Làm mới những trang viết

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ nhiều điều thú vị trong buổi ra mắt truyện dài “Những người hàng xóm”.

Ông nói, việc thay đổi đề tài, bối cảnh cũng là cách làm mới cảm xúc sáng tác và giúp người viết khám phá giới hạn của bản thân.

“Bạn sẽ làm gì nếu bạn rong chơi hai tháng ở nước ngoài? Bạn sẽ đi thăm nhiều nơi, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, hẳn nhiên rồi. Bạn sẽ dành thì giờ khám phá nền văn hóa độc đáo nơi xứ người. Bạn sẽ phát hiện nhiều điều thú vị, kể cả trên bàn ăn. Ðúng rồi! Tất cả đều đúng! Nhưng nếu là một nhà văn, ngoài những điều đó ra, biết đâu bạn sẽ hào hứng bắt tay vào một cuốn truyện mới-với bối cảnh và những nhân vật hoàn toàn mới mẻ...” - Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã bắt đầu cuốn sách mới mang tên “Những người hàng xóm” bằng mấy câu mở đầu giản dị như thế. Nguyễn Nhật Ánh trải lòng, ông là người luôn ám ảnh về những gì đã ra đi không bao giờ trở lại. Ðiều đó cắt nghĩa tại sao đề tài tuổi thơ luôn xuất hiện trong những tác phẩm của ông với rất nhiều trăn trở, thương yêu. Mấy chục năm qua, nhắc đến Nguyễn Nhật Ánh người ta luôn nói về truyện cho trẻ thơ hay những người ưa hoài niệm. Nhưng ở khía cạnh sáng tạo, đặc biệt là trước nhu cầu làm mới cảm xúc, có lúc ông muốn tìm kiếm sự khác biệt để có thêm trải nghiệm mới. Ðó là, lý do khi góp nhặt được bao điều thú vị nơi đất khách trong chuyến đi gần đây, ông quyết định viết “Những người hàng xóm”.

Không phải lần đầu đi nước ngoài nhưng đây là lần đầu nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sáng tác một truyện dài thay vì viết tùy bút, du ký hay tản văn như những lần đi nước ngoài ngắn ngày trước kia. Tác giả chỉ mất bốn tháng để cho ra đời tác phẩm này và trong suốt quá trình sáng tác bản thân ông cảm thấy rất hứng thú. Ðây là cuốn sách có thời gian hoàn thành ngắn nhất của Nguyễn Nhật Ánh đến thời điểm hiện tại. Một bối cảnh khác biệt, một đề tài mới mẻ, một cách kể rất ít khi gặp trong truyện Nguyễn Nhật Ánh là cách nhà văn tạo ra cho người đọc trong lần hội ngộ này. “Những người hàng xóm” không viết về chuyện tình của một người mà như một cuốn phim màu sắc với âm điệu dịu dàng, êm ả, kể về những lát cắt cuộc sống của những người yêu thương nhau ở một nơi rất xa Việt Nam. Nhân vật chính không phải là những cô cậu thiếu niên với rung động đầu đời hay những con vật đáng yêu, tinh nghịch mà là những người đã có ít nhiều trải nghiệm trong tình yêu, từng chịu đớn đau nhưng vẫn giữ được trái tim trong sáng, yêu thương chân thành. Tuy khác biệt về mặt đề tài nhưng cũng như các cuốn sách đã xuất bản trước đó, thông điệp của “Những người hàng xóm” chính là khơi dậy tinh thần sống đẹp, sống tử tế nơi bạn đọc. Do đó, dù viết về thế giới tuổi thơ, thế giới loài vật hay thế giới phù thủy, và bây giờ là viết về những người nước ngoài thì mối quan tâm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vẫn là vẻ đẹp tâm hồn. Truyện viết về những người hàng xóm của nhân vật chính với tính cách, hoàn cảnh sống khác nhau nhưng có một sợi dây xuyên suốt là cách ứng xử giàu tính nhân văn giữa tất cả mọi người dù có buồn vui, cáu gắt hay giận hờn. Khi gộp tổng thể đời sống của các nhân vật trong truyện lại ta sẽ thấy chủ đề chính: Sống tử tế.

Bên cạnh những mảnh ghép thú vị giữa người với người, trong tác phẩm lần này, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh còn chia sẻ đôi chút về nghề sáng tác văn chương qua phần trò chuyện của nhân vật chính là một anh chàng thích viết lách và bố vợ mình là một nhà văn. Nghe nhân vật chính thắc mắc “Ba bắt đầu cuốn sách bằng cách nào hả ba?”, ông bố vợ trong truyện liền nói “Bằng cách ngồi vào bàn”. Theo tác giả, giống như để bắt đầu một cuộc đua, điều cần làm đầu tiên là phải đứng vào vạch xuất phát. Khi ta ngồi trước màn hình máy tính hay trước trang giấy trắng với cây viết trên tay, ý tưởng sẽ tự động kéo tới. Phải làm tổ đâu ra đó rồi thì chim mới về đẻ trứng. Tác giả nói, ông viết câu thoại này cũng là để trả lời chung cho những bạn trẻ hay hỏi câu “Làm thế nào để bắt đầu một cuốn sách?” hay “Làm thế nào để trở thành nhà văn”. Với Nguyễn Nhật Ánh, muốn hoàn thành một tác phẩm nào đó, trước tiên, phải hành động, rồi từ từ ngắm nhìn cuộc sống, chắt lọc lấy điều hay đưa vào ngòi bút như một câu trích trong “Những người hàng xóm”, rằng: “Nếu con biết cách mở cửa sổ, đời sống sẽ tràn vào trang viết của con. Ðôi khi chúng ta vẫn nhìn đấy, nhưng chúng ta không thấy”. Cuộc trò chuyện giữa nhân vật chính với bố vợ là cái cớ để tác giả khéo léo đưa vào truyện những hiểu biết, kinh nghiệm viết lách nhằm tạo thêm chút mới mẻ và hy vọng ít nhiều giúp ích cho những bạn đọc có ước mơ viết lách.

Bài và ảnh: GIA MỸ