái Nguyên. Dụng cụ được cấp là dây buộc, đòn gánh và 2 cái bồ đựng 24kg gạo.

Ngoài số gạo vận chuyển phục vụ bộ đội, mỗi dân công hỏa tuyến được biên chế 10kg mang theo để ăn trong vòng 20 ngày. Thời gian thực hiện nhiệm vụ chủ yếu vào ban đêm, gánh bộ từ 5 giờ chiều ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Khi trời sáng, các dân công hỏa tuyến dừng lại và ẩn nấp trong rừng để nghỉ ngơi.

Ông Lưu Văn Tùng tham gia cuộc gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ do TP Hà Nội tổ chức

“Đây là quãng thời gian rất khó khăn, thiếu thốn, chúng tôi chỉ dám ăn cơm ngày hai bữa vào buổi sáng và buổi tối, chỉ ăn cơm với muối trắng. Cứ như vậy, đêm này qua đêm khác, chúng tôi len lỏi trong rừng, trèo đèo, lội suối. Gió rét, mưa phùn, quần áo ẩm ướt, ngủ trong rừng, cộng với tiếng súng đạn nên không hôm nào giấc ngủ được trọn vẹn” - ông Lưu Văn Tùng hồi tưởng lại.

Vào ban đêm hành quân trời tối, các dân công hỏa tuyến lần theo sợi dây màu trắng do lực lượng dẫn đường rải để chỉ dẫn đường. Gánh gạo suốt 12 ngày đêm liên tục, ngày nghỉ, đêm gánh gạo trèo đèo, lội suối, xuyên rừng trong đêm tối, muỗi đốt, vắt cắn, không may có người trượt chân va vào vách đá, các dân công hỏa tuyến lại tự khắc phục cho nhau, bởi lúc đó không có quân y đi cùng, sau đó lại tiếp tục gánh gạo bám theo đội hình.

“Là thanh niên trẻ có sức khỏe được tổ chức tin tưởng lựa chọn và giao nhiệm vụ, đó là niềm vinh dự, tự hào nên tôi luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Qua nhiều ngày vất vả gánh gạo, chúng tôi có mặt ở chân dốc, bên kia đèo Pha Đin, bàn giao gạo cho đơn vị tiếp quản. Tổng thời gian một lượt đi và về hết 20 ngày đêm, chuyển được 24 kg gạo cho bộ đội” - ông Lưu Văn Tùng kể lại.

Nhớ lại những tháng năm khó khăn, gian khổ, vất vả, ác liệt nhưng cũng vô cùng vinh quang ấy, ông Lưu Văn Tùng cho biết, không bao giờ quên được sự mất mát, sự hy sinh xương máu của các đồng đội, để giành được độc lập, tự do cho Tổ quốc: “Chín năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”.

Bà Chu Thị Ngảnh

Ký ức, kỷ niệm đẹp trong cuộc đời

Đối với bà Chu Thị Ngảnh (93 tuổi, ở xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn), dù đã tuổi cao nhưng câu chuyện về một thời tham gia làm dân công hỏa tuyến phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm trước vẫn được bà nhớ, kể lại một cách rành mạch.

Thời gian ấy, ở cái tuổi sung sức của tuổi trẻ, mặc dù là một cô gái có vóc dáng bé nhỏ, nhưng bà đã trực tiếp tham gia kéo pháo, gánh gạo, vận chuyển lương thực ra chiến trường cho bộ đội; đồng thời, đảm nhận nhiệm vụ nuôi thương binh, gánh thương binh từ chiến trường về.

Bà nhớ lại, công việc vận chuyển gạo của các dân công hỏa tuyến cho Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra vào ban đêm vô cùng vất vả. Có những đoạn đường rất khó đi, phải lần mò, nhích từng bước một. Sau khi gánh gạo, vận chuyển lương thực đến chiến trường, dân công hỏa tuyến được giao nhiệm vụ đưa thương binh từ chiến trường về hậu cứ chữa trị. Việc tải thương cũng vất vả không kém. Chiến sĩ bị thương nằm trên cáng, võng, được các dân công hỏa tuyến phân công phụ trách gánh về…

Cống hiến sức trẻ, tuổi thanh xuân phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, các dân công hỏa tuyến năm xưa cảm thấy vinh dự, tự hào vì đã góp một phần nhỏ bé của mình cho thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

Giờ đây khi dấu vết thời gian đã in hằn lên mái tóc, làn da, các dân công hỏa tuyến năm xưa đều đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, đôi lúc nhớ nhớ, quên quên, nhưng những kỷ niệm về Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn luôn mãi là những ký ức, kỷ niệm đẹp trong cuộc đời; là minh chứng sinh động, chân thực nhất về một thời lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Hồng Thái