Khoe 'thẻ đỏ quyền lực': Có lớn nhưng chưa khôn

Háo danh + thành tích + tiêu cực = Khoe khoang

Sau hình ảnh Á hậu, doanh nhân giơ phiếu được tiêm vaccine nhờ "ông ngoại", "ông anh" và trước nữa là việc cô con gái khoe giấy đi đường nhờ bố là chủ tịch HTX... thì mới đây, dư luận lại xôn xao trước một cô gái giơ "thẻ đỏ quyền lực" của bố để được tự do đi lại trong mùa giãn cách xã hội. Hóa ra, đó chỉ là sự khoe khoang của cô gái, và người này cũng đã vừa phải nhận mức phạt đích đáng cho hành vi của mình.

Cô gái khoe thẻ đỏ của bố gây xôn xao cộng đồng mạng

Lý giải hiện tượng trên, TS Lê Trường Tùng - Phó chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng cho rằng, nguyên nhân chính là do mặt bằng giáo dục thấp.

Chính mặt bằng giáo dục thấp dẫn tới thói khoe khoang càng ngày càng lố, lố tới mức khoe cái không có, khoe cái không biết, dựa vào người khác để khoe, khoe mà không biết là đúng hay sai.

Ông nói rõ, việc sử dụng các ưu thế, lợi thế từ gia đình, người thân để nhận lấy quyền ưu tiên không hiếm ở Việt Nam và ngay cả trên thế giới cũng có. Tuy nhiên, sử dụng các ưu thế đó thế nào và ứng xử với các ưu thế đó ra sao thì lại đang thể hiện sự chênh lệch rất lớn trong cách tư duy và sự hiểu biết.

Ví dụ, người có nhiều tiền rất ít khi khoe tiền nhưng người không có tiền thì lại thích khoe hình bên xế sang, đồ hiệu, ăn những bữa tiệc xa hoa mà giấu nhẹm đi chuyện mắc nợ, đứng bên bờ vực phá sản...

Người giàu chi tiêu, mua sắm thường có kế hoạch và thường chi dưới mức thu nhập của mình còn người giả vờ giàu hay mua sắm quá sức, vay tiền để mua rồi tận dụng mọi cơ hội để khoe...

Vì thế không lạ khi có người tự giới thiệu làm quản lý và thiết kế thời trang, đến từ Hà Nội, nhưng hiện đang sống tại Paris (Pháp), và thường xuyên có những chuyến bay đi đi về về giữa hai nơi cùng những hình ảnh lung linh với vẻ ngoài điển trai, các góc chụp với đồ hàng hiệu, đi du lịch khắp nơi, ăn bữa ăn sang chảnh...

Hay một thanh niên nào đó lên mạng khoe xuất thân từ danh gia vọng tộc, lót vàng dưới chân từ bé, “Xe SH cũng không có cửa để tôi bước lên”, “Sài Gòn bé lắm, so với gia đình nhà tôi thì chưa đủ đẳng cấp”, “Tôi hay dùng thắt lưng, đồng hồ, nước hoa từ các thương hiệu lớn trên thế giới…”... nhưng sau đó lại bị "bóc phốt" và thực tế không phải như thế.

TS Lê Trường Tùng cho hay, bệnh khoe khoang này không chỉ có ở người trẻ, học sinh, sinh viên mà ngay cả người trưởng thành, người đã đi làm, có gia đình cũng vẫn thích khoe.

Nhất là những cậu ấm, cô chiêu vốn được sống trong nhung lụa, được chiều chuộng từ bé nhưng lại thiếu đi nền tảng giáo dục gia đình bài bản thì bệnh hiếu thắng, thích hơn người lại càng lớn.

Việc thích thể hiện mình bằng việc dựa hơi người nhà, lấy uy của người nhà cũng để được tiêm vaccine, để được đi đường tự do... là một biểu hiện của căn bệnh này. Việc khoe khoang này không ngoài mục đích để cho cả xã hội nhìn thấy mình oai hơn người, được ưu tiên hơn người. Khi có suy nghĩ, tư duy lệch lạc như vậy nhiều người đã vướng vào một vòng xoáy "quyền lực" do quá coi trọng những cái nhìn, đánh giá của những người xung quanh mà không nhìn vào bản thân mình. Coi sự đánh giá của người khác là tôn chỉ, mục đích sống, người khác đánh giá càng cao thì càng thích và càng ham.

Chính từ tâm lý hiếu thắng, thích hơn người mà nhiều người không đủ nhận thức khoe ra cả những cái sai, cái không có, cái có được bằng cách không chính đáng, khoe cái trái đạo đức, lối sống, khoe dựa vào uy danh, quyền lực của người thân, họ hàng và khi không có thì lại "bịa" ra để khoe như trường hợp cô gái giơ "thẻ đỏ quyền lực" mà sau đó phải đính chính là thông tin sai, thẻ đi mượn, bố làm nông... chính là những ví dụ điển hình cho một lối sống, văn hóa thấp.

"Việc khoe khoang này không giống với việc anh lao động, kiếm tiền, mua được một cái ô tô hay món đồ hàng hiệu... Bởi dù việc kheo khoang đó trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay cũng không phải hay ho, đáng biểu dương nhưng ít nhất đó vẫn là những món đồ được mua bằng tiền lao động của anh kiếm được.

Tuy nhiên, việc khoe ra những tấm thẻ đỏ quyền lực, thẻ ngành hay dựa hơi vào uy danh của người ông, người anh để nhận lấy quyền ưu tiên, để không phải tuân thủ các quy tắc thông thường là việc trái với quy định, thể hiện nhận thức hạn chế, không biết phân biệt đúng sai.

Bên cạnh bệnh háo danh, bệnh thành tích, những hiện tượng tiêu cực trong xã hội vẫn tồn tại, nhất là khi càng khan hiếm thì nhu cầu càng cao, việc luồn lách, đi cửa sau để có được lại càng được xem là một thành tích, một điều đáng ngưỡng mộ thì càng khiến nhiều người coi chuyện làm sai là bình thường, là đáng tự hào để khoe lên mà không nghĩ tới hậu quả để lại.

Đáng ra phải thấy làm xấu hổ thì lại coi những việc làm sai là bình thường, thậm chí khoe khoang cái sai chỉ để oai, để được khẳng định uy quyền của mình dựa vào uy danh của người thân. Chính từ sự thiếu hiểu biết, văn hóa thấp mà bản thân người khoe khoang đã đang cho cả làng nhìn rõ hơn về trình độ, văn hóa ứng xử cũng như sự hiểu biết hạn chế của chính mình", vị chuyên gia phân tích.

Thiếu sự trưởng thành đúng nghĩa

TS Lê Trường Tùng nói thêm, khoe không xấu, nhưng chỉ xấu khi cái khoe ra lại không đúng hoặc cái để khoe không phải có được nhờ tự thân mà có được bằng mọi cách, bất chấp là có được từ tiêu cực, hay từ việc làm trái với đạo đức, pháp luật. Và việc khoe đó lại không đúng lúc, đúng chỗ... thì khoe không đáng để khen, để được biểu dương nữa mà lại trở thành một hành động lố lăng, phản cảm, vô cảm, nhẫn tâm.

Từ hiện tượng trên, ông Tùng cho rằng cần lưu ý hai vấn đề. Thứ nhất là từ góc độ pháp luật, vị chuyên gia cho rằng đã có những biểu hiện vi phạm các quy định pháp luật từ những vụ khoe khoang, điều này cho thấy những kiến thức, sự hiểu biết trong giáo dục pháp luật cho giới trẻ và người dân đang rất hạn chế. Chính từ sự hạn chế hiểu biết pháp luật đã dẫn tới những trường hợp thích khoe mà không biết khoe đúng hay sai.

Thứ hai, theo ông Tùng ngay cả khi không vi phạm pháp luật thì những việc này vẫn cần phải được chi phối bởi những quy tắc về đạo đức lối sống. Giáo dục đạo đức lối sống phải để mỗi người hiểu rằng việc gì trái với văn hóa đạo đức xã hội thì không được làm. Tuy nhiên, có vẻ như lĩnh vực này cũng đang bị chi phối, hạn chế bởi nhiều yếu tố, khiến vấn đề giáo dục đạo đức gặp nhiều khó khăn.

Điều quan trọng nhất theo vị chuyên gia là chúng ta đang thiếu một bộ quy tắc văn hóa, đạo đức, bộ quy tắc này là cơ sở giáo dục đạo đức một cách bài bản, căn cơ để cho mỗi người thấy cái gì được làm, cái gì không nên làm.

Cùng với đó, ông cũng nói tới câu chuyện giáo dục về ý thức trách nhiệm của mỗi người. Nếu được giáo dục rõ hơn về trách nhiệm thì bản thân mỗi người sẽ tự có ý thức hơn với mỗi việc mình làm. Trách nhiệm cá nhân cùng với độ trưởng thành là yếu tố đánh giá về nhận thức của mỗi người.

"Trưởng thành về mặt sinh học thì vẫn đi theo quy luật tự nhiên, tuy nhiên, trưởng thành về mặt xã hội, nhận thức thì đòi hỏi phải có một nền giáo dục cơ bản.

Nền giáo dục hiện nay đang hình thành một giới trẻ có lớn nhưng chưa trưởng thành đúng nghĩa, chưa đủ chín chắn để chịu trách nhiệm trước mỗi việc làm, hành động, lời nói của mình.

Chính vì chưa nhận thức rõ về mặt trách nhiệm nên cũng chưa trưởng thành được về mặt nguyên tắc. Tức là phải tự có trách nhiệm với bạn thân, sau đó là trách nhiệm với người khác, có như vậy thì mới có những ứng xử văn hóa, văn minh.

Cách khoe khoang lố bịch chính là một biểu hiện của sự chưa trưởng thành đúng nghĩa, người trưởng thành không ứng xử như vậy", ông Tùng nói.

Từ những phân tích trên, ông Tùng nhấn mạnh, trách nhiệm của nền giáo dục là phải đào tạo ra được những con người trưởng thành chứ không phải cố gắng tạo ra một công cụ làm việc, chỉ cần có việc làm, lương cao nghĩa là đã thành công. Nếu chỉ coi có công ăn việc làm đã là người trưởng thành thì chưa đủ, một người trưởng thành phải là người có đủ khả năng nhận thức rõ trách nhiệm của mình với cá nhân và xã hội.

Lam Lam