Nguy cơ mắc bệnh hô hấp vì xịt nước hoa không đúng cách

1. Vì sao nước hoa có thể gây hại đường hô hấp?

Nước hoa thông thường được làm từ hương liệu tự nhiên và các thành phần khác. Hầu hết các loại nước hoa chất lượng đều được chiết xuất từ thực vật tự nhiên nguyên chất, có hương thơm tinh khiết và ít gây hại cho cơ thể.

Ngược lại mùi thơm nồng và hăng của nước hoa tổng hợp hóa học phần lớn là do các hợp chất làm thơm nhân tạo. Mặc dù mô phỏng hương thơm của hoa tự nhiên nhưng nồng độ của các phân tử hương thơm nhân tạo vượt xa nồng độ tiết ra từ hương hoa tự nhiên. Càng có nhiều hương liệu nhân tạo thì tác hại đối với cơ thể con người càng lớn.

Phụ nữ có thể không trang điểm, nhưng nhất định phải xức nước hoa.

Nghiên cứu đã xác nhận rằng việc tiếp xúc thường xuyên với các chất dễ bay hơi có mùi thơm sẽ gây ra các mức độ kích ứng khác nhau đối với các cơ quan của con người, đặc biệt là đường hô hấp, da và hệ thần kinh trung ương, đồng thời có thể gây dị ứng da, hen suyễn, chóng mặt, tức ngực, khó thở và các triệu chứng khác.

Hương thơm nồng lâu dài sẽ kích thích mạnh khứu giác, thậm chí gây khó chịu, nguyên nhân là do các thành phần hóa học của nước hoa được hấp thụ qua miệng, mũi, da và tác động qua máu, khiến những người có thể trạng nhạy cảm bị khó chịu, nhức đầu, hắt hơi, chảy nước mắt, chóng mặt và tức ngực.

Nước hoa có tác động lớn hơn đối với những bệnh nhân mắc bệnh phổi mạn tính, đặc biệt là bệnh hen suyễn. Bệnh hen suyễn nếu không được kiểm soát tốt sẽ dễ tái phát, trường hợp nặng có thể dẫn đến suy hô hấp, thậm chí tử vong.

Ngoài việc sử dụng thuốc điều trị hen suyễn thì việc giảm tiếp xúc với các tác nhân gây hen suyễn là chìa khóa để kiểm soát ổn định bệnh, Vì vậy, người bệnh nên chú ý tránh các chất làm thơm nhân tạo và các chất kích thích khác.

Hơn nữa để lưu hương lâu, nhiều loại nước hoa bổ sung thành phần phthalate (DEHP). Phthalate thực chất là một họ các chất hóa học bao gồm hơn 10 hợp chất cụ thể và không phải tất cả các phthalate đều bị cấm. Tuy nhiên DBP, BBP và DEHP là chất có khả năng gây ung thư, có thể nói lưu hương càng lâu thì tác hại càng lớn.

Người bị hen suyễn cần hạn chế tiếp xúc với các chất làm thơm nhân tạo có trong nước hoa.

2. Lưu ý để sử dụng nước hoa an toàn

- Không chọn nước hoa có chứa nhiều nguyên liệu tổng hợp hóa học: Chất lượng nước hoa là quan trọng nhất, không nên chọn nước hoa có chứa nhiều hương liệu nhân tạo. Là nguyên liệu chính làm nước hoa nên độ tinh khiết của ethanol cũng đặc biệt quan trọng, đặc biệt không được chứa metanol và asen, nếu không sẽ gây hại cho cơ thể. Đồng thời, cũng cần chú ý kiểm tra xem mỹ phẩm có nhãn hiệu, ngày sản xuất, tên công ty sản xuất và số giấy phép hay không.

- Thận trọng khi sử dụng: Nước hoa không phù hợp với nhiều người, như người bị dị ứng, hen suyễn, viêm da, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, trẻ em và những người có thể chất nhạy cảm tốt nhất không nên dùng.

- Sử dụng nước hoa đúng cách: Không xịt lên những bộ phận cơ thể có thể tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, sau khi xịt nước hoa, tránh phơi nắng. Một số nguyên liệu trong nước hoa được chiết xuất từ thực vật tự nhiên có thể kết hợp với tia cực tím trong ánh sáng mặt trời và gây ra phản ứng quang hóa, gây viêm da hoặc dị ứng.

Ngoài ra, việc xức nước hoa lên mặt sẽ đẩy nhanh quá trình lão hóa da mặt và làm suy yếu độ đàn hồi của da. Tốt nhất nên xịt lên quần áo như cổ áo và bên trong váy, hoặc xịt vào những nơi gần mạch đập như cổ tay, sau tai, hai bên cổ, đầu gối và mắt cá chân.

Cố gắng sử dụng nước hoa trong vòng một năm sau khi mở nắp.

DS. Nguyễn Thị Mến