Chuyện về những sơn nữ ngậm buồn sau tiếng ru con

Bỏ chữ lấy chồng

Vượt qua những con đường ngoằn nghèo, chúng tôi đến thôn Valy, xã Sơn Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa thì đã gần 11 giờ trưa. Nhìn những mái nhà của những người dân tộc thiểu số Raglai đơn sơ, thưa thớt nằm trên những mảnh đất cằn cỗi, chúng tôi nén tiếng thở dài. Khi cái đói nghèo vẫn còn đeo đẳng thì cái chữ, tri thức vẫn còn là một thứ xa vời.

Các cấp chính quyền, đoàn thể cùng các nhà hảo tâm tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực cho các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Hương Thảo

Dưới cơn gió hanh mùa khô, trong manh áo mỏng, em Mấu Thị Kim Ngân đang dỗ dành cậu con trai 9 tháng tuổi. Vừa tròn 21 tuổi xuân thì, Kim Ngân có 2 mặt con, con gái đầu cũng đã 6 tuổi.

“Sao em lấy chồng sớm thế”, tôi hỏi, Kim Ngân thật thà: “Thích thì cưới thôi. Em nghỉ học sớm, thấy các bạn lấy chồng, nên làm theo. Ở nơi này đa số ai cũng thế mà”.

Khi chúng tôi hỏi thêm về cuộc sống sau khi lấy chồng, cũng như nhiều cô gái đồng bào khác, ở cái tuổi đời khi còn rất trẻ không hề ý thức được những khó khăn, vất vả mà mình phải gánh vác khi trở thành vợ người ta, Kim Ngân vô tư theo chồng về làm dâu nhà người khi vẫn còn vụng dại ngay cả với việc chăm sóc bản thân mình.

Cuộc sống màu hồng của đôi vợ chồng trẻ cũng nhanh kết thúc khi những đứa con lần lượt ra đời. Cơm áo, gạo tiền dần xoay quanh lấy ngôi nhà ấy. Chồng Kim Ngân là lao động chính trong nhà, mỗi ngày đi làm thuê tại các nương, rẫy kiếm tiền.

Ngày nào may mắn thì kiếm được 200 ngàn, ngày thì lại không làm ra được đồng nào. Còn Kim Ngân phải ở nhà chăm con. Cuộc sống mưu sinh càng khó khăn chồng chất khi con nhỏ khát sữa, đau ốm thường xuyên, hai vợ chồng không có việc làm ổn định.

Thở dài, Kim Ngân chia sẻ: “Em không đi học, không có nghề nghiệp nên cuộc sống khó khăn lắm. May mắn con em được chính quyền có chính sách cho đi học miễn phí nên cũng giảm chi tiêu trong gia đình. Với lại lấy chồng sớm rồi mang thai, sinh con cũng vất vả lắm. Sau này em không muốn con gái lấy chồng sớm. Nhất định em phải cho nó đi học rồi lại học cái nghề để đời nó sau này sẽ tươi sáng hơn”.

Cũng giống như Kim Ngân, em Bo Bo Thị Thắm đã bỏ lại sau lưng sách vở, trường lớp để lấy chồng từ năm 16 tuổi, đến nay cũng đã có 3 mặt con. Vừa bước sang tuổi 20 nhưng Thắm mang sức vóc của phụ nữ trung niên, khắc khổ. Kể với chúng tôi, em cho rằng ở nơi đây mà những bé gái 15, 16 tuổi đã trở thành mẹ là chuyện hết sức bình thường.

Điệu đứa con út mới 2 tháng tuổi trước ngực, Thắm tâm sự: “Cuộc sống vất vả lắm, vợ chồng em chỉ biết lên rẫy làm thôi, chỉ biết ăn bữa nay lo bữa mai chứ chúng em cũng không xác định được tương lai gì cả. Hôm nay 2 đứa con lớn đi học hết rồi, em tranh thủ điệu con nhỏ đi nhận quà của các nhà hảo tâm đang phát tại UBND xã. Thế là con em có sữa uống rồi”.

Khi hướng ánh mắt ra đường, đôi mắt Thắm lại mọng nước với lời ru chưa tròn giai điệu. Có lẽ do hiện thực của cuộc sống vợ chồng chưa kịp “chín” đã “héo” khiến Thắm thấm thía sự khổ cực, hối hận thì muộn.

Không chỉ riêng Thắm hay Ngân, mà những cô gái khác ở vùng đất này đã bỏ lại ước mơ và sự khao khát đến trường như các bạn cùng trang lứa để bước vào cuộc sống gia đình, sinh con, chăm sóc con cái khi ở tuổi đẹp nhất của cuộc đời cũng cảm thấy chạnh lòng khi nhìn thấy các bạn cùng trang lứa đi học, đi chơi nhưng thời gian nào có quay lại được nữa.

Cả Thắm và Ngân đều muốn khuyên mọi người hãy cố gắng đừng bỏ “con chữ”, sau này vững chắc kinh tế rồi mới nên tính đến chuyện lập gia đình, đừng theo những hủ tục của thế hệ đi trước để rồi đói nghèo vẫn quanh quẩn, bám theo mình cả đời.

Nan giải hành trình xóa bỏ hủ tục

Qua tìm hiểu, Sơn Tân là xã tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, không ít cô gái chỉ mới bước qua tuổi 15, 16 đã tay bồng bế con thơ. Đối với họ dường như đó là điều hiển nhiên, là số phận do duyên trời sắp đặt.

Nhưng thực tế lại không phải vậy, vì thiếu kiến thức sống, thiếu hiểu biết mà những “bông hoa rừng” ấy chấp nhận làm vợ, làm mẹ khi tuổi đời còn rất trẻ.

Mặt khác, trình độ dân trí một số bậc phụ huynh còn hạn chế, tâm lý ngại thay đổi, khi cán bộ dân số địa phương đến nơi tuyên truyền, vận động thì họ lại tìm cách trốn tránh, ngăn cản với những lý do không thể hoãn… cưới.

Chưa kể, việc tảo hôn trong các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số chính là nguyên nhân gây ra việc tăng dân số nhanh nhưng không bảo đảm chất lượng sinh sản, đó là một trong những nguyên nhân đối với trẻ em mới sinh ra thiếu dinh dưỡng, chậm phát triển. Việc người mẹ chưa đủ tuổi trưởng thành và cơ thể chưa phát triển, chưa sẵn sàng cho việc sinh con đã ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ mai sau.

Dù lên nương, xuống ruộng, Bo Bo Thị Thắm luôn mang con nhỏ trong chiếc địu bằng vải để làm việc. Ảnh: Hương Thảo

Đối với chính quyền địa phương trở ngại nhất có lẽ là lực lượng còn ít, thiếu kinh phí triển khai, các đối tượng cần được tuyên truyền ít tham gia… trong khi đó đồng bào dân tộc thiểu số lại sống rải rác trên núi cao, các vùng hẻo lánh. Do đó, việc nắm bắt thông tin, bám sát địa bàn của cán bộ cũng phần nào bị hạn chế, tính kịp thời chưa cao để vận động, ngăn chặn nạn tảo hôn xảy ra. Chính vì vậy, để thay đổi được suy nghĩ của họ là điều không dễ dàng, cần thời gian dài.

Hiện nay, Đảng, Nhà nước và chính quyền tại địa phương đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên, qua đó thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi.

Tuy nhiên, khoảng cách đó chỉ có thể được thu hẹp khi đồng bào nâng cao nhận thức về mọi mặt, tích cực học tập, lao động sản xuất, xóa bỏ hủ tục, trong đó có vấn nạn tảo hôn. Cấp ủy, chính quyền cùng các đoàn thể địa phương cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thường xuyên bám, nắm cơ sở, bám sát thực tiễn để kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn. Nội dung tuyên truyền phòng, chống tảo hôn cần có sự phù hợp ở từng địa phương, phù hợp với trình độ dân trí, nguyên nhân tảo hôn của từng vùng. Tránh trường hợp càng chống lại càng… tăng.

Và để trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào vùng cao đang sinh sống ở các xã nghèo không còn phải chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn về vật chất, tinh thần luôn là bài toán của các cơ quan chức năng, của toàn xã hội.

Chúng tôi rời xã Sơn Tân khi trời nhá nhem tối, sau lưng là tiếng khóc non nớt của đứa bé khát sữa và lời ru buồn văng vẳng qua then cửa. Xã Sơn Tân đã có điện về tới thôn, làng, nhưng chẳng biết bao giờ ánh sáng văn minh có thể rọi đến góc tối của những luật tục khắc nghiệt này?

Hương Thảo