Công chứng viên phải bảo đảm sức khỏe để hành nghề

Các đại biểu tham dự phiên họp. (Ảnh Nghĩa Đức)

Đề xuất giới hạn độ tuổi hành nghề

Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Công chứng (CC) (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đảng và Nhà nước đã và đang đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, trong đó có lĩnh vực CC theo hướng tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực CC; xây dựng đội ngũ hành nghề CC đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.

Trong đó, để phát triển đội ngũ công chứng viên (CCV) theo hướng tập trung nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, một trong những điểm mới đáng chú ý, khi quy định về tiêu chuẩn CCV, Điều 8 dự thảo Luật bổ sung điều kiện “không quá 70 tuổi và bảo đảm sức khỏe để hành nghề CC”.

Đồng thời, để bảo đảm tính ổn định của hoạt động CC, dự thảo Luật quy định chuyển tiếp đối với CCV trên 70 tuổi đang hành nghề CC tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề CC trong thời hạn tối đa là hai năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Quy định này cũng nhằm tránh tình trạng giảm đột ngột số lượng CCV hành nghề, bảo đảm có thời gian chuyển tiếp để bổ nhiệm CCV thay thế số lượng CCV trên 70 tuổi thôi hành nghề.

Thẩm tra sơ bộ dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản tán thành với việc bổ sung quy định về giới hạn độ tuổi bổ nhiệm CCV như quy định của dự thảo Luật. Tham gia thẩm tra, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc quy định về độ tuổi được thực hiện hoạt động CC của CCV vì có thể làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Góp ý tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, đối chiếu với Bộ luật Lao động và một số luật chuyên ngành thì nên sửa lại theo hướng không quá 65 tuổi để đảm bảo sức khỏe.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Nghĩa Đức)

Trong khi đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị đánh giá kỹ lưỡng để giới hạn độ tuổi hành nghề CCV. Dẫn số liệu từ Bộ Y tế cho thấy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng lên gần 74 tuổi, nhiều người 70 tuổi còn minh mẫn, đảm bảo sức khỏe, bà Nguyễn Thị Thanh cho rằng, nếu quy định cứng “không quá 70 tuổi” có thể gây lãng phí nguồn lực xã hội mà cần có quy định khả thi hơn.

Nghiên cứu bổ sung cụ thể vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp

Để phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của CCV, dự thảo Luật nêu rõ, đây là tổ chức tự quản đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các CCV; ban hành quy tắc đạo đức hành nghề CC; giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật về CC, quy tắc đạo đức hành nghề CC; tham gia cùng cơ quan nhà nước trong việc tổ chức đào tạo, tập sự hành nghề CC, thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng, chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề CC, bồi dưỡng nghiệp vụ CC hàng năm, hướng dẫn nghiệp vụ cho hội viên và thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến hoạt động CC theo quy định của Chính phủ.

Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của CCV bao gồm Hiệp hội CCV Việt Nam và Hội CCV các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của Hiệp hội CCV Việt Nam và Hội CCV các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

Góp ý về vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của CCV, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để bổ sung quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm và khả năng tham gia của tổ chức này đến đâu trong việc quản lý CCV và xu hướng là dần dần Nhà nước nên có sự chuyển giao việc quản lý CCV cho tổ chức nghề nghiệp.

“Kế toán, kiểm toán là một nghề rất quan trọng, được ví như “bác sĩ khám bệnh” cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp, mà bây giờ cơ quan quản lý nhà nước không còn cấp chứng chỉ hành nghề; việc chuyển giao cho tổ chức nghề nghiệp cấp chứng chỉ hành nghề với kế toán viên, kiểm toán viên từng là một “cuộc cách mạng”. Đương nhiên, tùy theo từng ngành, mức độ xã hội hóa và sự phát triển của nghề nghiệp đó đủ mạnh thì mới làm được việc này. Nhưng khi đã có tổ chức nghề nghiệp thì chúng ta cần phải tính đến vai trò, chức năng, nhiệm vụ, khả năng tham gia trong quản lý CCV như thế nào”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Hà Uyên