Nghịch lý đội ngũ 'trọng tài' phim

Nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế TP Hồ Chí Minh 2024 (HIFF), cuộc thi “Phê bình phim trẻ” được coi là sân chơi hiếm hoi dành cho lĩnh vực phê bình điện ảnh ở Việt Nam. Đại diện Ban tổ chức cho biết cuộc thi này nhằm tạo điều kiện cho các bạn trẻ từ 18 đến 30 tuổi có cơ hội thể hiện sự sáng tạo và bày tỏ quan điểm mới mẻ về điện ảnh.

Với cách thức tham gia đơn giản, Ban tổ chức đã nhận hàng trăm bài phê bình về loạt bộ phim nổi tiếng của Việt Nam và quốc tế. Chung cuộc, 10 bài phê bình ấn tượng nhất được vinh danh gồm: "Monster - Quái vật trong và ngoài lằn ranh” của tác giả Lê Võ Châu Anh; “Bên trong vỏ kén vàng: Điện ảnh chậm cho một nhân gian vội vã” của Quốc Trần, “The Little Mermaid - Khi tiếng hát ngọt ngào của nàng tiên cá bị lu mờ” của PM…

Các nhà phê bình trẻ có cơ hội gặp gỡ nhà làm phim tên tuổi và "cầm cân nảy mực" tại Liên hoan phim quốc tế TP Hồ Chí Minh 2024.

Ngoài cơ hội học hỏi, giao lưu với các nhà làm phim nổi tiếng, 10 nhà phê bình trẻ xuất sắc còn có cơ hội trở thành thành viên hội đồng giám khảo cho một giải thưởng đặc biệt của HIFF 2024 mang tên “Giải thưởng của nhà phê bình trẻ - Young Critic Award”. Giải thưởng này bao gồm hai hạng mục: “Phim Đông Nam Á” và “Phim đầu tay”.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, đại diện Ban giám khảo đánh giá: “Các bạn trẻ cho thấy khả năng cảm thụ điện ảnh sâu sắc, vốn kiến thức nghệ thuật dày dặn và soi chiếu bằng góc nhìn cá nhân độc đáo, mới mẻ. Cộng đồng nhà phê bình trẻ đóng vai trò rất quan trọng trong một liên hoan phim. Bởi nhờ họ, các tác phẩm điện ảnh sẽ có thêm cơ hội tiếp cận khán giả, được lan tỏa và thảo luận nhiều hơn”.

Sự phát triển như vũ bão của thị trường điện ảnh Việt Nam đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhà phê bình trẻ “dụng võ”. Giấc mơ về những bộ phim cán mốc ngàn tỉ, vươn ra chinh phục bạn bè thế giới hay được vinh danh ở các liên hoan phim danh giá… không còn là giấc mộng xa vời. Vinh dự ngồi vào ghế giám khảo ở HIFF được coi là bàn đạp để những nhà phê bình trẻ thể hiện mình và nắm bắt cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Mục tiêu Ban tổ chức cuộc thi hướng tới không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm và tôn vinh các tài năng phê bình phim, cổ vũ những góc nhìn mới, gu thưởng thức mới mà còn góp phần nâng cao tiếng nói của các nhà phê bình trong ngành điện ảnh Việt Nam.

Theo các nhà chuyên môn, có ba tiêu chí cơ bản để trở thành một nhà phê bình. Trước hết, anh phải có kỹ năng viết tốt. Thứ hai, trình độ cảm thụ và kiến thức về nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng cũng tương đồng với kỹ năng viết. Và cuối cùng, chắc chắn anh phải là “mọt phim” đúng nghĩa. Hiểu sâu sắc nội hàm của bộ phim nên nhà phê bình được ví như “trọng tài”, người “cầm cân nảy mực” để nền điện ảnh phát triển đúng hướng, nâng cao trình độ thưởng thức của công chúng, giúp nhà làm phim nhìn thấy điểm hạn chế cũng như phát huy thế mạnh ở các tác phẩm.

Tuy vậy, trong khi nền điện ảnh Việt như gã khổng lồ thức giấc thì lực lượng phê bình hiện tại vẫn như những chú lính chì tí hon. Theo nhà phê bình Lê Hồng Lâm, phê bình điện ảnh có hai dạng: phê bình báo chí và phê bình hàn lâm. Phê bình báo chí là các bài bình luận, điểm phim trên báo giấy, tạp chí, các phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Nhà báo xếp hạng những bộ phim, nêu ý kiến cá nhân và định hướng cho khán giả. Nếu phê bình báo chí mang tính nhanh nhạy, ngắn gọn, trực tiếp thì phê bình hàn lâm là những bài phê bình chuyên sâu, có tính học thuật, phục vụ cho mục đích nghiên cứu hay giảng dạy. Nhà phê bình Lê Hồng Lâm thừa nhận: “Ở nước ta, phê bình học thuật hơi yếu trong khi phê bình báo chí khá mạnh. Bản thân tôi cũng mạnh về phê bình báo chí hơn là phê bình học thuật”.

Hiện nay số nhà phê bình chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản vô cùng khan hiếm. Số sinh viên thi vào khoa lý luận - phê bình tại các trường sân khấu - điện ảnh quá ít ỏi, thậm chí không đủ chỉ tiêu để mở lớp. Dù được coi là nghề có cơ hội nghề nghiệp rộng mở nhưng thực tế không phải ai cũng dễ dàng đi đường dài với phê bình điện ảnh. Anh phải có góc nhìn sắc sảo, không ngại va chạm và phong cách cá nhân độc đáo thì mới mong trụ lại với nghề. Số nhà phê bình tên tuổi, có tiếng nói chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa phần họ đều là dân ngoại đạo, tay ngang. Xuất phát điểm là nhà văn, nhà báo hay nhà nghiên cứu văn hóa, họ dần trở thành cây bút phê bình điện ảnh uy tín bởi niềm đam mê dành cho môn nghệ thuật thứ bảy.

Một số bài viết tham gia cuộc thi "Phê bình phim trẻ".

Trong khi đó, số lượng nhà phê bình tự xưng trên mạng xã hội đầy rẫy. Nhà phê bình Lê Hồng Lâm cho rằng: “Hiện tượng nở rộ các bài phê bình điện ảnh trên mạng xã hội là điều tất yếu bởi ai cũng có quyền bày tỏ ý kiến sau khi xem xong một bộ phim. Chúng ta nên tôn trọng vì nhờ những ý kiến khen chê đa dạng giúp khán giả có nhiều góc nhìn để tham khảo, giúp cho môi trường điện ảnh Việt Nam tốt lên. Từ sự đa dạng đó, chắc chắn sẽ nổi lên những bài phê bình tinh hoa, chọn lọc. Chỉ có điều, tôi nghĩ nếu gọi những người này là reviewer (người đánh giá, nhận xét phim) thì đúng hơn vì nếu là nhà phê bình thì đòi hỏi anh phải có kiến thức chuyên môn rất sâu, có quá trình làm nghề hoặc được công chúng tin tưởng, tôn trọng. Dù khen chê thế nào thì điều tối kỵ khi phê bình phim là kiểu bè phái, đánh tráo khái niệm, đánh dưới thắt lưng, ngụy biện, hằn thù cá nhân…”.

Nhìn lại cuộc bút chiến xoay quanh bộ phim “Đất rừng phương Nam”, “Người vợ cuối cùng”, “578: Phát đạn của kẻ điên”… những bài phê bình giàu tính chuyên môn hoàn toàn lép vế trước số bài viết mang tính công kích, mạt sát cá nhân, bới lông tìm vết… tràn ngập khắp cõi mạng. Thậm chí, nhiều khán giả không xem phim, nhưng vẫn “phán” như đúng rồi. Chứng kiến “Đất rừng phương Nam” - đứa con tinh thần của mình bị “ném đá” tơi tả, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng thốt lên rằng: “Có rất nhiều người công kích phim, thậm chí họ thóa mạ. Tôi có đọc hết và tôi thấy rất nhiều, có thể nói là đa phần những người cực đoan đó là chưa xem phim”. Kiểu phê bình hòng giết chết bộ phim vẫn xuất hiện nhan nhản và trở thành vấn nạn nhức nhối của làng điện ảnh. Đòn đau cuối cùng chính nhà làm phim phải gánh chịu với tổn thất nặng nề về doanh thu lẫn uy tín.

TS Ngô Phương Lan, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận - phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng so với hàng triệu người trên mạng xã hội cùng hùa vào “bắt nạt” phim, so với hàng trăm bài báo viết về điện ảnh thì tiếng nói của nhà phê bình đúng nghĩa quá đơn độc. Giữa bão tố dư luận, lực lượng quá mỏng của các nhà phê bình khiến ngòi bút của họ dù công tâm, giàu học thuật nhưng không đủ lực để xoay chuyển tình thế. “Chúng tôi cần một diễn đàn lớn để làm điều này cũng như cần sự vào cuộc của nhiều người với tư cách là nhà phê bình điện ảnh chuyên nghiệp” - bà nhấn mạnh.

Thực trạng đáng buồn trên cho thấy việc đưa “Giải thưởng của nhà phê bình trẻ” vào khung giải thưởng chính thức của một sự kiện điện ảnh quy mô, tầm vóc như Liên hoan phim quốc tế TP Hồ Chí Minh 2024 là cấp thiết như thế nào. Đây là tín hiệu đáng mừng và là tiền đề quan trọng để các liên hoan, giải thưởng điện ảnh sắp tới học hỏi để ngành lý luận - phê bình có cơ hội cất tiếng nói, phát huy vai trò định hướng, thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam cất cánh.