Dịch cúm khiến hàng trăm học sinh phải nghỉ học, phòng tránh thế nào?

Nửa tháng trở lại đây, tại nhiều trường học ở Hà Nội xuất hiện học sinh có biểu hiện ho, sốt và phải nghỉ học do mắc úm A và B. Dịch cúm dễ lây lan, đặc biệt trong lớp học, tạo thành những ổ dịch khiến nhiều học sinh phải nghỉ học điều trị.

Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Bạch Mai... bệnh nhân là trẻ em tới khám và nhập viện gia tăng.

Theo BS Đỗ Hoàng Hải, Phòng Điều trị tích cực, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, các phòng trong Trung tâm lúc nào cũng kín giường, bệnh nhân mắc cúm đến khám và điều trị rất nhiều.

Trẻ có các bệnh mạn tính, cơ địa miễn dịch kém có thể xuất hiện biến chứng như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi (Ảnh: Đầu tư Online).

Theo PGS.TS.BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cúm A thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa. Người bệnh thường biểu hiện sốt; đau cơ, mệt mỏi; viêm long đường hô hấp, đau họng, có thể kèm theo các triệu chứng của đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, ỉa chảy).

Một số triệu chứng của cúm A khiến người mắc nhầm lẫn với các chủng cúm khác hoặc cảm lạnh. Tuy nhiên nếu xuất hiện đột ngột các triệu chứng như đau họng, ho, chảy nước mũi, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau nhức cơ thể thì thường là dấu hiệu nhận biết rõ nhất của cúm A.

Phần lớn các trường hợp mắc cúm A không cần điều trị có thể tự khỏi. Với trường hợp sốt cao liên tục nhiều ngày không hạ, kèm chán ăn, nôn mửa nên đến cơ sở ý tế để thăm khám.

“Nhóm dễ mắc cúm A hơn chính là trẻ em và người già trên 60 tuổi, hoặc phụ nữ có thai, bởi họ có hệ miễn dịch yếu”, BS Khanh cho biết.

Virus cúm A có thể lây truyền trực tiếp từ người này sang người thông qua đường hô hấp. Khi người bệnh ho, hắt hơi, thậm chí là nói chuyện, dịch mũi, họng, các giọt nước bọt mang theo virus thoát ra môi trường bên ngoài, người lành hít phải sẽ có thể nhiễm bệnh.

Tiếp xúc với đồ dùng mà người bệnh đã sử dụng như bàn, ghế... hoặc dùng chung các vật dụng cũng là nguyên nhân dẫn đến việc lây truyền cúm A nhanh chóng. Một nguyên nhân khá phổ biến chính là việc tập trung nơi đông người dễ lây truyền như công viên, trường học.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời tiết thất thường làm các bệnh lây truyền theo đường hô hấp phát triển và lây lan trong đó có bệnh cúm. Bên cạnh đó sức đề kháng của con người cũng kém hơn về mùa lạnh (nhất là thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa). Đồng thời, đi lại nhiều, giao lưu, tụ tập nhiều cũng làm gia tăng bệnh cúm.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, chủng cúm thay đổi hàng năm và không có miễn dịch chéo, 1 người vẫn có thể mắc cúm A rồi lại mắc cúm B hoặc cùng mắc cúm A nhiều lần vì cúm A có nhiều chủng. Vì vậy theo khuyến cáo phải tiêm vaccine cúm hàng năm và vaccine cũng được sản xuất trên cơ sở thay đổi chủng hàng năm để đáp ứng miễn dịch.

Ông Phu cũng nhấn mạnh, thời tiết chuyển lạnh phải lưu ý bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ, bệnh tiêu chảy mùa đông do virus…, các bệnh có vaccine tiêm chủng mà chưa tiêm đầy đủ cũng có thể bùng phát như bạch hầu, ho gà, sởi...

Để phòng tránh bệnh cúm lây lan trong các trường học, ông Phu khuyến cáo phụ huynh và nhà trường khi có học sinh bị cúm có thể cho học sinh đó nghỉ học. Để phòng bệnh cho các học sinh khác có thể đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, lau chùi khử khuẩn bàn ghế, dụng cụ học tập..., ăn uống tăng cường và giữ ấm cho trẻ để tăng khả năng chống đỡ với bệnh tật và tiêm vaccine phòng cúm sớm, không nên để dịch xảy ra mới tiêm không đem lại hiệu quả.

H.G