Đầu tư cả chục triệu mỗi tuần để livestream bán hàng

Làm việc với tư cách là một host livestream (người dẫn dắt buổi livestream) chuyên nghiệp từ năm 2021, Khả An (23 tuổi, TP.HCM) phải đầu tư khoảng 4 triệu cho mỗi buổi livestream. Dù vậy, trong thời gian đầu, cũng có khi cô phải chịu “trắng tay” sau 4 giờ phát trực tiếp.

Tiệm bánh Ngon Ngon Quá của anh Tôn Sơn (TP.HCM) cũng từng có những phiên livestream với doanh thu hơn 100 triệu đồng/phiên. Tuy nhiên, sau thời gian “gây bão”, mức doanh thu đó tụt xuống 2-5 triệu/phiên làm cửa hàng anh bị “vỡ vận hành” và phải chuyển đổi hình thức kinh doanh.

“Sau lần đó thì mình mới thấm thía câu nói ‘sớm nở tối tàn’. Sau thời gian tìm hiểu và cân nhắc, mình mới nhận ra việc đầu tư bài bản, chuyên nghiệp và có chiến lược cho những phiên livestream là điều cần thiết để phát triển ổn định trong thời buổi mạng xã hội này”, anh Sơn chia sẻ với Tri thức - Znews.

Chi 5 triệu cho một phiên livestream

Tháng 11/2021, Khả An bắt đầu công việc host livestream trong lĩnh vực thời trang - làm đẹp cho một sàn thương mại điện tử ở Việt Nam. Đến nay, dù có hơn 2 năm kinh nghiệm, cô chia sẻ bản thân cũng phải dành đến 1-2 ngày để chuẩn bị cho một buổi livestream.

“Nghề livestream đôi khi cũng 50:50 (hên xui - PV) lắm. Nếu ‘streamer’ chưa có độ phủ sóng cao, chuẩn bị lại không đầy đủ thì dễ kết thúc với hai bàn tay trắng. Thời gian đầu, mình cũng gặp trường hợp như vậy. Lúc đó vừa tắt điện thoại là mình buồn kinh khủng, đôi khi còn tự nghi ngờ bản thân”, cô tâm sự.

Khả An (phải) đầu tư 4-5 triệu cho mỗi phiên livestream bán hàng. Ảnh: NVCC.

Tuy nhiên, sau nhiều bài học và những lần rút kinh nghiệm, Khả An đã thu về những buổi livestream với số đơn hàng lên đến 100, đôi khi là 1000.

Chia sẻ bí quyết để có những phiên livestream “nghìn đơn”, cô nói: “Để có những phiên livestream hiệu quả, điều đầu tiên là một người dẫn dắt phải có sự chỉn chu về hình ảnh, giọng nói mạch lạc, ghi nhớ rõ thông tin từng sản phẩm và kỹ năng bán hàng hiệu quả”.

Mỗi tuần, Khả An sẽ có 4-5 buổi livestream với thời lượng 3-4 tiếng/buổi. Trung bình, cô đầu tư khoảng 4-5 triệu/buổi livestream. Trong đó, ba khoản phí lớn nhất là trang điểm từ 500.000-1.000.000 đồng, quần áo 1.000.000-2.000.000 đồng và quà tặng người xem khoảng 1.500.000 đồng. “Đó là chưa kể những khoản về quảng cáo, thuế, thiết bị”, cô nói thêm.

Mỗi tuần, kênh TikTok Ngon Ngon Quá của Tôn Sơn và vợ sẽ livestream 3-5 buổi. Cửa hàng có thể thu về đến 100 đơn bánh sau một buổi livestream. Ảnh: Kênh TikTok Ngon Ngon Quá.

Vợ chồng Sơn - Trang, chủ tiệm bánh Ngon Ngon Quá và chủ sở hữu kênh cùng tên, cũng đồng ý với Tri thức - Znews về sự cần thiết của việc đầu tư bài bản, chuyên nghiệp khi livestream bán hàng trên mạng xã hội.

“Để có một buổi livestream bán hàng hiệu quả, chúng mình cũng phải mua thiết bị chuyên nghiệp như đèn, giá livestream cho điện thoại và chạy quảng cáo trên nền tảng”, anh Tôn Sơn cho biết thêm phí chạy quảng cáo chiếm đến 7-11% doanh thu của mỗi buổi livestream.

Hai khoản đầu tư “đắt giá” nhất

“Dù đã bỏ ra khá nhiều tiền về thiết bị, nhân sự, quảng cáo nhưng mình lại cho rằng khoản đầu tư lớn nhất là tinh thần của người livestream”, anh Sơn nhấn mạnh.

Theo anh, người dẫn dắt phiên bán hàng sẽ phải nói chuyện liên tục với màn hình điện thoại trong 3-4 tiếng đồng hồ. Đôi khi, họ còn phải hứng chịu “gạch đá” từ người xem vì đủ loại lý do. “Người livestream sẽ phải gồng mình rất nhiều trong các phiên bán hàng”, anh nói.

Đồng tình với quan điểm này, Hoàng Nguyên (22 tuổi, nhà sáng tạo nội dung có 26,8 triệu lượt thích trên TikTok) khẳng định cảm xúc là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của những buổi livestream.

Hoàng Nguyên đã có kinh nghiệm sáng tạo nội dung và livestream hơn 2 năm. Ảnh: Kênh TikTok tetote.official.

“Theo mình, cảm xúc là bản năng nhưng cách kiểm soát cảm xúc là bản lĩnh. Chưa nói đến sau phiên livestream, ‘streamer’ cũng có thể tụt cảm xúc ngay trong phiên livestream vì lượt xem giảm, các bình luận tiêu cực, doanh số bán hàng không đạt… Còn ‘gạch đá’ thì càng không thể tránh khỏi khi sử dụng mạng xã hội”, Hoàng Nguyên phân tích.

Sau 2 năm làm việc với vai trò là nhà sáng tạo nội dung và “streamer” trong lĩnh vực làm đẹp, thời trang, kinh nghiệm để tránh bị cảm xúc tiêu cực lấn át là “hãy để cảm xúc của phiên live ở trong phiên live”. Sau mỗi buổi bán hàng trực tuyến, Hoàng Nguyên sẽ tự xem lại bản thân và rút kinh nghiệm cho lần sau. Như vậy, những cảm xúc tiêu cực sẽ hạn chế xảy ra hơn.

Cả Khả An, Tôn Sơn lẫn Hoàng Nguyên đều nhất trí livestream không phải một hoạt động bán hàng chỉ cần “bật live là có đơn”. Đây là hoạt động đòi hỏi sự đầu tư bài bản về mặt kỹ thuật, thiết bị, nội dung lẫn tinh thần và kỹ năng của “streamer”.

Ngoài ra, trao đổi với Tri thức - Znews, các “streamer” đồng ý rằng việc xây dựng một thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội cũng là một khoản đầu tư quan trọng và dài hạn.

Các "streamer" phải đầu tư về cảm xúc và xây dựng thương hiệu cá nhân lâu dài nếu muốn phát triển theo con đường livestream chuyên nghiệp. Ảnh: Yến Trần.

Anh Trần Lâm (tác giả sách Cất cánh trên sàn thương mại điện tử, nhà sáng lập July House) cho biết kỹ năng bán hàng và thương hiệu cá nhân đã được xây dựng từ trước là hai yếu tố quyết định thành công của một phiên livestream bán hàng.

“Trong thời buổi thương mại điện tử lên ngôi thì thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội sẽ là yếu tố lớn nhất giúp một buổi livestream thành công và giúp KOC/KOL được các nhãn hàng lựa chọn.

Đơn cử với công ty của tôi, tôi cũng ưu tiên những ai có thương hiệu cá nhân lành mạnh, ít tranh chấp để ‘booking’ (đặt hàng - PV) livestream”, anh Lâm cho biết thêm 15-20% doanh số của July House đến từ các phiên livestream mỗi ngày.

Đông Tùng