Di sản - từ thực đến ảo

Mảnh ghép quan trọng của di sản

Hơn 30 năm qua, công nghệ thúc đẩy việc số hóa, ứng dụng trong bảo tồn, phục dựng di sản ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Italy... Theo sự tiến bộ của công nghệ, các sản phẩm đầu ra của số hóa di sản hướng đến đưa các tác phẩm nghệ thuật, di chỉ khảo cổ học, công trình kiến trúc, cảnh quan, công trình nghiên cứu lịch sử… lên không gian ảo.

Hình ảnh kiến trúc chùa Một Cột theo phục dựng của SEN Heritage. Nguồn: ITN

PGS.TS. Trần Trọng Dương, Viện Hán Nôm - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định, số hóa không chỉ giúp lưu trữ thông tin, hệ thống hóa tư liệu, bảo tồn các giá trị nội dung và hình thức của di sản, giúp quản lý di sản. Nhiều quốc gia đã tái lập, phục dựng, phỏng dựng dạng số trên cơ sở tư liệu và khảo cổ. Số hóa di sản cũng phục vụ cho nghiên cứu khoa học, trưng bày thuyết minh ở bảo tàng, hỗ trợ phục vụ du lịch, xây dựng phim trường ảo...

Ở Việt Nam, việc áp dụng công nghệ đã khởi động khoảng một thập kỷ, và bước đầu đã có những thành tựu. Có thể kể tới hệ thống bảo tàng như: Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam... đã có những khu trưng bày ảo song song với trưng bày thực tế, hay ra mắt công nghệ tham quan trực tuyến 3D tour.

Một số sản phẩm công nghệ thực tế ảo VR3D cũng thu hút công chúng thời gian qua, như dự án mô phỏng kiến trúc chùa Diên Hựu và kiến trúc Một cột thời Lý, bản phỏng dựng Đài đèn thời Lý và Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý trong Dự án tái lập các di sản kiến trúc, mỹ thuật thời Lý - Trần của nhóm SEN Heritage, dựa trên kết quả nghiên cứu và tổng hợp các giả thuyết của giới khoa học cũng như phế tích khảo cổ. Ứng dụng thành quả từ nhiều lần nghiên cứu, SEN Heritage còn tạo ra bản phối đặt Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh vào bối cảnh chùa Diên Hựu trong không gian VR…

Hay từ các dấu tích, vật liệu kiến trúc được tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long và nhiều thập kỷ nghiên cứu, PGS.TS. Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành và các cộng sự đã phỏng dựng 3D hình thái kiến trúc cung điện thời Lý. Đây là lần đầu tiên hình ảnh giả thiết về kiến trúc cung điện thời Lý sau hơn một nghìn năm được tái hiện, giúp người xem hình dung, cảm nhận về vẻ đẹp và sự hoành tráng của quy mô kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long xưa.

Mới đây, nhóm Huyền Tinh Tác Đấu công bố bức tranh 3D phỏng dựng thiết kế kiến trúc chùa Dạm (tức Đại Lãm Thần Quang tự, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Đây là một công trình lớn của thời Lý, nhưng qua nghìn năm lịch sử, chùa Dạm đã trở thành phế tích. Bởi vậy, việc phỏng dựng này đã thu hút sự quan tâm của công chúng yêu di sản…

Thổi sức sống vào các giá trị từ quá khứ

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ không chỉ giúp nghiên cứu, bảo tồn di sản, mà còn thực sự kết nối các thế hệ trong việc lưu giữ, phát huy di sản của cha ông. Nhiều ý kiến cho rằng, số hóa là một cách thổi sức sống vào di sản, thúc đẩy việc phát huy các giá trị văn hóa từ trong quá khứ đến đời sống đương đại. Thậm chí, các sản phẩm công nghệ còn giúp các tổ chức, người yêu di sản có cơ hội sống bằng di sản.

Chương trình “Số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030” do Chính phủ phê duyệt tháng 12.2021 đang được triển khai nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Thời gian qua, không ít địa phương, đơn vị đã triển khai thực hiện số hóa di sản.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hiền, Tổ trưởng Tổ bộ môn Di sản học - Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng, để có các di sản số, số hóa là công việc quan trọng thời điểm này. Thế giới đã làm nhiều và Việt Nam đang triển khai. Một số tỉnh, thành phố đã có nguồn lực, đã và đang thực hiện số hóa di sản tại địa phương. Tuy nhiên, nhiều tỉnh còn loay hoay chưa biết cách thực hiện, có địa phương dành nguồn lực cho dự án số hóa di sản không nhiều, nhưng lại có hàng nghìn di sản cần đưa lên không gian ảo…

Tuy vậy, một số rào cản của di sản số hiện nay ở Việt Nam gặp phải như vấn đề về bản quyền sau khi được số hóa và sử dụng rộng rãi; việc bảo vệ các di tích, cổ vật khi công bố rộng rãi bản số trên internet; tính chính xác trong quá trình số hóa di sản, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể…

Bên cạnh vấn đề nguồn lực, công nghệ nhanh lạc hậu, việc thiếu nguồn nhân lực đang là thách thức lớn của phát triển di sản số. Mặt khác, từ số hóa, xây dựng dữ liệu di sản, đến tạo các sản phẩm khai thác được di sản số còn là quá trình khá dài. Thực tế, tại nhiều quốc gia, di sản số ngoài góp phần bảo tồn, còn là nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh cổ trang, du lịch ảo... nhưng tại Việt Nam, ít có sản phẩm di sản số được sử dụng hoặc trở thành một sản phẩm cho các ngành khác.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang được xây dựng. PGS.TS. Trần Trọng Dương kỳ vọng, Luật sẽ mở ra chân trời mới để phát triển di sản số. Nếu khái niệm “di sản số” được đưa vào Luật, bản số được công nhận là loại hình di sản, sẽ có chính sách, chiến lược triển khai các thiết chế đi kèm, vấn đề bản quyền, thương mại hóa sản phẩm, đặc biệt quan trọng là có chiến lược đào tạo nhân lực… phát triển lĩnh vực này.

Thảo Nguyên