Cầu nối từ 'Shop 50 đồng'

Cái duyên đến với cô gái 9X này khi mở "Shop 50 đồng" đầu tiên tại TP HCM rất đơn giản. Từ những lần đến bệnh viện hỗ trợ sản phụ mới sinh nuôi con bằng sữa mẹ, nhận thấy nhu cầu tặng đồ dùng sơ sinh của các mẹ bỉm rất nhiều vì trẻ con lớn nhanh, bỏ đi rất phí, trong khi đó, nhiều mẹ khó khăn lại rất cần, Nga lập tức làm cầu nối, cần mẫn mang từng túi đồ từ người cho đến tặng lại cho người nhận. Cứ vậy, hành trình này được Nga thực hiện bền bỉ gần 1 năm.

Nhận thấy công việc tuy có ích nhưng lại không hiệu quả vì sự lan tỏa không lớn, chưa kể, khi thực hiện phát sinh một số chi phí nên Nga quyết định chuyển từ "Shop 0 đồng" sang "Shop 50 đồng".

"Ban đầu có nhiều người không hiểu cũng ý kiến, nói là tôi lợi dụng gom đồ cũ về bán nhưng thật ra khi gom đồ đạc về không chỉ tốn chi phí xăng xe mà còn phải giặt giũ, thậm chí sửa sang cho sạch sẽ rồi mới mang đến "shop" giới thiệu cho người cần. 50 đồng tượng trưng cho 50.000 đồng, mức phí vừa phải, ai cũng có thể trả. Với số tiền đó, các mẹ có thể lấy bao nhiêu món đồ tùy thích" - Nga giải thích.

Từ một "Shop 50 đồng" đầu tiên, đến nay, Nga đã thành lập hơn 110 chi nhánh "Shop 50 đồng", lan tỏa, hỗ trợ các mẹ bỉm sữa trên khắp các tỉnh, thành. Hình thức hoạt động vẫn là nhận đồ dùng cũ từ quần áo, giày dép, gấu bông, đồ dùng học tập, dụng cụ nhà bếp, dụng cụ làm đẹp… còn sử dụng tốt của người không cần giới thiệu đến cho người cần. Mua bao nhiêu món trên "shop" cũng chỉ tốn 50.000 đồng.

Chị Nguyễn Thị Thủy, thành viên mới của "Shop 50 đồng", phụ trách chi nhánh Đà Nẵng, vui vẻ kể từ việc mua đồ trên nhóm để tiết kiệm chi phí, chị dần thích và trở thành chi nhánh của Shop. Chi nhánh mới hoạt động được một tháng nên chưa có khách nhiều nhưng thấy công việc ý nghĩa, nếu làm tốt sẽ có thu nhập nên chị kiên trì theo đuổi.

"Quan trọng là từ khi tham gia "Shop 50 đồng", được gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các mẹ bỉm trong nhóm, tôi vui vẻ, tích cực hơn, không stress như khi sinh đứa con đầu. Tôi an tâm ở nhà nuôi con bằng sữa mẹ, cùng con lớn lên trong những năm tháng đầu đời" - chị Thủy bày tỏ.

Trần Thị Nga với các túi đồ cũ thu gom để tái sử dụng

Không chỉ gói gọn trong việc tái sử dụng các sản phẩm qua hoạt động "Shop 50 đồng" trên toàn quốc, Nga đang ấp ủ những dự định lớn hơn để lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, trong đó đặc biệt chú trọng những hoạt động thiết thực nhằm giáo dục cho trẻ nhỏ thông qua hành động của cha mẹ. Theo Nga, cha mẹ là tấm gương cho con, cha mẹ tái sử dụng, con sẽ học được thói quen tái sử dụng. Cha mẹ xách cà mèn đi mua thức ăn, con học được cách hạn chế sử dụng túi nhựa…

Từ ý tưởng này, Nga và các bạn trong nhóm đã trích quỹ từ "Shop 50 đồng" tổ chức các sân chơi tái sử dụng cho các bé như: tủ sách 0 đồng ở Vũng Tàu; sân chơi làm búp bê từ vải tái chế; làm xâu hạt từ vật liệu tái chế ở Ninh Bình; sân chơi đọc sách và ăn kem organic và các chương trình tặng gấu bông, quần áo, thức ăn cho các bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM)...

Nga cùng các mẹ bỉm mua cà mèn tặng cơm cho trẻ em và người có hoàn cảnh khó khăn tại các bệnh viện, khu lao động. Thức ăn được các thành viên trong nhóm nấu từ nguồn nguyên liệu đóng góp từ khách hàng, đại lý. Để lan truyền ý thức bảo vệ môi trường, mỗi lần tặng cơm, Nga kêu gọi mọi người tự mang hộp, cà mèn ra đựng, không sử dụng hộp xốp, túi ni-lông. Lúc đầu, nhiều người chưa quen nên lúng túng nhưng biết ý nghĩa nên họ ủng hộ.

Nói về hành trình phía trước, Nga cho biết vẫn là câu chuyện tái sử dụng đồ cũ, song song đó là tái chế; nhiều quần áo cũ đã được các mẹ cắt ra, biến tấu thành những chiếc túi, chiếc nơ xinh xắn. Dự án tái sử dụng váy cưới cho các cặp đôi khó khăn đã được Nga thử nghiệm lần đầu cho 4 cặp với những bộ ảnh cưới xinh tươi, lần 2 dự kiến tổ chức cuối năm nay.

Ngoài quần áo, đồ gia dụng thì thực phẩm cũng được Nga kêu gọi các chi nhánh thu gom để tái chế, ưu tiên những thực phẩm khô còn hạn sử dụng, bảo đảm chất lượng để nấu những bữa ăn miễn phí cho người khó khăn.

Bài và ảnh: Thu Hồng