Dùng kế 'điên rồ', 3 tù nhân trốn khỏi nhà tù khét tiếng của Hitler ngay trước mắt lính canh

Mô phỏng nhà tù Stalag Luft III. Ảnh: Lithograph

Chiến đấu cơ của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) do phi công Eric Williams điều khiển bị bắn hạ vào tháng 12/1942. Williams may mắn sống sót nhưng bị bắt làm tù binh. Tại trại tập trung, phi công này gặp và kết bạn với Richard Michael Codner, một phi công RAF khác.

Cả hai cùng nhau vượt ngục khỏi trại tập trung nhưng sau đó bị quân Đức săn lùng và bắt lại. Như một hình thức trừng phạt, Williams và Codner bị chuyển đến nhà tù Stalag Luft III, gần thị trấn Sagan của Ba Lan năm 1943.

Được mệnh danh là "nhà tù không thể thoát", Stalag Luft III có nhiều trở ngại ngăn cản các tù nhân vượt ngục. Ngoài hàng rào dây thép gai, chòi canh, đèn rọi, lính canh có vũ trang tuần tra, nhà tù này còn được xây dựng trên nền đất cát, rất khó cho việc đào hầm. Quân Đức còn gắn micro đo địa chấn để dễ phát hiện hoạt động đào bới.

Tuy là nhà tù an ninh nghiêm ngặt, nhưng các điều kiện bên trong Stalag-Luft III được cho là thuộc hàng “xa hoa” nhất trong bất kỳ trại tù binh chiến tranh nào của Đức quốc xã. Theo các điều khoản của Công ước Geneva, nếu là các sĩ quan, tù nhân ở Stalag-Luft III không bị ép buộc phải lao động khổ sai và được Hội Chữ thập đỏ thường xuyên cung cấp thực phẩm, bưu kiện cứu trợ, bao gồm thuốc lá và đồ vệ sinh cá nhân. Các tù nhân còn được tham gia các hoạt động rèn luyện sức khỏe, âm nhạc.

Vượt trở ngại

Những trở ngại trên không khiến Williams và Codners chùn bước. Bộ đôi này nhận thấy quân Đức rất tự tin về việc chống đào hầm của nhà tù nên quyết định "đánh" vào điểm này.

Sau khi lựa chọn phương án vượt ngục bằng cách đào hầm, Williams nhận thấy việc đào một đường hầm từ nhà tù đến bìa rừng sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian. Họ cần một giải pháp thay thế.

Codner đề cập đến việc các tù nhân cố gắng đào một đường hầm từ phần sân ngăn giữa các phòng giam và hàng rào của nhà tù, giấu cát trong túi, dùng thanh gỗ mỏng che cửa hầm rồi phủ cát lên trên.

Lúc này, Williams nảy ra ý tưởng ngụy trang cửa hầm ngay trước tầm nhìn rõ ràng của lính canh Đức, trong khi tù nhân vẫn đào bên dưới. Codner coi ý tưởng này là ngớ ngẩn vì không thể ngụy trang một cửa hầm đủ kỹ để lính canh Đức không phát hiện ra ngay. Nhưng Williams vẫn kiên định với ý tưởng của mình.

Phi công RAF bất ngờ nghĩ tới mô hình ngựa gỗ thường dùng để tập nhảy ngựa trong các phòng tập thể hình ở trường học.

Mô hình này cao gần 1m, rộng 0,6m, rỗng bên trong và có các mặt bao quanh kín mít. Tù nhân có thể khiêng nó tới khu vực cần đào hầm. Một tù nhân chui vào trong mô hình trước đó có thể đào hầm mà không sợ quân Đức phát hiện.

Các tù nhân sử dụng mô hình "ngựa gỗ". Ảnh minh họa: War History Online

Kết thúc buổi đào, tù nhân trèo khỏi hầm, buộc những túi đầy đất cát vào gầm mô hình và giữ chặt, trong khi các bạn tù khiêng mô hình vào nơi an toàn. Số đất cát được chia ra rồi đem đi tẩu tán. Cửa hầm bằng gỗ sẽ được phủ lớp cát thừa và lớp đất bề mặt. Khi mô hình ngựa gỗ được khiêng đi, mặt đất không hề có chút xáo trộn nào so với trước khi đào.

Thời điểm đó, một "ủy ban vượt ngục" đã tồn tại ở nhà tù Stalag Luft III. Họ là những tù nhân giám sát các kế hoạch vượt ngục. Mọi kế hoạch vượt ngục phải được báo cáo với ủy ban này. Tháng 6/1943, Williams và Codners đã trình bày kế hoạch với Oliver Philpot, một phi công RAF và là người điều phối của "ủy ban" ở chung phòng giam với Williams và Codner. Ban đầu, Philpot cho rằng kế hoạch này là "điên rồ", nhưng sau đó vẫn ủng hộ trước sự cương quyết của Williams và Codner. Philpot sau này cùng vượt ngục với 2 bạn tù.

Rủi ro liên tiếp

Để lính Đức không nghi ngờ, ban đầu, các tù nhân chỉ dùng mô hình ngựa gỗ để tập nhảy. Ảnh minh họa: Look and Learn

Việc đào hầm không bắt đầu ngay. Trong vài tuần đầu tiên, tất cả những gì mà tù nhân làm với mô hình ngựa gỗ là tập nhảy ngựa.

Mục đích của việc này là làm cho lính canh Đức quen với việc nhìn thấy mô hình ngựa gỗ tới mức không còn chú ý đến nó. Luôn luôn có một tù nhân trong nhóm nhảy ngựa tỏ ra vụng về. Người này sẽ cố tình ngã và làm đổ mô hình ngựa gỗ đủ khéo để lính Đức thấy không mô hình này rỗng và không có người bên trong.

Lính Đức cũng không dễ dàng bỏ qua khi một thứ mới mẻ xuất hiện. Trong vài ngày đầu, quân Đức đã kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo không có gì bất thường.

Khi lính canh đã quen với việc thấy mô hình ngựa gỗ, việc đào hầm bắt đầu. Công việc rất đơn giản.

Mô phỏng việc đào hầm của nhóm Williams và Codner

Mỗi ngày, Williams hoặc Codner sẽ trốn bên trong mô hình ngựa gỗ, bám vào phần khung bên trong để các tù nhân khác khiêng mô hình ra ngoài. Để việc khiêng dễ dàng, các tù nhân dùng thanh gỗ dài xuyên qua cặp lỗ ở hai bên hông ngựa. Cặp lỗ này còn có tác dụng là lỗ thông khí, giúp người bên trong mô hình không chết ngạt.

Khu vực nơi đường hầm bắt đầu được đánh dấu bằng 2 hố trên mặt đất. Những hố này do chính các tù nhân khi tập nhảy ngựa tạo ra. Chỉ cần đặt mô hình ngựa vào giữa 2 hố này, tù nhân sẽ dễ dàng tiếp cận miệng hầm mỗi lần đào.

Các điều kiện trong đường hầm được mô tả là khủng khiếp. Không khí trong lành gần như không có. Tù nhân đào bằng bay hoặc thuổng thô sơ làm từ hộp đựng thức ăn. Nguồn sáng duy nhất là ánh nến. Đường hầm rất chật hẹp.

Các tù nhân thường làm việc khỏa thân hoặc cởi trần đến thắt lưng vì sức nóng trong đường hầm, nhưng cũng để ngăn lính canh Đức phát hiện lớp đất vàng bên dưới dính trên quần áo của họ.

Những điều kiện này dần ảnh hưởng tới sức khỏe của những người đào hầm. Williams bị kiệt sức nghiêm trọng do công việc căng thẳng và thiếu oxy. Tù nhân này bị ốm đến mức phải nằm trong bệnh viện của nhà tù gần một tuần. Nhưng các tù nhân vẫn không bỏ cuộc.

Ngoài việc đào hầm, các tù nhân cần phải chuẩn bị giấy thông hành, thư từ, chứng chỉ, hộ chiếu, thẻ căn cước và giấy phép đi lại để có thể di chuyển ở châu Âu. Tất cả những thứ này đều được các tù nhân có kỹ năng của "ủy ban vượt ngục" chuẩn bị cho các tù nhân có tiềm năng trốn thoát.

Các tù nhân còn phải có quần áo dân sự. Tất cả các tù nhân được đưa vào nhà tù đều mặc đồng phục trong tù. Để đi lại ở châu Âu trong thời kỳ bị chiếm đóng, họ phải mặc quần áo thường dân để không gây chú ý cho quân Đức. Vấn đề này được các thợ may trong trại giải quyết. Họ tận dụng mọi thứ từ ga trải giường, chăn màn và bất kỳ đồng phục cũ bỏ đi nào để may được những bộ vest, áo gile, áo khoác ngoài, áo sơ mi... để giúp tù nhân ăn mặc như dân thường.

Những tù nhân dự định vượt ngục cũng cần những câu chuyện để che giấu thân phận. Tất cả những người có khả năng vượt ngục phải hoàn thành mọi giai đoạn trong kế hoạch vượt ngục mà họ đề xuất với "ủy ban vượt ngục". Ủy ban này có quyền kiểm soát giấy tờ giả, tiền, hộ chiếu, quần áo dự trữ, thực phẩm, thiết bị, bản đồ và bất cứ thứ gì khác mà một người trốn thoát có thể cần trong quá trình tìm kiếm tự do. Nhưng tù nhân chỉ có thể lấy được những thứ này nếu kế hoạch trốn thoát của họ được coi là khả thi.

Eric Williams, Richard Codner và Oliver Philpot, đều được cung cấp tiền, công cụ, trang phục của tầng lớp lao động, giấy phép lao động và hộ chiếu bằng tiếng Pháp. Khi bị kiểm tra, cả 3 sẽ nói họ là các công nhân Pháp.

Vượt ngục

Sau hơn 3 tháng miệt mài đào hầm, cuộc vượt ngục của Williams, Codner và Philpot bắt đầu vào tháng 10/1943. Ảnh minh họa: Salisbury Journal

Williams, Codner và Philpot đã hoàn thành đường hầm vào cuối tháng 10/1943, sau hơn 100 ngày miệt mài đào bới. Ngày 29/10/1943, bộ 3 quyết định vượt ngục.

Trời nhiều mây và không trăng giúp Williams, Codner và Philpot dễ dàng thực hiện cuộc đào tẩu. Một người thứ 4 giúp xóa sạch dấu vết ở lối vào đường hầm để tránh lính canh phát hiện.

Tới 18h, cả nhóm tới đầu ra của đường hầm và an toàn tới bìa rừng khi các lính canh mải chú ý tới hoạt động huyên náo của tù nhân trong nhà tù.

Williams và Codner đi cùng nhau, còn Philpot đi một mình. Codner nói thông thạo tiếng Pháp nên vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ và dễ dàng tiếp xúc với bất kỳ phong trào kháng chiến địa phương nào.

Williams, không nói được gì ngoài tiếng Anh, được các thành viên của "ủy ban vượt ngục" khuyên rằng chỉ nên giả câm, hoặc tốt nhất là chỉ nói: “Tôi là người nước ngoài. Tôi không hiểu".

Bộ đôi này đi tàu hỏa tới thành phố cảng Stettin của Ba Lan. Tại đây, họ liên lạc được với những người lao động và công nhân bến tàu người Pháp, những người thuộc phong trào ngầm ở địa phương, và được giúp đỡ. Sau đó, Williams và Codner được đưa đến thành phố Copenhagen, Đan Mạch.

Mặc dù cả 2 cho rằng điều này là lãng phí thời gian vì Đan Mạch đang bị Đức chiếm đóng, nhưng những người thuộc phong trào ngầm ở Đan Mạch đảm bảo với họ rằng việc di chuyển từ Đan Mạch tới Thụy Điển sẽ dễ dàng hơn là từ Ba Lan đến Thụy Điển trực tiếp, vì số lượng tàu giữa Đan Mạch và Thụy Điển lớn hơn nhiều. Cuối cùng, Williams và Codner tới được thành phố Gothenburgở Thụy Điển và liên lạc được với Lãnh sự quán Anh.

Trong khi đó, Philpot tìm đường tới thành phố cảng Gdańsk của Ba Lan và lên tàu Aralizz để đi qua Biển Baltic đến Thụy Điển.

Sau khi con tàu đến Thụy Điển, Philpot được đưa tới cảnh sát Thụy Điển và đưa đến gặp quan chức Anh ở Stockholm vào ngày 4/11/1943. Một tuần sau, Philpot gặp lại Codner và Williams ở Thụy Điển. Sau đó, cả 3 lên máy bay về Anh an toàn, kết thúc hành trình vượt ngục khỏi nhà tù khét tiếng của Hitler. Không rõ, sau vụ vượt ngục, quân Đức có phát hiện ra mô hình ngựa rỗng và đường hầm hay không.

Sau chiến tranh, Williams viết cuốn sách "Wooden Horse" (tạm dịch: Ngựa Gỗ), xuất bản năm 1949, kể lại toàn bộ quá trình vượt ngục khỏi nhà tù Stalag Luft III. Năm 1950, cuốn sách được chuyển thể thành bộ phim cùng tên.

Nguyễn Thái - (t/h)