Bài 4: Các giải pháp phát triển ngành chè

Ứng dụng công nghệ trong sản xuất chè chất lượng .(Ảnh: PV)

Trong thực tế, dư địa phát triển chè còn rất lớn, đặc biệt là việc nâng giá trị gia tăng của chè. Tuy nhiên, do nhận thức, đầu tư, chỉ đạo và tổ chức sản xuất chè giữa các địa phương trong cả nước còn khác nhau, có những nơi một ha chè đạt giá trị từ 500 đến 800 triệu đồng/năm, nhưng có những nơi chưa đạt đến 100 triệu đồng/ha/năm; liên kết sản xuất, chế biến chưa đạt yêu cầu; gắn sản xuất chè với du lịch còn yếu.

Do đó, tới đây, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nhiều tới kinh tế - xã hội trong đó có ngành chè. Để giữ ổn định diện tích cây chè đồng thời với nâng cao giá trị gia tăng của chè và sản phẩm trà, theo Hiệp hội chè Việt Nam, các địa phương nhất thiết phải đánh giá lại thực trạng sản xuất, kinh doanh, đầu tư, chỉ đạo, tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng trà, cần đẩy mạnh chế biến, liên kết; phân khúc sản phẩm trà, gắn với chọn giống và chế biến trà; chú ý phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm mới nhưng đồng thời cũng phải nâng cao chất lượng sản phẩm trà truyền thống.

Hơn nữa, để việc phát triển sản xuất ngành chè đảm bảo thực sự bền vững thì quy mô diện tích trồng chè phải phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, địa bàn bố trí phù hợp với sinh thái và truyền thống canh tác, đồng thời phải có khả năng cạnh tranh về hiệu quả kinh tế với các cây trồng khác trên địa bàn.

Sản xuất chè còn phải đáp ứng yêu cầu an toàn. (Ảnh: PV)

Các chuyên gia, các nhà quản lý ngành chè nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung cùng các cấp ủy, chính quyền địa phương trồng và sản xuất chè thống nhất cao rằng, để nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển bền vững, thời gian tới ngành chè cần triển khai đồng bộ một số giải pháp bao gồm:

Tập trung nâng cao năng suất, chất lượng chè Việt Nam thông qua chuyển đổi các giống chè cũ sang các giống chè mới. Đầu tư có trọng điểm vào công tác chế biến sâu, đặc biệt là các sản phẩm chè sau chế biến có chất lượng cao, mang lại giá trị kinh tế lớn để hình thành ngành công nghiệp chế biến chè tiên tiến tại Việt Nam. Đa dạng hóa sản phẩm chè chế biến bằng công nghệ tiên tiến.

Thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp chế biến chè với nông dân từ xây dựng vùng nguyên liệu đến bao tiêu sản phẩm nhằm đảm bảo sự ổn định, đủ nguyên liệu chè tươi cho chế biến. Cơ cấu lại tỷ lệ chè đen và chè xanh một cách hợp lý để đảm bảo đáp ứng cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế.

Duy trì và thúc đẩy xuất khẩu chè và sản phẩm chè chế biến sâu vào các thị trường chủ lực; hỗ trợ xúc tiến thương mại và thúc đẩy xuất khẩu chè và sản phẩm chè chế biến sâu đến thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, EU, Mỹ…

Thúc đẩy các hộ trồng chè trên cả nước tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững và chất lượng, đẩy mạnh mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Các doanh nghiệp xuất khẩu chè cần chủ động thay đổi hình ảnh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng. Đồng thời đầu tư các công nghệ nhằm sản xuất các mặt hàng đạt tiêu chuẩn quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Cần tập trung đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho nông dân trồng chè và thực hành sản xuất chè bền vững sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo Chương trình quản lý tổng hợp dinh dưỡng và dịch hại cây trồng (IPM, ICM). Đảm bảo quy hoạch vùng sản xuất, ngoài định dạng độ cao cho từng vùng, miền để xác định giống chè phải gắn với các cơ sở chế biến và phân vùng nguyên liệu chè.

Đặc biệt, để đạt được mục tiêu phát triển chè an toàn, bền vững, ổn định diện tích trồng chè của Việt Nam khoảng 130-140 nghìn ha; đến năm 2025 diện tích chè được chứng nhận an toàn lên 55% và đến năm 2030 khoảng 75%; nâng tỷ lệ chè chất lượng cao (chè xanh, chè Ô long…) lên 30% vào năm 2025 và 50% vào năm 2030; kiểm soát được chất lượng vật tư đầu vào như giống, phân bón và đặc biệt là thuốc bảo vệ thực vật; 100% số cơ sở sản xuất chè được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; giá trị xuất khẩu đạt 300 triệu USD vào năm 2025 và 400 triệu năm 2030… Các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn cần thực hiện tốt công tác quản lý diện tích chè nguyên liệu, đảm bảo diện tích chè hiện có. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, các địa phương về phát triển sản xuất chè an toàn; kết hợp chuyển đổi giống mới, thâm canh, nâng cao chất lượng chè.

Cùng với đó, trên cơ sở phân tích, đánh giá xu hướng thị trường, có giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu chè Việt trên thị trường quốc tế để nâng cao giá trị, thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh chè. Các địa phương trồng chè cần xây dựng đề án phát triển vùng sản xuất chè an toàn; triển khai các dự án khoa học - công nghệ, khuyến nông phục vụ sản xuất, chế biến chè an toàn./.

Lê Anh