Phim lịch sử mãi chịu cảnh thất bại ở phòng vé?

Phim lịch sử chưa bao giờ dễ làm với những nhà điện ảnh thường thường bậc trung. Sự ê chề về doanh thu của phim lịch sử "Huyền sử vua Đinh" hoàn toàn không nằm ngoài tiên liệu của những người quan tâm đến nghệ thuật thứ bảy nước nhà. Tuy nhiên, sự thất bại trước công chúng của "Huyền sử vua Đinh" một lần nữa cho thấy những đơn vị đầu tư cần lượng sức mình và Việt Nam cần có chiến lược hỗ trợ để phát triển phim lịch sử.

Bộ phim "Huyền sử vua Đinh" chấp nhận thất bại sau 10 ngày ra rạp.

"Huyền sử vua Đinh" được Cục Điện ảnh cấp giấy phép phổ biến ngày 10/11. Sau một lần phải chỉnh sửa theo yêu cầu của cơ quan thẩm định, thì "Huyền sử vua Đinh" vẫn bị ràng buộc thêm một điều kiện "không phổ biến đến khán giả ở độ tuổi dưới 16". Giấy phép phổ biến dành cho "Huyền sử vua Đinh" ghi rõ: "Bộ phim mở đầu bằng việc Đinh Bộ Lĩnh dập tắt nội loạn, ổn định gia tộc. Sau đó, người lần lượt kết minh, chiêu hàng hoặc tiêu diệt các sứ quân khác. Những màn đấu trí, đấu dũng, đấu mưu gay cấn cùng những pha ám sát, phục kích đầy bất ngờ, lột tả hết những khó khăn trong quá trình dẹp loạn 12 sứ quân, từ đó khắc họa hình ảnh vua Đinh đầy tài năng và mưu lược".

Trái ngược với đánh giá hoa mỹ, bộ phim "Huyền sử vua Đinh" khi ra rạp từ ngày 18/11, đã bị khán giả chê bai tơi tả. Bộ phim có dung lượng 78 phút này, phơi bày sự yếu kém cả về phục trang, bối cảnh lẫn những pha hành động. Giữ cả hai vai trò biên kịch và đạo diễn, Anthony Võ (Võ Huy Cường) không quán xuyến được các tình tiết dễ dãi và khiên cưỡng. Chỉ thu được 42 triệu đồng sau 10 ngày công chiếu, "Huyền sử vua Đinh" trở thành một trong những bộ phim có doanh thu thấp nhất từ trước đến nay. Đạo diễn Anthony cay đắng thừa nhận: "Tôi rút ra kinh nghiệm đó là không nên tin tưởng vào bất cứ lời hứa hẹn của đơn vị nào khi đưa phim ra rạp".

Chất lượng nghệ thuật của "Huyền sử vua Đinh" giống như phim chiếu mạng hơn là phim chiếu rạp, cũng là câu chuyện phải trăn trở về phim lịch sử. Đạo diễn Anthony Võ không phải không có lý khi biện hộ: "Tôi luôn cố gắng tận dụng những gì mình đang có để xây dựng bộ phim tốt nhất có thể. Bên cạnh khó khăn về kinh phí, đề tài phim kén người xem là vấn đề giấy phép phát hành và kiểm duyệt. Phim phải chú ý từ tạo hình nhân vật, các cột mốc lịch sử cho tới từng lời thoại… Khó khăn nhất vẫn là làm thế nào có một bộ phim sử thi thuần Việt mà người xem không phải thốt lên như đang xem phim Trung Quốc".

Phim lịch sử không dành cho những nhà sản xuất nghiệp dư. Phim lịch sử không dành cho những nhà sản xuất ham vui xem màn ảnh như một cuộc dạo chơi xiêm áo lộng lẫy, hoặc những nhà sản xuất hồn nhiên xem công chúng như đối tượng nhàn rỗi học cách chi tiêu mát mẻ. Phim lịch sử dù không đua chen thị hiếu như phim hài nhảm hay phim kinh dị, nhưng phim lịch sử không phải đề tài kén khán giả. Áp lực lớn nhất của phim lịch sử chính là kinh phí. Càng làm chỉnh chu thì càng tốn kém cho bối cảnh, phục trang, máy móc, diễn viên quần chúng ở các đại cảnh... Làm phim lịch sử rất dễ thâm hụt, nếu không có một tổng giám chế đủ tầm bao quát. Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, các nhà làm phim thường áp dụng chung công thức cũ kỹ cho nên phim na ná nhau. Dân tộc ta là cái nôi của nhiều đề tài hấp dẫn, vô số câu chuyện lịch sử đầy độc đáo, xúc động, nhân văn..., nhưng khi lên màn ảnh, cách kể của từng phim vẫn thiếu cá tính, hấp dẫn và đổi mới cần thiết để tạo dấu ấn mạnh mẽ. Không ít nhà làm phim đi theo lối mòn, quen với quy trình làm phim theo kế hoạch được đầu tư, khai thác lại những câu chuyện đã được xã hội tiếp nhận. Chưa kể, phim về lịch sử thường được đặt hàng cho nên nhiều bộ phim làm gọi là cho xong, thiếu sự quan tâm, nghiên cứu kỹ và đầy đủ từ lịch sử đến văn hóa, khán giả...

Phim lịch sử không cần đắn đo giữa chính sử và huyền sử. Bởi lẽ, nhiều phim lịch sử của Trung Quốc hoặc Hàn Quốc lôi cuốn khản giả luôn xóa nhòa hai khái niệm chính sử và huyền sử. Chỉ cần có những thước phim đạt được giá trị thẩm mỹ, thì chính sử hay huyền sử, không còn là điều đáng bàn cãi. Cho nên, làm phim lịch sử không thể trông cậy vào phán quyết của những nhà sử học. Bởi lẽ, tác phẩm nghệ thuật tái hiện lịch sử bằng thái độ trân trọng lịch sử, chứ không phải bằng nguyên tắc sao chép lịch sử. Những nghệ sĩ Việt Nam đều e ngại làm phim lịch sử vì sợ yếu tố phân định đúng - sai từ đám đông cũng như các cơ quan thẩm định, thì không thể có tác phẩm rung động người xem.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh nhấn mạnh: "Khi làm phim về lịch sử, người làm phim phải đi tìm hiểu về thời kỳ đó rất nhiều và thấu hiểu về thời kỳ đó. Những bộ phận thiết kế cũng cần đi tìm hiểu về chất liệu cuộc sống của giai đoạn đó từ vật liệu, trang phục, đạo cụ, bối cảnh… đều phải được tìm hiểu kỹ. Ngoài ra, những sự kiện lịch sử phải gắn vào một kịch bản, cấu trúc tốt. Điều đó dẫn đến việc đôi lúc những kịch bản phim chỉ phóng tác từ lịch sử chứ không thể hoàn toàn trung thành cho nên sẽ gây ra những rủi ro nhất định cho nhà làm phim".

Sự thất bại của "Huyền sử vua Đinh" chắc chắn không làm nản lòng những nhà sản xuất muốn đầu tư phim lịch sử. Vừa bỏ ra hơn 40 tỷ đồng cho bộ phim "Trưng Vương", nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh khẳng định: "Người Việt có sẵn lòng yêu nước và bản sắc, ngay cả những tài liệu cổ sử Hán Nôm, ngôn ngữ tiếng nói, thì chỉ người Việt giải mã tốt nhất và chỉ người Việt mới có trách nhiệm tốt nhất với văn hóa Việt. Yếu tố nước ngoài có thể hỗ trợ kỹ thuật cho dự án nhưng cốt lõi phải là người Việt Nam. Chúng tôi quyết định phải thực hiện những sản phẩm điện ảnh đa dạng, phong phú và mang lại rất nhiều niềm cảm hứng cho hậu thế. Chúng tôi luôn tin khán giả yêu điện ảnh sẽ luôn sát cánh và ủng hộ chúng tôi".

Thực tế, bên cạnh những bộ phim bị khán giả quay lưng như "Sống cùng lịch sử", điện ảnh Việt cũng đã từng có nhiều phim lịch sử thành công như "Đêm hội Long Trì", "Khát vọng Thăng Long", "Thiên mệnh anh hùng"... Hiện nay, những nhà làm phim có ý định triển khai đề tài lịch sử đều có suy nghĩ băn khoăn chúng ta đang thiếu trường quay. Ở Trung Quốc, Hàn Quốc... người ta chủ yếu quay phim lịch sử trong trường quay. Không có trường quay, các nhà làm phim gặp khó khăn trong việc xây dựng bối cảnh gắn với di tích lịch sử, vì khó để phục chế những di tích có sẵn sao cho đúng như thời điểm lịch sử của phim. Vì không có trường quay nên việc làm phim phụ thuộc vào những di tích có sẵn.

Ngoài âu lo về kinh phí, thì hạn chế lớn nhất của phim lịch sử là kịch bản. Nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn từng có hai kịch bản phim lịch sử nổi tiếng là "Huyền sử thiên đô" và "Thái sư Trần Thủ Độ", cho rằng lịch sử Việt Nam có quá nhiều điều thú vị để làm phim. Vì vậy, để trợ lực cho phim lịch sử tránh khỏi thực trạng các nhà làm phim tư nhân "liệu cơm gắp mắm" một cách chệch choạc, Cục Điện ảnh nên có cuộc vận động sáng tác kịch bản phim lịch sử và trao thưởng thật cao cho các kịch bản hay để kích thích các nhà biên kịch. Nếu có kịch bản hay, các nhà sản xuất sẽ mạnh dạn đầu tư cho tác phẩm đáng đồng tiền bát gạo.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho rằng: "Nhà làm phim Việt chưa bao giờ thiếu đam mê để làm phim lịch sử. Vấn đề là trách nhiệm của người quản lý, có khuyến khích, thúc đẩy được đam mê đó không". Còn nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy hy vọng: "Khi Nhà nước đã mở "hầu bao" cho phim lịch sử thì ai trong giới nghề cũng ủng hộ đặc biệt thể loại phim này, chỉ chờ tài năng của nhà làm phim thể hiện".