'Sạn' như nấm sau mưa trong phim cổ trang Việt

Đầu tư vào phim cổ trang không hề nhỏ nhưng các nhà làm phim Việt vẫn vấp phải những lỗi sai bị khán giả "bóc tách" kỹ lưỡng.

Bộ phim Huyền sử Vua Đinh chỉ thu 42 triệu đồng sau 10 ngày công chiếu tại rạp vào năm 2022. Đây là một trong những phim có doanh thu thấp nhất lịch sử điện ảnh Việt. Bên cạnh đó, bộ phim còn để lại nhiều “sạn” do thiếu chỉn chu, từ khâu trang phục không chuẩn so với lịch sử cho đến đạo cụ sơ sài. Chỉ trong một cảnh quay, khán giả phát hiện ra loạt chi tiết không hợp lý như tên lính nhuộm tóc đỏ, những ngôi nhà hiện đại, cột điện xuất hiện ở phía xa.

Chi tiết cung chưa kéo căng mà tên đã phóng đi bị khán giả “soi” ra trong phim.

Chưa dừng ở đó, nhân vật đeo râu bị nhận xét “giả trân”, trang phục bóng bẩy là hạt “sạn” khó nuốt với khán giả xem phim.

Không riêng gì trong phim Huyền sử Vua Đinh, nhiều phim cổ trang Việt cũng vấp phải lỗi sai này vì dàn diễn viên diễn xuất hời hợt, tướng lĩnh đánh nhau còn binh lính đứng ngó.

Kỹ xảo trong phim bị nhận xét quá lạc hậu, thua cả các sản phẩm web drama.

Midu đảm nhận vai cô nàng Hoa Xuân trong phim Thiên mệnh anh hùng. Phim bị khán giả phát hiện ra một chi tiết sai khi nút thắt trên tay nải của Hoa Xuân liên tục thay đổi trong cùng một cảnh phim.

Phim cổ trang nhưng Mỹ nhân kế lại để lọt khung hình tàu biển hiện đại trong một cảnh quay. Ngoài ra, phục trang của diễn viên nữ cũng bị nhận xét "thiếu vải".

Ở những cảnh đánh nhau, các tên sát thủ thường đứng chờ, không hề xông lên mà đợi nhóm này bị các người đẹp giết xong, nhóm khác mới tiến đến.

Hoa hậu Thùy Lâm đóng vai Công chúa Ngọc Hân trong Tây Sơn hào kiệt. Dù Thùy Lâm diễn tả thần thái của công chúa đã chuẩn xác nhưng khi viết chữ, đầu bút lại vẫn còn trắng tinh khiến khán giả phì cười.

Nhân vật của Lã Thanh Huyền trong phim Thái sư Trần Thủ Độ mắc lỗi sai khi mở dọc sách tre, bởi sách tre của thời nhà Trần vốn được đọc ngang.

Hình thêu sư tử trên áo vị quan khiến nhiều người liên tưởng đến Simba trong phim hoạt hình đình đám Vua sư tử.

Các cảnh quay trong Tây Sơn hào kiệt bị phát hiện nhiều chi tiết “sạn” như mái bê tông, đèn đá kiểu Nhật xuất hiện ở khung hình phim cổ trang. Ngoài ra, quân lính của Nguyễn Huệ mặc đồng phục nâu sồng, quần cũng quấn khăn nâu là điều không phù hợp với lịch sử. Bởi quân Tây Sơn khi mới dấy binh hầu hết là nông dân, Kinh có, Ba Na có, họ không có đồng phục sáng đẹp như vậy.

Chi tiết mang hoa đào về cho Công chúa Ngọc Hân bị khán giả phát hiện ra cành đào bằng nhựa.

Cảnh quay bị lộ hình ảnh cột điện cao thế phía xa là chi tiết “sạn khó nuốt” trong phim cổ trang.

Khâu hóa trang trong phim cổ trang Việt bị nhiều khán giả phản ứng. Nhân vật Hoàng hậu Nghi Lan do Ngô Mỹ Uyên thể hiện dù nhiều năm trôi qua vẫn ngời ngời nhan sắc, mái tóc đen nhánh, trong khi ở cảnh quay vua Lê Đại Hành làm lễ Tịch Điền, nhà vua đã được hóa trang già đi, dáng người ốm yếu hơn.

Trong bộ phim Trần Trung Kỳ Án, cảnh đoàn rước kiệu tân trạng nguyên về làng, trong số các diễn viên quần chúng có người giơ cao chiếc điện thoại thông minh lên để chụp hình. Nhiều người xem phì cười vì diễn viên có thể hồn nhiên quên mình đang ở trong một phim cổ trang. Không những vậy, biên tập cũng đã không phát hiện ra chi tiết này và để cảnh quay lên sóng.

Clip trích trong phim "Trần Trung Kỳ Án" để lộ chi tiết "sạn"

Quỳnh An (Tổng hợp)