Một thứ mà trẻ sơ sinh dùng càng nhiều càng tăng nguy cơ mắc tự kỷ, bé trai có tỉ lệ mắc cao gấp 3 lần so với bé gái

Nhiều ông bố, bà mẹ vẫn hay có thói quen dùng điện thoại trong lúc chăm con, đôi khi là tranh thủ làm việc, gọi facetime cho bạn bè, người thân và vô tình để con nhìn vào màn hình. Cũng có nhiều bà mẹ thấy con lười ăn, không chịu ăn bèn cho bé xem hoạt hình trên tivi, điện thoại, iPad.

Những chương trình này thu hút, hấp dẫn khiến bé ăn thun thút, vèo cái là hết bình sữa, bát bột khiến các mẹ áp dụng thường xuyên. Thế nhưng tiềm ẩn sau những hành động này là nguy cơ cực kỳ khủng khiếp.

Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng khuyến cáo trẻ sơ sinh không nên tiếp xúc với thiết bị điện tử. Ảnh minh họa

Nghiên cứu "Môi trường và Trẻ em Nhật Bản" được công bố trên tạp chí Jamanetwork. Các nhà khoa học đã sàng lọc hơn 84.000 cặp mẹ con trong số 100.000 phụ nữ mang thai từ tháng 1/2011 đến 3/2014, để phân tích.

Kết quả cho thấy ở độ tuổi lên 3 có 392 trẻ tự kỷ (chiếm 0,4%), trong đó 76% bé trai được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ (ASD).

Tỷ lệ trẻ tự kỷ tăng hơn khi xem thiết bị điện tử nhiều hơn, trong đó bé trai được chẩn đoán ASD gấp ba lần bé gái. Mặc dù cả bé trai và gái đều có thời gian sử dụng thiết bị giống nhau, nghiên cứu chỉ tìm thấy mối liên quan giữa thời gian sử dụng đồ điện tử và chứng rối loạn ở bé trai.

Các tác giả của nghiên cứu viết: "Khi đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, lối sống đã thay đổi nhanh chóng. Các thiết bị điện tử được sử dụng như các kênh liên lạc và tương tác xã hội chính. Trước bối cảnh này, việc xem xét mối tương quan giữa tiếp xúc màn hình thiết bị điện tử với sức khỏe của trẻ em là một vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng".

Tỷ lệ trẻ tự kỷ tăng hơn khi xem thiết bị điện tử nhiều hơn, trong đó bé trai được chẩn đoán ASD gấp ba lần bé gái. Ảnh minh họa

Tác giả chính Megumi Kushima và giáo sư Zentaro Yamagata, ở Đại học Yamanashi, Nhật Bản, cho biết: "Ngày càng có nhiều bậc cha mẹ sử dụng các thiết bị như điện thoại thông minh để nuôi dạy con cái. Tất nhiên có những lợi thế khi cho trẻ tiếp xúc công nghệ sớm nhưng các phụ huynh cho con video xem trong thời gian dài, dẫn đến thiếu sự tương tác giữa cha mẹ và con, từ đó gây ra nhiều tác hại cho trẻ".

Nghiên cứu của họ cũng thiên về các trường hợp của chứng rối loạn tự kỷ nặng vì các trường hợp nhẹ thường không được chẩn đoán trước ba tuổi.

Phó giáo sư dịch tễ học và sức khỏe dân số Kristin Sainani, Đại học Stanford, Mỹ cho biết, nghiên cứu này chưa giải thích đầy đủ về mối liên hệ giữa màn hình và chứng tự kỷ, không cung cấp bằng chứng chắc chắn về mối liên hệ nhân quả giữa thời gian sử dụng thiết bị của trẻ sơ sinh và chứng tự kỷ.

Tuy nhiên, các tác giả cho biết, phát hiện này có giá trị quan trọng trong thời đại kỹ thuật số, khi mà 90% trẻ em được nghiên cứu đã tiếp xúc với các thiết bị điện tử trước 1 tuổi. Mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cảnh báo trẻ dưới 18 tháng tuổi không nên tiếp xúc với màn hình điện tử, trừ khi đứa trẻ trò chuyện qua cuộc gọi video với người thân.

"Thời gian sử dụng thiết bị là một trong những yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sự khởi phát và mức độ của hội chứng tự kỷ, bên cạnh nhiều lý do môi trường khác vẫn chưa tìm ra", nhóm tác giả của nghiên cứu cho biết thêm.

Làm thế nào để con tránh xa thiết bị điện tử?

Không tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với thiết bị điện tử. Kể từ khi con còn nhỏ, cha mẹ tuyệt đối không cho con tiếp xúc với thiết bị. Khi chăm sóc con, cần để thiết bị ở thật xa. Con ít tiếp xúc sẽ ít có những nhu cầu chơi với thiết bị.

Khi ở nhà, cha mẹ cũng hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử. Nếu cần làm việc với máy tính, hãy vào phòng riêng và làm việc khi không có con ở bên cạnh.

Cấm con tuyệt đối không được động vào máy tính và điện thoại (tài sản riêng) của bố mẹ. Điều này vừa giúp con biết cần tôn trọng và không động chạm vào đồ vật của người khác, vừa làm con tránh xa thiết bị điện tử.

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản phát hiện những bé trai nhìn màn hình điện thoại, TV nhiều có khả năng bị rối loạn phổ tự kỷ lớn hơn những trẻ ít xem. Ảnh minh họa

Tránh đặt tivi, máy tính và điện thoại trong phòng ngủ của trẻ, cũng như tránh sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ.

Trò chuyện trực tiếp với trẻ, dành thời gian để chia sẻ và tâm sự cùng con. Hãy lựa chọn những trò chơi phù hợp như xếp hình, vẽ tranh, sưu tầm, các trò chơi khám phá...và chơi cùng con, vừa gắn kết tình cảm gia đình vừa giúp trẻ tránh xa các thiết bị điện tử.

Cho con tham gia thể thao. Chọn lựa môn thể thao mà con yêu thích rồi khuyến khích con đi theo. Đứa trẻ có nhiều mối quan tâm sẽ ít bị các thiết bị gây ảnh hưởng.

Dạy con các kỹ năng sống cơ bản, tham gia việc nhà, giúp đỡ mọi người trong gia đình. Hoặc cho con chơi với các nhóm bạn, các nhóm hoạt động tập thể.

Lập thời gian biểu hoạt động của con thật kĩ càng. Giám sát con thực hiện theo thời gian biểu đó. Cố gắng tránh mọi khoảng thời gian trống, không có việc gì. Bù đắp những khoảng thời gian đó bằng các hoạt động.

Giải thích rõ cho con về tác hại của thiết bị và lý do tại sao trẻ em phải tránh xa nó. Điều này vô cùng quan trọng. Nếu bọn trẻ con hiểu được lý do, chúng sẽ có thái độ tự động tránh xa. Đặc biệt khi chúng không được tiếp xúc nhiều với thiết bị và có một lịch trình hoạt động dày đặc, chúng sẽ không hề có nhu cầu tiếp xúc với thiết bị.

6 món đồ nội thất thông minh đáng sở hữu hiện nay

Tường Vy (t/h)