Mỹ xây dựng hệ thống pháp lý nhiều cấp

Từ quy định chặt chẽ cấp liên bang...

Trong hai thập kỷ qua, Quốc hội đã thông qua một số dự luật nhằm huy động toàn bộ nguồn lực và sự quan tâm của chính quyền liên bang vào cuộc chiến chống lại tệ nạn trên. Trước hết là Luật Bảo vệ nạn nhân buôn người năm 2000, trong đó trang bị nhiều công cụ, nguồn lực mới nhằm xóa bỏ các hình thức nô lệ hiện đại, tập trung vào 3 yếu tố quan trọng trong phòng, chống nạn buôn bán người là “bảo vệ, phòng ngừa và truy tố”.

Tiếp theo là Luật Bảo vệ nạn nhân buôn người năm 2003, cải tiến các điều khoản hình sự liên bang chống lại nạn buôn người, cho phép nạn nhân nộp đơn kiện những kẻ buôn người ở tòa án quận. Luật cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tư pháp phải báo cáo thường niên với ốc hội Mỹ về những nỗ lực của Chính phủ trong việc bảo vệ nạn nhân buôn bán người. Năm 2005, luật được sửa đổi, thiết lập chương trình thí điểm bảo vệ cho nạn nhân buôn người là trẻ vị thành niên, đồng thời cung cấp các chương trình tài trợ để hỗ trợ cơ quan thực thi pháp luật của tiểu bang và địa phương chống lại nạn buôn người…

Hạ viện Mỹ thông qua Chương trình hỗ trợ nạn nhân của nạn buôn người năm 2022. Nguồn: Nền tảng X

Năm 2008, Luật William Wilberforce về bảo vệ nạn nhân buôn người ra đời. Luật này cải tiến hơn nữa các công cụ sẵn có để buộc những kẻ buôn người phải chịu trách nhiệm. Đặc biệt, theo luật này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục sẽ được thêm vào lực lượng đặc nhiệm liên ngành giúp giám sát và chống lại nạn buôn bán người.

Luật Bảo vệ nạn nhân buôn người năm 2013 tập trung một phần vào việc loại bỏ nạn buôn người khỏi chuỗi cung ứng hàng hóa. Mục tiêu là bảo đảm công dân Mỹ không sử dụng các đồ vật, sản phẩm hoặc tài liệu được sản xuất hoặc trích xuất bằng cách sử dụng sức lao động của nạn nhân buôn người.

Ngoài ra, Luật Công lý cho nạn nhân buôn người năm 2015, Luật Bảo vệ nạn nhân buôn người năm 2017, Luật Frederick Douglass về phòng, chống và bảo vệ nạn nhân buôn người năm 2018 và phiên bản mới của luật này vừa được Hạ viện Mỹ thông qua vào tháng 2.2024.

… đến những nỗ lực quan trọng cấp bang

Bang California là một trong những ví dụ điển hình trong nỗ lực chống nạn buôn người ở cấp địa phương, đặc biệt liên quan đến trẻ vị thành niên. Thực tế, California đã ban hành luật mới áp đặt các hình phạt khắc nghiệt hơn đối với tội buôn bán trẻ em. Có hiệu lực từ ngày 1.1.2024, Luật Phòng, chống bóc lột tình dục trẻ em vì mục đích thương mại coi hành vi này là "trọng tội nghiêm trọng". Theo đó, những kẻ bị kết tội sẽ phải đối mặt với án tù dài hơn và có thể bị kết án chung thân. Ở khung pháp lý trước đây, tội danh trên bị phạt tù lên tới 12 năm. Tuy nhiên, nếu hành vi phạm tội liên quan đến cưỡng bức, bạo lực, đe dọa hoặc gây tổn hại lớn về thể xác cho nạn nhân, hình phạt có thể tăng đến 15 năm tù.

Tháng 4.2024, Thống đốc bang Alabama Kay Ivey cũng ký phê chuẩn Luật Âm thanh tự do, nâng hình phạt đối với tội buôn người cấp độ một lên mức án bắt buộc là tù chung thân nếu nạn nhân là trẻ vị thành niên. Theo ông, “buôn bán trẻ vị thành niên là một trong những tội ác ghê tởm và đau lòng nhất ở Mỹ. Vì vậy, nếu trẻ vị thành niên - những người ít có khả năng tự vệ nhất - trở thành nạn nhân của bọn buôn người, thì những kẻ bị kết tội sẽ phải đối mặt với những hình phạt khắc nghiệt nhất”.

Mới đây, bang Florida ban hành luật mới nhằm vào các tiệm massage và người hành nghề chăm sóc sức khỏe. Có hiệu lực từ ngày 1.7 tới, Luật HB 7063 về chống buôn bán người trao cho Bộ Y tế của bang quyền đình chỉ giấy phép hoặc đóng cửa các tiệm massage và những người hành nghề chăm sóc sức khỏe lừa đảo bị nghi ngờ buôn người. Theo giới chức bang, văn bản pháp lý trên nhằm mục đích nâng cao trách nhiệm giải trình, bảo đảm tuân thủ các quy định, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giải quyết các mối lo ngại liên quan đến nhập cư…

Thái Anh (tổng hợp)