ĐBQH Đắk Nông Phạm Thị Kiều: Làm rõ hơn các hành vi về mua bán người

Tham gia thảo luận về dự án Luật này, Đại biểu Quốc hội Đắk Nông Phạm Thị Kiều cơ bản thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật và một số nội dung quy định tại dự thảo.

ĐBQH Đắk Nông Phạm Thị Kiều: cần xét đến khía cạnh đối tượng tham gia hành vi mua, bán người là một loại tội phạm

Về một số nội dung cụ thể, đại biểu Kiều cho rằng trong phần giải thích từ ngữ “Mua án người” đã liệt kê các hành vi cụ thể của mua bán người như: tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao, tiếp nhận… với các động cơ và mục đích khác nhau. Việc quy định như vậy là dễ hiểu, dễ áp dụng khi triển khai thực hiện. Tuy nhiên, không bao hàm hết được các hành vi, mục đích. Do đó, cần tiếp tục rà soát, bổ sung. Ví dụ: Hành vi hoán đổi người giữa các cơ sở giải trí, các khu lao động,… khi họ có nhu cầu mà những người này là nạn nhân của mua bán người trước đó. Ngoài phục vụ lợi ích vật chất còn mua bán người để phục vụ lợi ích tinh thần như mua người về để giải trí tinh thần, múa hát, …Mua bán người nhưng không bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hay các mục đích vô nhân đạo khác mà mua bán người để đáp ứng nhu cầu cá nhân như: con nuôi, làm vợ/chồng, … được đối xử tử tế nhưng không theo ý chí của người bị mua bán.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Đề cập đến trường hợp Việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác được coi là mua bán người ngay cả khi việc này được thực hiện mà không sử dụng các thủ đoạn nêu trên”.

Có thể nói, việc quy định “người dưới 18 tuổi” là cơ bản phù hợp. Tuy nhiên, cần xét đến khía cạnh đối tượng tham gia hành vi mua, bán người là một loại tội phạm, mà theo quy định tại Bộ luật Hình sự thì có 2 tội: Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi. Như vậy, Bộ Luật hình sự đã có những quy định cụ thể đối với loại tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi. Vì vậy, cần rà soát, điều chỉnh quy định này cho thống nhất để áp dụng thi hành trong thực tiễn xử lý tội phạm mua bán người. Đồng thời, cần nghiên cứu thống nhất độ tuổi trẻ em giữa các Luật Trẻ em, Bộ Luật Lao động, Bộ luật Hình sự,…

Tại khoản 5 Điều 9 Quản lý về an ninh, trật tự quy định: Trang bị các phương tiện kỹ thuật tại các cửa khẩu quốc tế phục vụ cho việc nhận dạng người và phát hiện nhanh chóng, chính xác các loại giấy tờ, tài liệu giả mạo; nâng cấp các trang thiết bị kiểm soát, kiểm tra tại các chốt kiểm soát, cửa khẩu”.

Toàn cảnh buổi thảo luận sáng 24/6

Việc quy định trang bị các phương tiện kỹ thuật tại các cửa khẩu quốc tế phục vụ cho việc nhận dạng người và phát hiện nhanh chóng, chính xác các loại giấy tờ, tài liệu giả mạo là cần thiết. Tuy nhiên, cần nghiên cứu mở rộng trang bị các phương tiện kỹ thuật cho các loại hình cửa khẩu khác để bảo đảm tính đồng bộ, hạn chế tối đa việc thực hiện các hành vi mua bán người và đối với các loại hình như cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ diễn ra hoạt động mua, bán người.

Tại Khoản 1, Điều 21 về tố giác, báo tin, kiến nghị khởi tố, tố cáo hành vi vi phạm quy định:Cá nhân có quyền và nghĩa vụ tố giác, báo tin, tố cáo hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này với cơ quan công an, bộ đội biên phòng, ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống mua bán người hoặc với bất kỳ cơ quan, tổ chức nào”.

Quy định về tố giác, báo tin, kiến nghị khởi tố, tố cáo hành vi vi phạm “bất kỳ cơ quan, tổ chức nào” có thể không tính khả thi, không mang tính trách nhiệm, ràng buộc nên hiệu quả thực hiện trong thực tiễn không cao. Việc quy định không rõ như dự thảo sẽ tạo nên các khó khăn cho người dân khi xác định đơn vị để tố giác, báo tin và cũng làm cho các cơ quan, tổ chức lúng túng khi tiếp nhận thông tin.

Đồng thời, cần tiếp tục rà soát tính thực tiễn đối với các địa chỉ để cá nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ tố giác, báo tin, tố cáo hành vi đối với các địa bàn có diện tích rộng, đi lại khó khăn, vùng sâu vùng xa để người dân dễ tiếp cận, dễ thông tin, bảo đảm nhanh và chính xác để tố giác, báo tin, tố cáo các hành vi vi phạm…

Đức Diệu