Hà Nội: Thành tựu và thách thức sau 15 năm mở rộng

Dưới đây là chia sẻ của TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội.

Hướng đi đúng đắn, tích cực

Phóng viên (PV): 15 năm qua, theo ông đánh giá một cách tổng thể Hà Nội đã nắm bắt tận dụng cơ hội phát triển như thế nào? Thành tựu nào ông cảm thấy ấn tượng nhất?

TS Nguyễn Minh Phong: Sự mở rộng Hà Nội lần này có ý nghĩa quan trọng nhất cả về lượng và chất so với bất kỳ sự điều chỉnh nào trước đó về địa giới Thủ đô, mang lại cho Hà Nội những cơ hội và động lực phát triển mới như: Tiềm năng đất đai tốt hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, đô thị; có nguồn lực con người dồi dào hơn; cơ hội cải thiện cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng, hiện đại và hiệu quả hơn; tiềm lực vượt trội về các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể... Hà Nội mở rộng cũng có thị trường mở rộng hơn, có tính bổ sung, liên kết, hoàn chỉnh và hấp dẫn hơn.

Về tổng thể các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội, xây dựng đô thị… của Hà Nội đều có sự phát triển liên tục, hầu như không có sự chuyển dịch theo kiểu “răng cưa”. Có thể nói thành công lớn nhất của Hà Nội là sớm đồng hành cùng các đơn vị mới hợp nhất để đạt được mức tăng trưởng và mặt bằng chung về phát triển cả về hạ tầng, kinh tế, xã hội. Điều này thể hiện rõ ở một số chỉ số về kinh tế, như tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm, tỷ trọng nông nghiệp công nghệ cao tăng lên. Trong công nghiệp, hàm lượng công nghệ cao cũng tăng. Đặc biệt, nhờ mở rộng địa giới, Hà Nội đã và đang có điều kiện phát triển thêm hàng chục khu công nghiệp mới, phụ trợ, công nghệ cao.

Diện mạo khang trang, hiện đại của Thủ đô Hà Nội sau 15 năm mở rộng.

Một thành tựu rất đáng ghi nhận khác là suốt 15 năm qua, kể cả giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, GDP của Hà Nội liên tục tăng trưởng, không có tăng trưởng âm. Kết quả này có được nhờ cơ cấu bổ sung cho nhau, hài hòa giữa công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, không bị phụ thuộc vào một ngành, lĩnh vực hay sản phẩm nào.

Mặt khác, Hà Nội đã phát huy được các làng nghề của các địa phương hợp nhất, làm cho kho tàng thủ công mỹ nghệ của làng nghề và vốn văn hóa, tiềm năng du lịch được “cộng hưởng” mạnh lên và được khai thác tốt hơn. Điều đó cho thấy Hà Nội đã hấp thụ được những nguồn lực bổ sung từ những địa phương hợp nhất, tạo ra động lực chung cho toàn thành phố.

Ngoài ra, Hà Nội đã có sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng, cùng với hạ tầng của những địa phương cũ, hạ tầng ở những khu vực mới cũng phát triển rất tốt. Đến nay, không còn địa phương nào không có điện. Chất lượng sống của người dân được nâng cao, thể hiện ở các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ giảm nghèo, đứng đầu cả nước về phát triển nông thôn mới…

Tôi thấy ấn tượng nhất là giảm nghèo và phát triển nông thôn mới của Hà Nội. Sự dịch chuyển công nghiệp theo hướng ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao hơn. Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước về xây dựng khu công nghiệp phụ trợ và công nghiệp phần mềm. Đây rõ ràng là những hướng đi đúng đắn, tích cực.

Vẫn còn những “điểm trừ”

PV: Đâu là những vấn đề Hà Nội chưa làm được?

TS Nguyễn Minh Phong: Về mặt đồng thuận, hiện nay ở Hà Nội không còn hiện tượng “bên anh, bên tôi”, “Hà Nội mới”, “Hà Nội cũ” như thời gian đầu. Đây là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, năng lực lãnh đạo giữa “Hà Nội mới” với “Hà Nội cũ” vẫn còn chênh lệch, chưa có sự dịch chuyển lớn. Về đồng thuận của người dân, cần làm tốt hơn công tác dân vận để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc, nhất là trong lĩnh vực đất đai.

Về môi trường, Hà Nội vẫn còn những con phố “luộm thuộm”, những con sông ô nhiễm, nhiều rác thải; bầu không khí bụi bặm. Đây là điểm “hai lần trừ” của Hà Nội.

Bên cạnh đó, vốn văn hóa chưa khai thác được bao nhiêu, thậm chí đối mặt nguy cơ mai một ngày càng nhiều, đặc biệt là những vùng của Hà Tây, Hòa Bình không còn nét truyền thống của văn hóa, con người nơi đây. Cách làm du lịch của Hà Nội nói chung và các địa phương khi hợp nhất vào Hà Nội nói riêng đang bị lỗi thời, làm nhạt nhòa, pha tạp nét văn hóa truyền thống.

TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội.

Cần những giải pháp tổng thể, chiến lược

PV: Vậy theo ông, Hà Nội nên làm thế nào để khắc phục tình trạng đó?

TS Nguyễn Minh Phong: Hà Nội cần làm tốt hơn công tác quy hoạch, đúng với tầm nhìn là Thủ đô của đất nước hơn 100 triệu dân, đặc biệt là quy hoạch ở những dòng sông, hồ, vùng núi. Làm sao quy hoạch và phát huy hết tiềm năng, tạo nên bộ mặt Thủ đô văn hóa, hiện đại, phát triển.

Thứ 2, xây dựng bộ máy từ trên xuống dưới thực sự chất lượng, tìm những người giỏi “đầu quân” cho Hà Nội.

Thứ 3, tuyên truyền, khơi dậy khát vọng cống hiến của Thủ đô, khát vọng của người Hà Nội, nguồn lực đầu tư vào Hà Nội …, từ đó tạo “cộng lực” từ tất cả các nguồn cả Nhà nước, tư nhân, trong và ngoài Hà Nội, từ quốc tế, để phát triển.

Luật Thủ đô (sửa đổi) cần đưa những chính sách, chủ trương lớn vào phát triển hạ tầng Vùng Thủ đô để đảm bảo trở thành một khối liên kết, kết nối và tăng cường vị thế của Hà Nội trong Vùng Thủ đô này. Trong quy hoạch cần có tư duy chiến lược, cách nhìn tổng thể hơn. Đâu đó người ta thấy nhà đẹp hơn, đường xá đẹp hơn, nhưng đó chỉ là những “mảng”, “mảnh” chứ chưa phải tổng thể.

PV: Ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của cán bộ, đảng viên, các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu các cấp?

TS Nguyễn Minh Phong: Người đứng đầu các cấp phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao, có tầm nhìn và tư duy đổi mới, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp phát triển của Thủ đô và cả nước, đây là điều rất tốt và hoàn toàn đúng đắn. Theo tôi, cần có giải pháp của Nhà nước bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới.

Bởi vì, cùng với nâng cao chất lượng thể chế về mặt pháp lý, cần có cơ chế mở để đảm bảo an toàn chính trị cho những người dám đổi mới. Tránh tình trạng khi muốn làm thì bảo là đúng, khi “phá” thì bảo là sai, tất cả đều có lý thì rất nguy hiểm. Ngoài ra, cần có cơ chế để những người dám nghĩ, dám làm được phép nói.

Hà Nội có rất nhiều tiềm năng cả về kinh tế, con người, chất xám,… vì vậy cần bổ sung cơ chế để chọn lựa người tài, nhân tố tích cực phục vụ sự phát triển của Thủ đô.

PV: Theo ông, thời gian tới Hà Nội cần lưu ý những vấn đề gì để thực hiện mục tiêu đã đề ra?

TS Nguyễn Minh Phong: Cần làm đúng tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là một nghị quyết tốt, kế thừa các nghị quyết và chủ trương trước đây, với quyết tâm lớn là xây dựng Hà Nội đột phá hơn, Vùng Thủ đô có thể chế quản lý tốt hơn, đặc biệt là nâng cao vai trò của Hà Nội trong khu vực và trên thế giới. Giải pháp đưa ra đã đầy đủ, vấn đề là phải thế chế hóa thành pháp luật. Cùng với đó là quy hoạch và chọn được bộ máy lãnh đạo tốt để khai thác được sức mạnh, nguồn lực từ nhân dân để phát triển.

THANH SƠN (ghi)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.