Phía sau quy định VĐV nữ phải nhảy múa mềm mại trên nền nhạc

Trong bộ môn thi đấu thể dục dụng cụ ở Olympic, người xem có thể không để ý đến sự khác biệt ở hai nội dung nam và nữ.

Trong khi các VĐV nữ thi đấu trên nền nhạc chuẩn bị sẵn, các VĐV nam lại lấy đà, bật nhảy, nhào lộn trong im lặng.

Nguyên nhân đằng sau đến từ kỳ thế vận hội tổ chức từ gần 1 thế kỷ trước, theo CNN.

Môn thể thao dụng cụ được đưa vào nội dung thi đấu Olympic từ cuối thế kỷ 19. Ảnh: Reuters.

Kỳ vọng dựa trên giới tính

Năm 1896, các VĐV thể dục dụng cụ nam lần đầu tiên tranh tài tại thế vận hội. Thể dục dụng cụ nữ được đưa vào danh sách thi đấu vào năm 1928, sau gần 3 thập kỷ.

Ban đầu, môn thể thao này vốn thiết kế riêng cho đàn ông và mang sự nam tính nhiều hơn.

Vì vậy, khi chúng được phát triển cho cả nữ giới, những người tổ chức đã điều chỉnh lại để "phù hợp hơn", theo Georgia Cervin, một cựu VĐV thể dục quốc tế kiêm tác giả cuốn Degrees of Difficulty: How Women's Gymnastics Rose to Prominence and Fell from Grace.

Tiêu chuẩn và đánh giá ở hai nội dung vì thế có sự khác biệt.

"Với nữ giới, họ cần thể hiện các động tác mềm mại, nhịp nhàng, uyển chuyển nhằm phô diễn vẻ đẹp và sự linh hoạt. Còn phần thi đấu của các nam VĐV lại cần nhấn mạnh vào sự rắn rỏi, mạnh mẽ. Đó là lý do chỉ có các cô gái biểu diễn trên nền nhạc".

Khung cảnh thi đấu môn thể dục dụng cụ nữ tại thế vận hội năm 1928. Ảnh: History.

Nói cách khác, các nữ VĐV được kỳ vọng không chỉ có động tác đẹp, mà còn nhảy đúng theo âm nhạc. Hơn nữa, phần thi của họ có độ dài 90 giây, lâu hơn các VĐV nam 20 giây, với âm nhạc xuyên suốt.

Vì điểm số gắn liền với vũ đạo, họ sẽ bị trừ điểm nếu hoàn thành bài thi của mình trước hoặc sau khi phần âm nhạc kết thúc.

Jason Woodnick, phó chủ tịch chương trình thể dục dụng cụ Mỹ, cho biết các giám khảo chấm điểm cho các VĐV nữ về tính nghệ thuật, âm nhạc và vũ đạo, trong khi lại chủ yếu quan tâm kỹ năng nhào lộn ở nội dung còn lại.

Thí sinh nam cũng không được khuyến khích mang thêm yếu tố nghệ thuật vào phần biểu diễn.

Lindsey Ayotte, nữ HLV thể dục dụng cụ tại Đại học New Hampshire (Mỹ), cho biết: “Đối với nam giới, âm nhạc không cần thiết vì không có bất kỳ tính khiêu vũ nào trong bài thi của họ. Các động tác chủ yếu là nhào lộn trên cao".

Các VĐV thể dục dụng cụ nữ có thể bị trừ điểm nếu phần thi của họ kết thúc trước hoặc sau khi phần âm nhạc kết thúc. Ảnh: CNN.

Quan niệm đã cũ

"Từ những năm 1910 đến 1960, tập thể dục mạnh được coi là không tốt cho phụ nữ và sức khỏe sinh sản của họ", Jane Rogers, người phụ trách tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Mỹ, cho biết.

“Ngay cả các bác sĩ cũng cho rằng tập luyện vất vả có hại cho cơ thể vì phụ nữ nên dành nhiều thời gian hoàn thành nhiệm vụ làm vợ, làm mẹ. Vận động mạnh dễ khiến họ gặp chấn thương và không thể làm việc nhà".

Dù hiện nay, thể lực của các nữ VĐV đã tiến bộ hơn rất nhiều và nhiều lúc thành tích của họ vượt qua nam giới, yếu tố âm nhạc vẫn là thành phần bắt buộc trong bài dự thi.

Vào thập niên 1960, quy tắc đặt ra chỉ được phép sử dụng 1 loại nhạc cụ, vì vậy các đội thường đưa nghệ sĩ piano trực tiếp đến biểu diễn nhạc.

Đến những năm 1980, đài cassette đi vào sử dụng, mở rộng các loại hình âm nhạc mà VĐV có thể dùng trong phần thi.

Tuy nhiên, vẫn có một quy tắc giữ nguyên sau nhiều năm: Phần nhạc không được chứa lời.

"Lời bài hát chưa bao giờ được phép sử dụng. Đó là lý do chúng ta không thấy các VĐV thể dục nhảy theo các bài hát nổi tiếng. Nếu có, chúng cũng chỉ được sử dụng phần nhạc".

Các VĐV nam bị áp đặt tiêu chuẩn đánh giá phô trương thể lực, độ nam tính, không cần tính nghệ thuật.

Mark Williams, HLV trưởng bộ môn thể dục dụng cụ nam tại Đại học Oklahoma (Mỹ), bày tỏ quan điểm rằng các động tác của nam giới tập trung vào phần trên của cơ thể, trong khi trọng tâm của phái nữ dồn vào đôi chân và kỹ thuật di chuyển.

Tuy nhiên, nhiều người tin rằng đã đến lúc loại bỏ quy tắc cũ.

Kỳ thế vận hội này, đội thể dục dụng cụ nữ Đức đã từ chối mặc những bộ đồng phục bó sát, hở nguyên đôi chân để ủng hộ việc chống lại nạn "tình dục hóa" các VĐV nữ.

Theo nữ HLV Ayotte, hiện nay không có nhiều điệu nhảy mang tính nghệ thuật trong bài thi ở nội dung nữ, thay vào đó là các động tác phô diễn sự mãnh mẽ hơn.

"Vẫn còn những điệu nhảy trong thể dục dụng cụ nữ mà bạn không thấy ở nam giới, nhưng hiện có rất nhiều cô gái đang thực hiện các động tác lộn nhào ở cấp độ cao hơn", cô nói.

Ví dụ, VĐV Simone Biles của đội tuyển Mỹ đang vượt qua ranh giới và thu hẹp khoảng cách với các đồng nghiệp nam.

Biles sở hữu động tác sở trường, bao gồm cú xoay ngược ba vòng, lộn 2 vòng trên không trung trước khi tiếp đất.

Theo Williams, HLV tại Đại học Oklahoma, Biles đang làm những điều mà nam giới cũng chưa thể làm được.

"Ngoài độ khó của các động tác, Biles vẫn trình diễn tốt, đáp ứng các tiêu chí ở nội dung nữ: nhảy đẹp, bắt đúng nhịp và thường xuyên giữ vẻ mặt tươi tắn".

Về phía Georgia Cervin, cô cho biết muốn thấy "kỳ vọng về giới tính" bị loại bỏ để môn thể thao này toàn diện và tiến bộ hơn.

Bằng cách đó, đàn ông có thể nhảy trên nền nhạc nếu họ muốn và phụ nữ cũng có thể chọn biểu diễn trong im lặng.

Hiền Thy