Vụ chuyển đổi gần 12 ha rừng đặc dụng để làm khu nghỉ dưỡng: Thẩm quyền quyết định thuộc Thủ tướng

Trong báo cáo ĐTM của Công ty CP Đầu tư Phát triển Syrena Việt Nam cho biết, khu đất thực hiện dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) thuộc khoảnh 5, tiểu khu 150, là rừng đặc dụng do Vườn Quốc gia (VQG) Núi Chúa quản lý. Căn cứ đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, diện tích sử dụng đất của dự án là 64,6ha và chia làm 2 giai đoạn đầu tư. Giai đoạn 1 chủ đầu tư sẽ xây dựng 54 căn biệt thự nghỉ dưỡng với diện tích từ 150 đến 450m2/căn, còn giai đoạn 2 tiếp tục xây thêm 46 biệt thự có diện tích từ 250 đến 1.500m2/căn.

Sơ đồ mô phỏng dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy. Ảnh: Công ty Syrena Việt Nam

Theo báo cáo ĐTM, dự án này có 11,5ha diện tích rừng (rừng tự nhiên 10,6ha và rừng trồng 0,98 ha) thuộc quy hoạch rừng đặc dụng do VQG Núi Chúa quản lý. Báo cáo ĐTM của dự án trích dẫn quy định tại khoản 2, Điều 20, Luật Lâm nghiệp nhấn mạnh việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp nói trên thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tuân thủ theo Nghị định 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Theo Quyết định số 332/2020 của UBND tỉnh Ninh Thuận về việc phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững VQG Núi Chúa đến năm 2030 và Quyết định 333/2020 của UBND tỉnh Ninh Thuận về phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại VQG Núi Chúa, khu vực thực hiện dự án là khu vực 8, thuộc các khu cho thuê dịch vụ môi trường rừng.

Báo cáo ĐTM được Bộ TN&MT tham vấn cộng đồng cũng nêu rõ các công trình nhạy cảm, ảnh hưởng khi thực hiện dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy. Khu đất dự án nằm trong phân khu dịch vụ - hành chính của VQG Núi Chúa, cách ranh giới phân khu bảo vệ nghiêm ngặt khoảng 50m về phía Bắc, cách khu vực trung tâm VQG khoảng 8km. Do vậy quá trình thi công và hoạt động của dự án sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái và cảnh quan của khu vực này.

21 hộ dân bị ảnh hưởng

Theo báo cáo ĐTM của dự án, quá trình thực hiện dự án sẽ chiếm dụng khoảng 2,3 ha đất của 21 hộ dân xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Trong đó, có 1 hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 4 hộ có nguồn gốc sử dụng đất ổn định, 10 hộ sử dụng đất sau năm 2003 và 6 hộ khai phá năm 2010 đến nay.

Những hộ dân có đất nằm trong dự án buộc phải di dời chủ yếu thuộc dân tộc Raglai, sinh sống bằng nông - lâm và ngư nghiệp với mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 15-20 triệu/năm. Hoạt động canh tác trồng cây hàng năm, cây lâu năm trên phần diện tích đất bị chiếm dụng là một phần sinh kế chính trong đời sống của các hộ dân này, hàng năm thu nhập từ cây trồng (chủ yếu là cây điều) khoảng 10 -15 triệu/ha/năm, rau màu chủ yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân.

Báo cáo ĐTM khẳng định, việc lấy đất của 21 hộ dân trên để làm dự án khu du lịch ngoài thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của xã Vĩnh Hải, sinh kế cho người dân trong khu vực (bao gồm 21 hộ dân bị thu hồi đất), thì cũng tồn tại nhiều tác động tiêu cực.

Vì thế, UBND huyện Ninh Hải cũng đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận giao cho nhà đầu tư thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất theo quy định (đối với hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Với 20 hộ dân không đủ điều kiện để bồi thường về đất, UBND huyện Ninh Hải kiến nghị xem xét biện pháp hỗ trợ công khai hoang cho 4 hộ và không bồi thường, hỗ trợ về đất cho 16 hộ.

CÔNG HOAN - XUÂN HOÁT