Để tự bảo vệ mình trước hiểm họa ma túy, người trẻ cần làm gì?

Và cha mẹ không thể lúc nào cũng ở bên để nhắc nhở con mỗi ngày phải tránh xa cái này, cẩn thận với cái kia. Vấn đề cốt lõi là bản thân các em phải có sự hiểu biết và những kỹ năng để phòng chống, tự bảo vệ mình trước hiểm họa ma túy.

Tuổi 20 tuổi hóa đứa trẻ lên 10, lúc nào cũng nằm trong tầm ngắm của người lớn

Cách đây không lâu, những tâm sự của một cô giáo có con trai nghiện ma túy đã khiến nhiều người không khỏi xót xa, lo lắng. Mỗi lần nhắc về đứa con trai 19 tuổi dính vào nghiện ngập, chị Nguyễn Thị Nguyệt N. (45 tuổi, ngụ Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, là giáo viên) lại ứa nước mắt.

Chị N. kể, thằng con nghiện từ hồi học lớp 12 nhưng gia đình không biết. Đến khi nó bị "ngáo đá" ra đường nhảy múa, chửi bới rồi cầm dao dọa chém người ta gia đình mới bàng hoàng thảng thốt.

Sau khi phát hiện, vợ chồng chị N. nhốt con trong phòng, xích chân tay lại. Vài ngày đầu, thằng bé lên cơn la hét, gầm rú điên cuồng. Nó đập phá tất cả những gì xung quanh, mồm miệng sùi bọt ra, chân tay tứa máu.

Quá lo lắng, vợ chồng chị N. phải đưa tới trung tâm y tế nhờ can thiệp. Xót con, nhục nhã với thiên hạ, vợ chồng chị N. gửi con đi trung tâm cai nghiện tự nguyện.

Mỗi tuần, chị N. lại tay xách nách mang vào thăm con. Chuyện con trai nghiện ngập chị N. giấu nhẹm mọi người, ngay cả anh em họ hàng. Tâm thế của một nhà giáo có con dính vào ma túy đã làm cho chị N. mặc cảm và xấu hổ.

Chị tự nguyện xin trả lại danh hiệu gia đình văn hóa và cũng từ chức tổ trưởng hội khuyến học. Những ngày con đi cai nghiện là thời gian chị N. nơm nớp lo lắng, hoang mang.

Chị sợ sau khi trở về, không biết con trai có bỏ được ma túy hay lại "ngựa quen đường cũ". Ở cái tuổi mà ranh giới sáng và tối, thiện và ác quá mong manh, liệu rằng con trai chị có vượt qua được cám dỗ?

Sau 12 tháng “khổ luyện”, con trai chị N. hoàn thành giáo trình cai nghiện sau và lại về nhà trong vòng tay yêu thương, chiều chuộng của cha mẹ.

Vợ chồng chị N. xin cho con đi học tại một trường trung cấp nghề và thay nhau đưa đón. 20 tuổi, con trai chị N. quay trở về là đứa trẻ lên 10, lúc nào cũng nằm trong tầm ngắm của người lớn. Nhất cử nhất động của nó đều có sự giám sát, ngay cả việc ăn và ngủ.

Từ ngày ở trại cai nghiện về, con trai chị N. trở nên lầm lì, ít nói, không muốn tiếp xúc với người lạ. Thỉnh thoảng nó khóa trái cửa rồi la hét, khóc lóc mặc cho cha mẹ ở ngoài van xin con mở cửa. Chị N. đưa con đi bác sĩ tâm thần rồi chuyên gia tâm lý, kết quả con trai chị bị bệnh trầm cảm.

Khóc hết nước mắt vì con, giờ đây vợ chồng chị N. lại càng thêm bế tắc, u sầu khi biết tin con trai bị bệnh trầm cảm. Biết bao giờ con trai của chị mới bình thường trở lại, một năm, hại năm hay nhiều năm nữa…Đó là một dấu hỏi lớn và là tảng đá nặng trĩu trong lòng người làm cha mẹ.

Người trẻ cần làm gì để tự bảo vệ mình trước hiểm họa ma túy?

Câu chuyện của gia đình chị N. hay cũng chính là câu chuyện của biết bao gia đình khác đang phải oằn mình trông chừng, giám sát và chăm sóc những đứa trẻ tuổi 20 dính vào ma túy, nghiện ngập.

Bố mẹ phải nghỉ làm để trông con; bao nhiêu tài sản, vốn liếng cũng vét sạch để cho con đi cai nghiện …nhưng cũng chẳng biết con có thể cai nghiện nổi không và bao giờ thì tái nghiện trở lại.

Ngoài xã hội, biết bao nhiêu cạm bẫy, ma túy ẩn mình/núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau, khó nhận biết với những tên gọi lại vô cùng hấp dẫn lứa tuổi học sinh như nước vui, trà sữa, nấm ma thuật, tem giấy, bóng cười – funky ball,… Nhiều khi đến cả cha mẹ và thầy cô cũng không thể phân biệt và nhận biết nổi.

Luôn trăn trở về việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về ma túy, trong đó có những người trẻ, nhiều năm qua Viện Nghiên cứu và phát triển tâm lý người sử dụng ma túy đã nghiên cứu, phát triển, biên soạn và cho ra mắt Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống” ma túy dành cho 4 đối tượng.

Bộ tài liệu gồm 4 cuốn: Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học cơ sở; Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học phổ thông, Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh; Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Đây được xem là bộ tài liệu chính thống đầu tiên về phòng, chống ma túy cho học sinh, phụ huynh và cán bộ quản lý. Mỗi một cuốn tài liệu đều trang bị cho người đọc kiến thức cơ bản và nâng cao về ma túy, cách thức nhận biết các chất ma túy, dấu hiệu nhận biết người sử dụng ma túy đồng thời trang bị kỹ năng ứng phó với những tình huống nguy cơ liên quan đến hành vi sử dụng ma túy.

Ông Lê Trung Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện PSD nhận định: “Thông qua bộ tài liệu này, người đọc sẽ được tiếp cận trên nhiều góc độ khác nhau, từ mặt xã hội, pháp luật, bổ sung các kỹ năng cho phòng ngừa ma túy.”

Bộ tài liệu sẽ là một trong những công cụ hữu ích góp phần bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy; giữ gìn cuộc sống bình yên, trong sáng cho các em học sinh; là hành trang cho các em khi bước sang giai đoạn mới của cuộc đời với tương lai rộng mở, tươi đẹp hơn.

PV