Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại năm 2023: Tất cả vì 1, Một sức khỏe cho tất cả

Giảm thiểu số người tử vong do bệnh dại

Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại (28/9) năm nay có chủ đề “Tất cả vì 1, Một sức khỏe cho tất cả” lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Ba chàng lính ngự lâm của Alexandre Dumas. Ba chàng lính ngự lâm là đại diện của một nhóm gồm những cá nhân đã vượt qua xung đột và bất công để đạt được mục tiêu của mình, cũng như mối tương quan rõ ràng giữa cuộc chiến của các bên liên quan trong việc kiểm soát bệnh dại và nỗ lực chung của chúng ta nhằm loại bỏ căn bệnh này.

Được xây dựng trên thành công của chương trình Một sức khỏe năm 2022, “Tất cả vì 1, Một sức khỏe cho tất cả” là một bước tiến hơn nữa tập trung vào sự hợp tác, bình đẳng và tăng cường năng lực hệ thống y tế.

Cộng đồng thế giới cần khắc phục tình trạng mất cân bằng hệ thống y tế và phấn đấu đạt được mục tiêu toàn cầu là không có trường hợp tử vong ở người do bệnh dại gây ra vào năm 2030 và Chương trình quốc gia về Kiểm soát và loại trừ bệnh dại giai đoạn 2022–2030. Sự kiện này cũng là một cơ hội để nhắc nhở các bên liên quan rằng cuộc chiến chống lại bệnh dại không chỉ diễn ra trong một ngày mà cần phải được thực hiện một cách bền vững để đạt được mục tiêu cuối cùng là việc giảm thiểu số lượng ca tử vong do bệnh dại.

Chiến lược toàn cầu đã được tổ chức WHO, FAO, Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) và Liên hiệp Kiểm soát dại toàn cầu (GARC) cùng nhau thông qua vào năm 2018.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan chính quyền địa phương, với sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế nói trên, đã và đang hợp tác để thực hiện Chương trình quốc gia về phòng chống bệnh dại.

Giảm thiểu số người tử vong do bệnh dại là mục tiêu chủ chốt và cũng là thách thức đối với nhiều quốc gia trong những thập kỷ gần đây. Tuy nhiên, thông qua việc hợp tác chặt chẽ hơn nữa và thực hiện các bước đơn giản nhất ngay từ hôm nay nhằm đẩy nhanh việc kiểm soát bệnh dại, chúng ta có thể đảm bảo việc loại bỏ các ca tử vong ở người vào năm 2030.

Các chương trình kiểm soát bệnh dại là một ví dụ điển hình cho việc vận hành chương trình Một sức khỏe thông qua việc xây dựng cấu trúc và niềm tin trong việc thiết lập các hệ thống giám sát đối với các bệnh lây truyền từ động vật sang người khác, bao gồm cả những bệnh dễ gây ra đại dịch. Việc đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng các loại dịch vụ y tế và điều trị phòng ngừa sau phơi nhiễm cho những cộng đồng chưa được cung cấp đầy đủ các dịch vụ này không chỉ cứu sống các bệnh nhân mà còn củng cố hệ thống y tế quốc gia.

Với Kế hoạch chiến lược toàn cầu “Zero by 30”, chúng ta có một mục tiêu chung nhằm loại bỏ hoàn toàn các ca tử vong do bệnh dại ở người vào năm 2030. Thế giới hiện nay đã có đủ các loại vaccine, thuốc, công cụ và công nghệ để phá vỡ vòng tròn luẩn quẩn của một trong những căn bệnh tồn tại lâu đời nhất.

“Cùng nhau đoàn kết, chúng ta có thể loại bỏ bệnh dại. Không bỏ ai lại phía sau”, chủ đề này nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của sự bình đẳng và củng cố hệ thống y tế tổng thể bằng cách đảm bảo rằng Một sức khỏe không phải chỉ dành cho một số ít mà luôn sẵn sàng cho tất cả mọi người. Bằng cách hợp tác và liên kết lực lượng giữa các ban ngành, thu hút sự tham gia của cộng đồng và cam kết duy trì việc tiêm phòng cho chó, chúng ta là một tập thể thống nhất cùng nhau hướng tới một mục tiêu là loại bỏ một căn bệnh để mang đến Một sức khỏe cho tất cả mọi người – trong đó trường hợp của bệnh dại là một ví dụ điển hình.

Tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại. (Nguồn: TTXVN)

Cam kết mạnh mẽ và khả năng tiếp cận công bằng

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết về một cam kết mạnh mẽ và hướng mục tiêu vào các lĩnh vực ưu tiên nhằm loại bỏ tử vong do bệnh dại vào năm 2030. “Chúng ta phải đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng với các dịch vụ y tế quan trọng, bao gồm điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm bệnh dại cho những cộng đồng chưa được cung cấp đầy đủ các dịch vụ này. Điều này sẽ giúp cứu sống các bệnh nhân”.

Tiến sĩ Pratt cũng nhắc lại rằng “sự phối hợp chặt chẽ giữa lĩnh vực thú y, sức khỏe con người và các lĩnh vực khác là rất quan trọng để đảm bảo việc quản lý chặt chẽ và hiệu quả các chương trình phòng ngừa và kiểm soát”.

Còn theo Tiến sĩ Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, chương trình Một sức khỏe “đang ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ chính trị quốc tế cấp cao như một giải pháp bền vững để chống lại các mối đe dọa, trong đó có bệnh dại".

Khẳng định tiêm phòng cho chó là biện pháp can thiệp đơn lẻ tiết kiệm chi phí nhất để bảo vệ con người khỏi mắc bệnh dại, Tiến sĩ Rémi Nono Womdim đánh giá: "Bằng cách hợp tác sử dụng phương pháp tiếp cận Một sức khỏe để tăng tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại ở động vật lên ít nhất 70%, chúng ta có thể ngăn chặn sự lây truyền bệnh dại sang người và đẩy nhanh tiến độ hướng tới mục tiêu đến năm 2030 không còn người tử vong vì bệnh dại tại Việt Nam".

Tiến sĩ Lindsay Kim, Giám đốc Chương trình An ninh y tế toàn cầu, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận Một sức khỏe và đảm bảo sự hỗ trợ của CDC trong các nỗ lực phòng chống bệnh dại.

“Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ cách tiếp cận Một sức khỏe, trong đó có sự gắn kết giữa con người, động vật và môi trường. CDC Hoa Kỳ tự hào hỗ trợ Việt Nam áp dụng phương pháp này nhằm loại bỏ tử vong do bệnh dại vào năm 2030". Hiện CDC Hoa Kỳ đang hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc biệt là Cục Thú y và các đối tác khác để xây dựng Hướng dẫn quốc gia về giám sát bệnh dại bằng cách sử dụng phương pháp tiếp cận Một sức khỏe.

Theo Tiến sĩ Myat Htoo Razak, Cố vấn An ninh y tế toàn cầu cấp cao, tổ chức USAID Việt Nam, “phòng ngừa và kiểm soát bệnh dại đòi hỏi phải có sự phối hợp đa ngành, đặc biệt là hệ thống thú y và y tế, cũng như sự tham gia tích cực cùng với cộng đồng nâng cao nhận thức về bệnh dại và tiêm phòng cho chó. Các cuộc vận động để đạt được cam kết chính trị mạnh mẽ và huy động nguồn lực tài chính cho công tác phòng chống bệnh dại cũng đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ tử vong ở người do bệnh dại”.

Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ trong 10 năm qua, Việt Nam tiếp tục ghi nhận có từ 70 đến 100 trường hợp tử vong do bệnh dại mỗi năm. Trong 8 tháng đầu năm 2023, đã có 61 trường hợp tử vong ở 26 tỉnh thành, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù số ca tử vong do bệnh dại ở một số tỉnh đã giảm đáng kể, chỉ số này vẫn tăng ở 20 tỉnh trong giai đoạn 5 năm từ 2017 đến 2021, so với giai đoạn từ năm 2011 đến 2016. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải rút ra bài học kinh nghiệm và cần có sự hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương để đảm bảo giảm tỷ lệ tử vong trong thời gian tới.

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại năm 2023, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai với sự hỗ trợ của các tổ chức FAO, WHO, CDC Hoa Kỳ, USAID và các tổ chức khác tổ chức hội nghị quốc gia và lễ mít tinh tại tỉnh Gia Lai vào ngày 27-28/9 để nêu bật cam kết chung về mục tiêu “Đến năm 2030 không còn người tử vong vì bệnh dại”, đánh giá kết quả của Chương trình quốc gia về Phòng chống bệnh dại tại Việt Nam và thảo luận về các cơ hội hỗ trợ tăng cường tiêm chủng cho chó.

Chính phủ Việt Nam cam kết đạt được mục tiêu đến năm 2030 loại bỏ các ca tử vong ở người do bệnh dại bằng cách đổi mới Chương trình quốc gia về kiểm soát và loại trừ bệnh dại giai đoạn 2022–2030. Các tổ chức WHO, FAO, USAID và CDC Hoa Kỳ tái khẳng định tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển các chính sách và cơ chế thiết yếu nhằm giảm tỷ lệ tử vong do bệnh dại; khuyến khích Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là ở cấp địa phương, ưu tiên và tăng cường nguồn lực cho việc quản lý đàn chó, tiêm phòng cho chó và cung cấp các biện pháp dự phòng sau phơi nhiễm cho những người bị chó cắn.

Nguyễn Hoàng