Bé trai hóc kẹo dẻo tử vong, bác sĩ chỉ cách sơ cứu đúng

Hóc dị vật là một tai nạn nguy hiểm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ từ 1 - 5 tuổi, do vật lạ rơi vào đường thở hay thực quản, gây hẹp hoặc tắc hoàn toàn. Đây là tình trạng cấp cứu khẩn cấp, nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến các hậu quả nặng nề như tổn thương não không hồi phục, thậm chí gây tử vong.

Dị vật đường thở khiến trẻ ho sặc sụa, sau đó tím tái, khó thở... cần thực hiện thủ thuật sơ cứu dị vật đường thở.

Nếu khi hóc dị vật đường thở trẻ ho, sặc sụa, sau đó trẻ hồng hào, khó thở nhẹ hoặc không khó thở thì không nên thực hiện thủ thuật cấp cứu dị vật đường thở, nên giữ yên trẻ rồi cho đi khám chuyên khoa tai mũi họng để soi gắp dị vật.

Cách sơ cứu đúng khi trẻ bị hóc dị vật

- Nếu trẻ nhỏ: Thực hiện thủ thuật vỗ lưng ấn ngực.

- Nếu trẻ lớn: Thực hiện thủ thuật Heimlich.

1. Thủ thuật vỗ lưng ấn ngực

Trẻ sơ sinh và nhũ nhi: Không sử dụng thủ thuật Heimlich, mà sử dụng thủ thuật vỗ lưng ấn ngực, để tránh nguy cơ bị chấn thương tạng.

- Đặt trẻ nằm sấp dọc theo cánh tay của cấp cứu viên, đầu thấp, người cấp cứu đặt tay dọc lên đùi mình và dùng gót bàn tay còn lại vỗ nhẹ và nhanh 5 cái lên lưng trẻ vùng giữa hai xương bả vai.

- Nếu dị vật không bật ra, lật ngược trẻ lại, đặt nằm dọc trên đùi ở tư thế đầu thấp. Ấn ngực 5 lần tại vị trí ép tim với tần suất 1 lần/giây.

- Làm sạch đường thở giữa các lần vỗ lưng ấn ngực, quan sát khoang miệng, dùng tay lấy dị vật nếu nhìn thấy, không dùng ngón tay đưa sâu để lấy dị vật. Sau mỗi động tác làm sạch đường thở, xác định xem dị vật đã được tống ra chưa và đường thở đã được giải phóng chưa, nếu chưa được lặp lại trình tự các động tác thích hợp tới khi thành công.

2. Thủ thuật Heimlich

- Đối với trẻ còn tỉnh

Bước 1: Cấp cứu viên đứng sau lưng trẻ.

Bước 2: Vòng 2 tay ra trước, quàng lấy bụng người bệnh. Đặt 1 nắm tay vùng thượng vị ngay đầu dưới xương ức, bàn tay kia đặt chồng lên.

Bước 3: Giật tay lên thật mạnh và đột ngột ấn mạnh nhanh 5 lần theo hướng từ trước ra sau, từ dưới lên. Động tác này phải thực hiện dứt khoát và không đè ép vào lồng ngực thì mới có hiệu quả.

Hemich tư thế đứng.

- Đối với trẻ hôn mê

Đặt trẻ nằm ngửa trên nền đất hoặc ván cứng. Cấp cứu viên quỳ gối, hai đầu gối đặt mé ngoài gối của nạn nhân.

Đặt 2 bàn tay chồng lên nhau, đặt gót bàn tay lên vùng dưới xương ức trẻ. Đột ngột ấn mạnh và nhanh 5 lần theo hướng từ trước ra sau.

Động tác ép ngực.

Chú ý:

Khi dị vật ra khỏi họng và nằm tại miệng trẻ, cần lấy vật này ra một cách thận trọng, tránh để dị vật tụt vào họng trở lại. Sau đó kiểm tra phổi, bụng, mở miệng dùng đè lưỡi, gắp dị vật nếu nhìn thấy, không dùng tay móc dị vật nếu không thấy. Có thể dùng kìm magill để gắp dị vật sau hầu. Thông khí nếu người bệnh giảm tri giác và lặp lại các bước nếu cần.

Nếu đường thở tắc nghẽn hoàn toàn và không thông khí được bằng mask hoặc nội khí quản, cân nhắc chọc nhẫn giáp và mở khí quản.

Cần tránh: Không để dốc đầu trẻ xuống, móc họng trẻ.

Phòng ngừa hóc dị vật đường thở

Để phòng ngừa nguy cơ dị vật lọt vào đường tai mũi họng của trẻ nhỏ, các gia đình cần chú ý:

1. Không cho trẻ chơi các đồ chơi có kích thước nhỏ

Các loại đồ chơi có kích thước nhỏ rất nguy hiểm, vì trẻ có thể vô tình nhét vào mũi mình hoặc nuốt. Đồ chơi lego, các loại hạt vòng, các loại đồ chơi có kích thước nhỏ đều không an toàn cho trẻ.

Trẻ chỉ nên chơi các đồ chơi có hình khối, kích thước lớn như quả trứng trở lên. Các đồ chơi mà trẻ không thể gặm vỡ, hoặc đồ chơi không sắc nhọn gây nguy hiểm.

2. Không cho trẻ tự bốc ăn các loại hạt

Người lớn nên để mắt tới trẻ nhỏ, không nên để trẻ tự cầm ăn các loại hạt như mắc ca, óc chó, đậu phộng, hạnh nhân… vì các loại hạt này rất cứng, dễ gây hóc nghẹn. Ngoài ra, các loại hạt có kích thước tròn, nhỏ như hạt bắp, hạt đậu Hà Lan cũng không an toàn để trẻ dưới 3 tuổi cầm nắm. Trẻ có thể vô tình nhét vào lỗ mũi của mình dẫn đến nghẹt thở.

Ngoài các loại hạt, các loại thạch cũng không an toàn cho trẻ dưới 5 tuổi. Thạch rất trơn và được sản xuất ở kích thước nhét vừa miệng, nên miếng thạch dễ lọt xuống họng trước khi trẻ kịp nhai nhỏ.

3. Không để trẻ nhỏ tự ăn thịt chưa tách xương

Hóc xương rất nguy hiểm, có thể gây chảy máu cổ họng và suy hô hấp nhanh ở trẻ nhỏ. Nhiều gia đình chủ quan hay cho trẻ nhỏ cầm nắm đùi gà vịt để trẻ tự gặm ăn. Tuy nhiên, cách ăn này dễ gây hóc xương, do khi chặt gà vịt vụn xương còn dính lại trên thịt.

Cách sơ cứu khi trẻ bị hóc dị vật.

BS Nguyễn Thị Bích