Chula Fashion: 'Hai thập kỷ một khúc tình ca chạm vào trái tim người Việt'

Tình yêu với thời trang mang đậm văn hóa Việt

“Tôi nghĩ khởi đầu của Chula vốn chỉ là một chuyến du lịch đơn thuần” - đó là cách mà Laura Fontan và chồng bà - ông Diego Cortizas, hai người ây Ban Nha mở đầu cho hành trình 20 năm của họ tại Việt Nam.

Hành lang Chula - nơi bức tường ghi dấu kỷ niệm của Laura và Diego trong 20 năm hoạt động tại Việt Nam

Laura chia sẻ rằng chính những chất liệu vải vóc Việt Nam, lụa Việt Nam và cả những thợ may tài hoa nơi đây đã truyền cảm hứng cho bà và người bạn đời “nghịch ngợm” với quần áo: “Ban đầu, Diego may váy cho tôi, rồi bạn bè chúng tôi bắt đầu trầm trồ "Đẹp quá!", "Tuyệt vời!", còn những người bạn Tây Ban Nha thì reo lên "Chula!"". Từ "Chula" trong tiếng Tây Ban Nha nghĩa là ngầu, độc đáo và thể hiện cá tính riêng, không cần quan tâm người khác nghĩ gì. Và cứ thế, xuất phát từ những niềm hạnh phúc và tình yêu rất đơn thuần với mảnh đất hình chữ S và những chất liệu truyền thống, cái tên Chula ra đời.

Trang phục của Chula Fashion được sử dụng các gam màu rực rỡ, bắt mắt mà theo Laura, đó là “để tạo nên một cảm giác mạnh mẽ, năng động và vui vẻ như chính con người ở mảnh đất này”. Sử dụng kỹ thuật ghép vải vô cùng độc đáo, những sản phẩm của Chula Fashion được tạo nên với mong muốn khi chúng được mặc lên người, chúng sẽ mang lại “cảm giác tích cực khiến người khác phải ngoái nhìn".

Niềm hạnh phúc khi khoác lên mình những bộ quần áo của Chula không chỉ xuất phát từ những họa tiết độc đáo, màu sắc sặc sỡ mà còn phần nhiều tới từ những mong muốn rất đơn thuần của người tạo ra chúng - mong muốn tạo ra những sản phẩm với số lượng hạn chế nhưng chất lượng thì bền vững, để những “đứa con tinh thần” ấy có thể mang theo vẻ đẹp lấy cảm hứng từ văn hóa Việt Nam đi tới những phương trời xa.

Kỹ thuật ghép vải được ứng dụng trong hầu hết các thiết kế của Chula

Tình yêu với những con người đặc biệt

Một điểm đặc biệt trong hành trình nhiều năm phát triển của Chula Fashion tại Việt Nam đó chính là những “đôi bàn tay” làm nên các sản phẩm của thương hiệu bởi Chula chủ yếu làm việc cùng những người khuyết tật. “Chúng tôi muốn trao cơ hội cho những người gặp khó khăn hơn để có được bước chuyển mình đầu tiên”, Laura chia sẻ chân thành.

Xưởng làm việc của Chula Fashion - nơi tài năng và kỹ năng của những người yếu thế tỏa sáng

Mọi chuyện bắt đầu từ việc Chula Fashion tình cờ tuyển dụng một nhân viên khuyết tật vào thời điểm Laura và nhà thiết kế Diego còn bỡ ngỡ với ngôn ngữ của mảnh đất hình chữ S. Tuy nhiên, thông qua hình vẽ và ánh mắt, cuộc trò chuyện giữa họ diễn ra thật dễ dàng. Chính điều này đã thôi thúc Chula Fashion trở thành một doanh nghiệp xã hội và trao cơ hội việc làm cho những người khuyết tật mỗi khi có vị trí mở, để họ có những bước đi đầu tiên bằng chính tài năng của mình.

Laura vui vẻ nhận định rằng, “biệt ngữ doanh nghiệp” của Chula chính là ngôn ngữ ký hiệu. Trong tâm niệm của Laura và Diego, mỗi người sinh ra đều có những khiếm khuyết và sự xuất sắc khác nhau, và xét theo góc độ nào đó, họ cũng chính là những người còn “khiếm khuyết” khi gặp phải rào cản ngôn ngữ. Ngôn ngữ ký hiệu là cách để xóa nhòa rào cản đó, khiến môi trường làm việc của Chula thật sự trở thành một nơi để những người dù khuyết tật về thể chất nhưng lại mang trong mình một “siêu năng lực” trong lĩnh vực thời trang được chứng minh chính mình và thật sự tỏa sáng.

Trải qua nhiều thăng trầm và để lại nhiều ấn tượng với cộng đồng thời trang trong và ngoài nước, Laura và người bạn đời đã khuất - nhà thiết kế Diego đã dành 20 năm để phát triển Chula trên một trong những mảnh đất đậm đà bản sắc văn hóa và giàu có về bề dày lịch sử nhất Đông Nam Á - Việt Nam.

Chia sẻ với phóng viên về những dự định của Chula trong tương lai, Laura nhận định: “Ước mơ của tôi là thương hiệu Chula được lan rộng ra toàn ế giới, để mọi người thực sự trân trọng công sức mà Chula đã bỏ ra, tình yêu thương chúng tôi đặt vào từng sản phẩm, tất cả các yếu tố về Việt Nam và văn hóa, ví dụ như những chiếc váy với họa tiết của các dân tộc thiểu số”.

Tây Ban Nha, đất nước nơi Laura được sinh ra có một câu nói, rằng: "Chúng ta không thuộc về đất nước nơi mình sinh ra, mà là nơi chúng ta nuôi dạy con mình". Đối với Laura và những người cộng sự, Chula chính là đứa con tinh thần, kết tinh của trí tuệ, sức sáng tạo và tình cảm nồng hậu dành cho Việt Nam từ những người bạn quốc tế. Đứa con ấy vẫn không ngừng vươn mình để đưa tình yêu ấy lên những sản phẩm, để những giá trị truyền thống tốt đẹp của Việt Nam đi xa hơn tới trường quốc tế.

Nguyễn Hoàng Anh Thư