Phim ngắn bảo vệ môi trường thông qua giá trị của chai nhựa

Đạo diễn Nguyễn Đức Cảnh cho rằng: “Màn ảnh xanh” là một đề tài “Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững” hết sức thú vị. Ý tưởng làm phim về những chủ đề liên quan đến môi trường được Đức Cảnh nung nấu từ rất lâu. Nhờ cơ duyên biết đến sân chơi sáng tạo phim ngắn do Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) và Netflix phối hợp tổ chức, anh cùng những người bạn của mình đã bắt tay vào việc xây dựng bộ phim.

Nội dung câu chuyện xoay quanh cuộc sống đời thường, kể về một chai nhựa có cảm xúc, có linh hồn. Sau khi được sử dụng và bỏ rác bừa bãi ở ngoài môi trường, chai nhựa đã phải trải qua một cuộc hành trình đầy gian nan và đau đớn: bị ném, bị đem đi làm trò chơi ‘ném chai’ cho đám con nít trong xóm, bị đá mạnh đến móp méo cả thân... Nhưng cuối cùng, vật tưởng chừng như không giá trị với tất cả thì lại mang lại giá trị với một người là cô ve chai. Chính cô đã chấm dứt cuộc đời đau khổ của chai nhựa và đưa đến nơi mà bản thân nó thuộc về. Ở kiếp sau, chai nhựa đã được sử dụng và bỏ đúng nơi quy định, không phải trải qua câu chuyện như trong quá khứ.

Một cảnh quay trong phim ngắn.

Phim được biên kịch Mai Dũng lựa chọn hướng đi từ một câu châm ngôn cuộc sống mà anh rất thích, đó là: “Muốn đạt được những điều lớn lao, thì phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhất”. Qua bộ phim Xin chào, tôi là chai nhựa, các bạn trẻ nhóm dự án muốn truyền tải đến khán giả về thông điệp đừng quá đặt nặng bốn chữ “Bảo vệ môi trường”, vì từ những điều nhỏ nhoi nhất cũng góp phần tạo nên một môi trường Xanh - Sạch - Đẹp.

Một cảnh quay trong phim ngắn.

Chi tiết được nhiều người đánh giá là ‘đắt’ nhất, chính là lúc mọi người nhận ra chỉ với một cái chai nhựa cũng có giá trị với cô ve chai. Chính chất ‘đời’ trong phân cảnh đó đã chạm đến trái tim của người xem nói chung và đạo diễn nói riêng. Chai nhựa là thứ mang lại nguồn thu nhập cho cô, giúp cô duy trì cuộc sống và ổn định gia đình. Đồng thời, bộ phim nêu rõ quan điểm về việc ý thức của con người tác động mạnh mẽ đến môi trường xung quanh.

Hình ảnh trong bộ phim 'Xin chào, tôi là chai nhựa'.

“Là một bộ phim dự thi, phi lợi nhuận, nên việc chi trả cho những khoản lớn là vô cùng hạn chế. Mình đã cùng với trợ lý chạy đi xin tài trợ rất nhiều bên, nhưng kết quả không như ý muốn. Nhiều lúc có ý định sẽ bỏ dự án này, vì thiếu quá nhiều kinh phí”, đạo diễn Nguyễn Đức Cảnh bộc bạch.

Hai bạn cho biết, tổng kinh phí cho dự án Xin chào, tôi là chai nhựa khoảng 50 triệu đồng cho 2 ngày bấm máy. Một bộ phim với kịch bản ý nghĩa và kèm theo đó là hình ảnh cũng như âm thanh phải đạt chuẩn chất lượng chiếu rạp, nên chi phí lớn nhất dồn vào thiết bị quay, ánh sáng và cả diễn viên... Với phần kịch bản, biên kịch Mai Dũng cho hay: “Mình cảm thấy khó khăn nhất là việc xây dựng lời thoại và tạo cảm xúc cho một nhân vật vô tri vô giác như chai nhựa. Nhưng vì yêu dự án này, mình quyết tâm để hoàn thành kịch bản một cách tốt nhất”.

Cảnh hậu trường của phim 'Xin chào, tôi là chai nhựa'.

Bên cạnh khâu tiền kỳ được chuẩn bị kỹ lưỡng, bộ phim đạt giải một phần là nhờ vào phần hậu kỳ chỉn chu. Nhân sự dựng phim có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng trong lĩnh vực này. Màu sắc phim là phần được chăm chút và chú ý kỹ nhất. Diễn đạt đúng ý đồ của đạo diễn Đức Cảnh muốn truyền đạt đến người xem qua từng khung hình. Ngay cả âm thanh phim cũng được dựng theo chuẩn âm thanh stereo (âm thanh sẽ được sản sinh ra từ hai hoặc nhiều nguồn âm và hoạt động đồng thời với nhau). Đặt trải nghiệm của khán giả lên hàng đầu, nên phim phải được thực hiện dựa trên tiêu chuẩn điện ảnh.

Mạo hiểm với những góc quay trên cao để bộ phim hoàn chỉnh nhất.

Những cảnh quay được đạo diễn Đức Cảnh theo dõi và chỉnh sửa kỹ lưỡng.

Sắp tới, đạo diễn Đức Cảnh sẽ cùng những đồng nghiệp của mình tiếp tục thực hiện nhiều dự án phim ở các thể loại khác nhau, nhằm lấy kinh nghiệm và trải nghiệm ở những dự án lớn hơn.

Sơn Trà