Du lịch thu bộn tiền trong dịp lễ 30-4, rồi sao nữa?

Bất chấp giá vé máy bay cao, nắng nóng gay gắt bao trùm cả nước, dịp lễ 30-4 và 1-5, có 8 triệu lượt khách du lịch.

Thanh Hóa dẫn đầu cả nước cả về số lượng khách và doanh thu (1,5 triệu lượt khách với 3.800 tỉ đồng). Kế đến là TP.HCM dù chưa đạt 1 triệu lượt khách và chỉ tăng 2% so cùng kỳ nhưng tổng thu đạt khoảng 3.235 tỉ đồng; Hà Nội khoảng 737.900 lượt khách, tổng thu đạt 2.500 tỉ đồng; Quảng Ninh cán mốc 1 triệu lượt khách, thu hơn 2.210 tỉ đồng.

Bên cạnh sự bùng nổ khách nội địa dịp lễ, khách quốc tế đến Việt Nam vượt cả trước đại dịch. Số liệu thống kê từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho thấy, tổng số khách quốc tế trong 4 tháng đầu năm đạt 6,2 triệu lượt, tăng 3,9% so với thời điểm trước 2019. Riêng tháng 4, đạt trên 1,5 triệu lượt.

Sự bùng nổ của du lịch trong dịp vừa rồi cho thấy khả năng hồi phục mạnh mẽ về tổng thế các dịch vụ vui chơi, ẩm thực, trải nghiệm, mua sắm, nghỉ dưỡng. Đây cũng là động lực để hoạch định các loại hình, mô hình phát triển du lịch, trải nghiệm, nghỉ dưỡng phù hợp tương lai.

Biển Sầm Sơn, Thanh Hóa đón lượng khách kỉ lục gần triệu lượt. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Lý giải về lượng khách du lịch tăng nóng trong giai đoạn này, các nhà quản lý du lịch cho rằng thời gian nghỉ kéo dài, cộng thời tiết nắng nóng nên người dân tìm đến các bãi biển, đảo, khe suối, các khu nghỉ dưỡng để giải nhiệt.

Đặc biệt các đơn vị du lịch, doanh nghiệp đã tung ra các sản phẩm dịch vụ mới, điều chỉnh giá cả, kích thích khách hàng sử dụng dịch vụ, mua sắm.

Cùng đó, hệ thống giao thông đường bộ, cao tốc và đường sắt phát triển rút ngắn thời gian đi lại giũa các vùng miền, giúp nhiều người tổ chức các tour du lịch tự túc, tiết kiệm chi phí, thay vì phụ thuộc hàng không trong bối cảnh vé máy bay đắt đỏ.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, du lịch trong nước thường bùng nổ vào các thời điểm lễ, tết và cao điểm hè, sau đó sẽ xẹp xuống rất nhanh.

Lúc cao điểm cùng lúc có hàng triệu lượt khách đổ xô du lịch sẽ áp lực lên hệ thống giao thông, phương tiện đi lại, chỗ lưu trú, vui chơi giải trí, ẩm thực. Sau mùa vụ cao điểm, các cở sở lưu trú dư thừa, phương tiện di chuyển chùng xuống

Như vậy, bên cạnh niềm vui thắng lớn từ cao điểm lễ, tết, cần có sự hoạch định du lịch theo hướng bền vững để định hình cho ngành du lịch cho những năm tới, nhất là các dịp lễ, tết.

Cụ thể là các địa phương, các thủ phủ du lịch cần tính toán, hoạch định du lịch bền vững với nhiều sản phẩm đặc sắc, mới lạ và cân đối phát triển du lịch để không gây quá tải hạ tầng, lưu trú và gây hại cho môi trường và cộng đồng địa phương.

Đồng thời, chú ý mô hình du lịch cộng đồng và thúc đẩy du lịch sinh thái phát triển hiệu quả mang lại ích kinh tế cho cộng đồng địa phương và bảo tồn văn hóa .

Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch, quảng bá và marketing hiệu quả cũng là những yếu tố không thể thiếu trong hoạch định du lịch bền vững.

PHONG ĐIỀN