Tản văn: Về với Pù Luông

Rời Định sau khi đã đã kết thúc bữa trưa phủ phê với mực sim tươi rói, tôm sú biển và chai vang trắng (rất hợp với hải sản) vẫn còn lạnh mà bạn tôi để trong cốp xe, chúng tôi quyết định đi Pù Luông (Thanh Hóa). Nghe cái tên tôi kêu ra, tụi bạn phấn khích quá nói đi ngay cho kịp, tôi còn muốn ghé Nhà thờ đổ Nam Định xem nó thế nào mà lũ bạn bảo không có gì đâu, đứng xa ngó ngó được tí, cũng không vào được vì người ta chăng lưới bảo vệ xung quanh. Ừ thì đi, kẻo muộn.

Nắng như rót mật. Dịp lễ người ta cứ chen chúc với những danh thắng nổi tiếng, nhưng tôi thích bãi biển Hải Thịnh này, vắng vẻ, gió lồng lộng, nước biển xa bờ cũng xanh thẫm một màu huyền hoặc dù sát bờ cát đen chứ không được trắng. Nam Định là nơi mà Công giáo phát triển, những cung đường còn lấp loáng màu nhựa đường mới trải chạy ven những con kênh óng nước, xa xa thi thoảng là những nóc Nhà Thờ cao vút trên nền trời trong trẻo làm tôi nhớ đến đoạn đường đi từ Pisa xuống Firenze mấy năm trước khi đang rong ruổi vùng Lombardy của Italy. Chỉ khác là hai bên đường có những cây cổ thụ miền ôn đới tán dày và thân mầu nâu vàng mà tôi không biết tên.

Phong cảnh non nước hữu tình ở Cẩm Thủy (ảnh Lê Hồng Lam)

Đúng là kỳ nghỉ dài ngày dịp lễ, cả bọn rủ nhau đi chơi, ban đầu tưởng mỗi Nam Định, xong thì bấu nhau đi trôi xuôi như này không biết đến khi nào quay về Hà Nội. Xe đi qua Kim Sơn, nơi nổi tiếng với món thịt dê núi và rượu đế Kim Sơn (sánh với Bầu Đá Bình Định và Gò Đen Long An) Nga Sơn chiếu cói rồi đến Hà Trung, tôi cười cười với đứa bạn, chỉ tay qua cánh đồng đang hoe heo vàng mầu lúa sắp chín: Nhà tớ kia kìa, lối này chỗ gần nhất chỉ cách nhà bố mẹ có hơn cây số!

Xe chạy bon bon ngang qua Gia Miêu Ngoại trang (xã Hà Long, huyện Hà Trung). Khúc này dạo này có vẻ nổi, tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn mới thông xe nay nghe đâu mới phát hiện ra một hệ thống hang động rất đẹp.

Bản đồ trên xe hiện lên địa phận huyện Thạch Thành với những cánh đồng lúa đang dần chắc hạt, hoe hoe vàng trải dài mênh mông bát ngát dưới những dãy núi lúp xúp gần xa ẩn hiện nhấp nhô. Từng vạt ruộng được phân cách bởi những bờ đất phủ đầy hoa xuyến chi tươi tắn đung đưa trong gió chiều. Tháng Năm miền Trung du thật lạ, trời lúc mưa nặng hạt xiên chéo quất ràn rạt, lúc sau như là gió thổi mây bay qua hết mưa lại bừng lên nắng chiều rạng rỡ, thẳng căng làm đứa bạn cuống quýt: Dừng xe, dừng xe, chụp, chụp! Là chụp ảnh chứ không phải vồ cào cào châu chấu gì.

Thời tiết làm tôi nhớ đến câu đồng dao hồi còn là một mục đồng chăn trâu nơi miền quê vùng đồng chiêm trũng:

"Vừa mưa, vừa nắng

Ông Trăng đánh trống

Bồ câu ra chữa

Tí nữa nắng lên!"

Mặt trời khi chiều muộn chiếu những ánh nắng chói gắt xuyên qua những bồng mây đen chứa đầy hơi nước tạo nên những khuôn hình tương phản thật đặc sắc khiến tôi phải hạ kính xe, nhắc bạn đi chậm lại để chụp mấy kiểu "Giang sơn cẩm tú" khi chạy ngang cầu Cẩm Thủy, nơi có núi giăng, mây phủ bẻ những luồng sáng kiều mỵ xuống con đường mới rải nhựa còn láng o, xuống những mặt ao, lòng hồ yên ả đâu đó gần đây có suối cá thần xã Cẩm Lương tôi từng đến một dịp cũng kỳ nghỉ 30/4, 1/5 này. Vừa lái xe vừa ngắm cảnh chiều nơi có đủ núi cao, sông sâu uốn khúc quanh ruộng vườn làng mạc, người bạn lần đầu "lạc bước xứ Thanh" cứ trầm trồ: vùng này trù phú quá…

Tác giả Lê Hồng Lam thăm rừng cao su Cẩm Ngọc, Cẩm Thủy (ảnh Lê Hồng Lam)

Chưa hết say sưa thì Google map dẫn lối đến con đường rải đầy lá khô, hai bên là những vạt rừng cao su đều tăm tắp, phía dưới thảng hoặc hiện ra những hồ nước trong xanh như hồ hủy điện. Lại dừng xe ngắm nghía chụp hình. Cảnh vật làm chúng tôi liên tưởng đến phân cảnh kinh điển của Điện ảnh Việt Nam trong bộ phim "Ván bài lật ngửa", mở đầu mỗi tập đều có cảnh Trung tá Nguyễn Thành Luân mặc áo choàng dài với bộ ria con kiến đầy lãng tử bước đi trong rừng cao su rồi bất chợt dừng lại rút thuốc châm lửa hút, mắt nheo nheo nhìn con nhện loay hoay trong lưới tơ còn đọng sương mai… Chúng tôi hoặc quần bò áo phông, hoặc quần cộc áo cổ lọ và quan trọng không có ai được đẹp zai như tài tử Chánh Tín nên chỉ làm vài kiểu check-in ở rừng cao su Cẩm Ngọc (cái tên rất quý, rất hay) rồi lên đường đi tiếp vào thị trấn Cành Nàng (một địa danh cũng với cái tên hay không kém).

Những con đường nhỏ vẩn bụi, đôi chỗ lồi lõm làm chiếc xe phát huy tối đa công năng của những cặp puộc nhún, một bên đường ngoằn ngoèo là đồi núi, một bên thoai thoải trải xuống ruộng đồng hoặc sông hồ, thi thoảng có vài cậu bé cô bé với đôi má bồ quân hoặc vơ vẩn chơi hoặc giương cặp mắt đen láy ngước nhìn chiếc xe của người lạ, hoặc chạy vụt qua chui vào một vạt rừng mất hút làm tôi tự dung thấy nhớ Tây Bắc, nhớ rừng. Mẹ bảo tôi mệnh Hỏa, Mộc dưỡng Hỏa nên tôi thích cây thích núi. Không biết có phải thế không nhưng rừng núi đại ngàn với vẻ phiêu linh phóng khoáng dày rậm trập trùng xanh rì đan cài lớp lớp luôn làm tôi háo hức hưng phấn với vô số liên tưởng về những tiềm ẩn lẫn gầm gừ.

Cảnh sắc thiên nhiên ở Pù Luông (ảnh tư liệu)

Chả ai đi chơi dịp lễ như chúng tôi, quyết đi Pù Luông rồi mới mò mẫm web tìm phòng nghỉ trong khi chắc chắn muốn có phòng dịp này, người ta đã phải đặt trước cả tháng. Nhưng sự ngẫu hứng cũng có cái hay của nó, làm adrenaline phấn khích phiêu lưu dâng cao trong máu. Tự bảo nhau: nếu không kiếm được phòng nghỉ thì đậu xe lại một vạt rừng nào đó mà ngủ qua đêm, với khí hậu này, ô-xy tràn trề thế kia là quá đủ để "thưởng thức cuộc sống" rồi chứ còn gì nữa.

Vào đủ các trang, Pù Luông resort tất nhiên chả có hy vọng gì, nhưng bất chợt "ngôi sao may mắn" rơi trúng: còn phòng ở Pù Luông retreat! Bốn ông đàn ông lộc ngộc xếp hàng trước cô lễ tân (hình như người Thái) mặc váy hoa xòe để chuẩn bị nhận phòng. Cô bé áng chừng trên dưới 20 nhìn vào bốn ông lừng lững đứng che khuất cả vầng mặt trời đang sắp lặn, kiểm tra đi kiểm tra lại vẫn không thấy tên đăng ký vừa được đọc ra ở đâu, nhảy vào phòng nào, cuối cùng đành rón rén ngước lên báo: Đăng ký phòng qua mạng của các anh không thành công ạ.

Bốn ông thất vọng rũ rượi, nhìn quanh quẩn chả biết làm thế nào bèn đánh bài cùn:

Em cố gắng tìm phòng trống cho bọn anh đi. Nếu không có thì tối nay cho bọn anh mỗi đứa một cái ghế, ngủ ngay ở đây (lễ tân) cũng được. May quá, có một gia đình vừa check-out xong. Em lấy phòng luôn cho các anh nhé.

Cô gái hốt hoảng vội vàng lóng ngóng đi nhặt tìm bộ đàm không biết gọi cho ai, hỏi khắp nơi. Lúc sau quay qua, mặt mày tươi rói hớn hở như trút được gánh nặng:

Một căn phòng toàn bằng gỗ, tường cũng là những miếng gỗ ghép nên không thể có điều hòa mà chỉ có quạt vì khắp nơi là các khe hở. Thực ra thì giữa mùa hè nắng nóng như nung nhưng gắn điều hòa giữa rừng già như này cũng thấy vô lý.

(Cònnữa)

Lê Hồng Lam