1.500 giờ ghi hình trong tâm dịch

Tự hào vì được tác nghiệp trong thời khắc cam go

Ngược thời gian trở về thời điểm khởi động dự án, điều gì đã thôi thúc các bạn quyết định dấn thân vào điểm nóng Bạch Mai trong suốt hai tuần phong tỏa?

Đó chính là sự tự trọng về nghề và sự tự trọng của tuổi trẻ. Chúng tôi tự vấn bản thân: mình có thể làm được gì khi có những biến động xảy ra như đại dịch? Chúng tôi có kiến thức về nghề, có máy quay, ống kính, sự sẵn sàng và không ngại gian khổ. Vì vậy, khi nhận được sự ủng hộ từ lãnh đạo Đài, chúng tôi lên đường ngay lập tức!

Tác nghiệp tại Bệnh viện Bạch Mai tháng 3-2020.

Khi đang ghi hình tại Cửa khẩu Quốc tế sân bay Nội Bài, chúng tôi nhận được tin Bạch Mai - bệnh viện tuyến cuối của cả nước bị phong tỏa. Hơn 100 năm hình thành và phát triển, ngay cả trong chiến tranh, dù bị ném bom, nhưng Bạch Mai chưa ngày nào phải đóng cửa. Hiểu rằng bệnh viện này đang trong những diễn biến phức tạp, chúng tôi thấy cần phải có mặt ngay vì mỗi giây phút trôi qua là mỗi khoảnh khắc, chi tiết, bài học quý báu về việc đối mặt với nghịch cảnh cần được ghi lại.

Cả đoàn chỉ có một buổi tối để cân nhắc ai đi ai ở, bởi ai cũng hiểu đó là nơi nguy hiểm. Khi ấy kỹ thuật viên Quang Việt vừa làm bố được mấy ngày, quay phim Huỳnh Sĩ Cường cũng vừa biết tin vợ mang thai đôi. Nhóm đã đồng hành với nhau qua nhiều bộ phim trong 5 năm qua, mọi người đều hiểu rằng bộ phim sẽ không thể sản xuất nếu thiếu đi dù chỉ một người.

Vậy là đồng nghiệp của tôi đã để gia đình lại phía sau, tất cả cùng bước vào tâm dịch. Còn ở vòng ngoài, biên tập viên Bích Ngọc, quay phim Tuấn Anh, quay phim Thanh Hùng - vợ cũng vừa mới sinh, cùng với anh Hoàng Lương lái xe ghi hình đời sống xã hội. Chúng tôi đã phải tìm một căn nhà riêng để tập kết thiết bị và ở chung với nhau trong thời gian tác nghiệp, mục đích là để giữ an toàn cho các đồng nghiệp ở VTV cũng như chính gia đình mình.

Nghĩ bệnh viện là nơi nguy hiểm hơn nên bốn người chúng tôi đã chọn rủi ro về phần mình. Tuy nhiên, khi thật sự bước vào bên trong Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi đều cảm nhận được sự an toàn cũng như sự bình tĩnh của toàn thể nhân viên y tế tại đây. Biết rằng, để giữ được tinh thần đó là điều không hề dễ dàng, vì khi ấy giám đốc mới vừa nhậm chức được mấy ngày nhưng phải đối diện ngay với việc đóng cửa bệnh viện, kéo theo rất nhiều khủng hoảng khác như việc lo ăn, nghỉ cho nhân viên y tế bị cách ly, việc chăm sóc bệnh nhân ra sao khi tất cả người nhà đã được đưa đi cách ly, hay việc lo cho 500 bệnh nhân chạy thận chu kỳ ra vào hằng ngày như thế nào để giữ gìn không có thêm ca lây nhiễm Covid-19 bên trong bệnh viện.

Đó là những bài toán đau đầu mà thời gian cho phần giải đáp được tính bằng giờ, bằng phút. Tuy vậy, những khó khăn đó đã được tháo gỡ bằng một thái độ điềm tĩnh, kiên nhẫn và lạc quan của lãnh đạo cùng các nhân viên y tế tại đây. Tinh thần của họ trong nghịch cảnh chính là bài học quý giá cho những người trẻ. Và chúng tôi thật sự biết ơn những trải nghiệm không thể nào quên trong thời gian đó.

Sau Bạch Mai là hành trình trong tâm dịch Đà Nẵng. Hình như các bạn là nhóm làm phim duy nhất, lại còn không chuyên trách mảng y tế được phép tác nghiệp tại điểm nóng này?

Tháng 7-2020, chúng tôi đã định đóng máy sau khi ca bệnh nhân 91 hồi phục và về nước. Nhưng ngay sau đó Đà Nẵng bùng dịch. Ngày 28-7, Đà Nẵng nhận lệnh phong tỏa thì trong đêm trước, chúng tôi lái xe từ Hà Nội vào. Khác với mọi dự án từng sản xuất trước đó, dự án này thú vị với rất nhiều điều không biết: không biết liên lạc với ai, không biết sẽ bắt gặp nhân vật của mình ở đâu vì họ đang ở “chiến trường” không phải lúc nào cũng cầm điện thoại, không biết điều gì sẽ xảy ra và diễn biến tiếp theo là gì, không biết cả những điều cơ bản nhất như sẽ ăn ở đâu, ngủ ở đâu khi cả thành phố bị phong tỏa.

Chúng tôi cứ đi với tất cả sự mơ hồ và chỉ tâm niệm một điều: mình muốn được đóng góp, vậy thôi. Có thể nhờ mong muốn và niềm tin như vậy mà chúng tôi có nhân duyên được gặp lại đoàn chuyên gia y tế của Bệnh viện Bạch Mai vào tiếp sức cho Đà Nẵng. Nhờ lần gặp gỡ này mà chúng tôi lại được đi theo hành trình chống dịch của Đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế, bao gồm các chuyên gia và lực lượng y tế tinh nhuệ nhất cả nước vào chi viện cho Đà Nẵng trong gần hai tháng.

Ngoài nhà báo Anh Văn của báo Sức khỏe và Đời sống thì chỉ có duy nhất đoàn báo hình chúng tôi có may mắn này. Tiếp sau Đà Nẵng là tâm dịch Hải Dương, với những kinh nghiệm chống dịch đã được bổ sung và tích lũy, với những kịch bản lây lan dịch bệnh được nhân lên nhiều lần trên diện rộng.

Bên cạnh những câu chuyện của lực lượng tuyến đầu chống dịch, chúng tôi còn ghi hình các anh bộ đội vùng biên giới Hà Giang, lực lượng kiểm dịch y tế Quốc tế tại phao số 0 và kết nối với các cộng sự trẻ tại Mỹ và châu Âu để ghi lại được hành trình về nước của những người Việt Nam tại nước ngoài. Ngoài ra, đoàn còn thu thập thêm tư liệu từ cộng đồng, từ những hình ảnh mà người dân quay tại nhà trong giai đoạn cách ly xã hội để có được cái nhìn toàn cảnh.

Kỳ vọng bộ phim sẽ có sức sống lâu bền

Được biết, bộ phim tài liệu của các bạn đã chính thức đóng máy sau khi Hải Dương chế ngự thành công dịch bệnh. Bạn có thể bật mí đôi chút về hình hài bộ phim sẽ ra mắt khán giả trong tương lai gần?

Từ 1.500 giờ tư liệu, chúng tôi sẽ thực hiện một bộ phim cô đọng trong thời lượng dự kiến từ 90 đến 120 phút. Là một nhà sản xuất, tôi mong muốn bộ phim có sức sống lâu bền và không chỉ phục vụ bà con trong nước mà sẽ là những hình ảnh, câu chuyện giới thiệu với bạn bè quốc tế về tinh thần dân tộc của người Việt Nam. Do vậy, bộ phim cần có khoảng lùi của thời gian để thấu đáo trong cách kể sao cho hấp dẫn, có giá trị về thời gian và có ngôn ngữ toàn cầu.

Để làm được điều này, ngoài nguồn kinh phí đầu tư của VTV, bộ phim còn có sự đồng hành của Ánh Sao Production - một đơn vị đầu tư cũng như đồng hành sản xuất nhiều dự án phim truyện điện ảnh uy tín như Song Lang, Tấm cám truyện chưa kể, Trúng số, Sám hối trong vai trò đầu tư hậu kỳ cho bộ phim tài liệu này.

Từ nguồn tư liệu thô, chúng tôi có thể triển khai nhiều phương án khác nhau để cho ra đời nhiều sản phẩm đa dạng phục vụ cộng đồng. Ngoài tác phẩm để phát sóng trong khung giờ VTV Đặc biệt, chúng tôi cũng sẽ hướng tới một số series Truyền hình Thực tế về xử lý khủng hoảng y tế trong đại dịch (khẩn trương xây dựng bệnh viện dã chiến, gấp rút đào tạo nhân sự không chuyên ngành để điều trị bệnh nhân - thần tốc truy vết - khoanh vùng - cách ly - dập dịch). Hiện nay, bộ phim đang trong quá trình nhào nặn và sẽ sớm cho ra mắt vào năm 2022.

Bạn từng chia sẻ, “chưa bao giờ cần dừng lại để tự hỏi, mình có đang dấn thân hay không”. Nhưng ở góc độ đồng nghiệp, tôi thật sự khâm phục cả ê-kíp về thái độ dũng cảm dấn thân, với tâm thế của những phóng viên chiến trường sẵn sàng quăng mình vào điểm nóng. Chúc cho thành công của bộ phim đầy tâm huyết mà bạn ấp ủ!

Nhà sản xuất Phan Ý Linh:

Sinh năm 1991. Cử nhân Tâm lý xã hội tại ĐH Pune (Ấn Độ). Thạc sĩ Đổi mới và tổ chức VHNT tại ĐH Bologna, Italia. Là nhà sản xuất phim tài liệu tại Trung tâm sản xuất các chương trình giáo dục (VTV7) thuộc Đài truyền hình Việt Nam từ năm 2016.

Giải A Giải Báo chí toàn quốc cho phim “69713=69731”; Huy chương vàng LHPTHTQ 2019 cho phim “Ngôi sao vô danh”; Cánh diều Bạc cho phim “Những kẻ mộng mơ”.

Giải nhất và giải KIDS’s Choice tại LHP Đông - Nam Á 2018 cho phim “Khanh”; Giải Trái tim dành cho phim được yêu thích nhất tại LHP Prix Jeunesse Munich cho phim “Chị gái” năm 2018 và cho phim “Anh em” năm 2020; Giải thưởng UNICEF tại Japan Prize 2018 cho phim “Chị gái”; Giải nhất LHP châu Á Thái Bình Dương 2019 cho phim “Anh em”.

Giám khảo LHP Đông - Nam Á dành cho trẻ em năm 2018 và 2019; Giám khảo trẻ nhất của hạng mục Phim tài liệu tại LHPTHTQ lần thứ 39.

Giải thưởng “Gương mặt của năm 2019” do BCH Công đoàn viên chức Việt Nam trao tặng; Bằng khen “Nhà báo tiêu biểu năm 2020” do Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng.

Hồ Cúc Phương (thực hiện)