Phim cổ trang Việt: 'sạn' nhiều như nấm sau mưa

Điện ảnh Việt cũng không đứng ngoài xu thế ấy, tuy nhiên, để dòng phim này thành công vẫn là một “bài toán” khó và thách thức không nhỏ đối với các nhà làm phim nước ta hiện nay.

Khó trăm bề

Phim truyền hình cổ trang “made in Việt Nam” Duyên tiên tiền định đã chính thức khép lại vào ngày 15.3, thế nhưng những ý kiến trái chiều về phim vẫn tiếp diễn sôi nổi trên các diễn đàn, trang mạng.

Bộ phim truyền hình Duyên tiên tiền định bị khán giả chê khâu kỹ xảo, bối cảnh

Trước đó, phim được đánh giá cao về kịch bản sáng tạo cũng như diễn xuất của dàn diễn viên và đã nhiều lần dẫn đầu danh sách top 10 chương trình được xem nhiều nhất cả nước do Kantar Media thống kê. Thế nhưng, bên cạnh những ưu điểm như nội dung hài hước, tình tiết thú vị, diễn xuất tốt, nhạc phim hay, thì “hạt sạn” lớn nhất vẫn nằm ở khâu kỹ xảo và hóa trang. “Kỹ xảo thua cả phim cổ tích làm từ 10 năm trước”; “Phần râu tóc của Phạm Trung lúc làm quan giám mã trông quá giả trân”; “Nhìn qua đã thấy giả, cảnh trí đều là hình vẽ”; “Giống như đang xem hoạt hình”… là những ý kiến nhận xét về khâu kỹ xảo quá yếu kém của Duyên tiên tiền định.

Đạo diễn Bùi Ngọc Nam Phương cho rằng, các ý kiến trên đều đúng, nhưng với mức kinh phí hạn hẹp, việc chọn thực hiện những tác phẩm thuộc thể loại tâm lý gia đình thì sẽ vừa sức, còn với thể loại cổ trang, kinh phí quá ít thì khó có thể làm hài lòng khán giả.

Trước đó, nhiều phim cổ trang Việt cũng không thoát khỏi cảnh “sạn” nhiều như nấm mọc sau mưa. Có thể kể đến Huyền sử Vua Đinh chỉ thu về được vỏn vẹn có 42 triệu đồng sau 10 ngày công chiếu tại rạp vào năm 2022. Đây là mức doanh thu thấp nhất lịch sử điện ảnh Việt, phim thiếu chỉn chu từ khâu trang phục không chuẩn cho đến đạo cụ quá sơ sài.

Chỉ với một cảnh quay, khán giả đã phát hiện ra hàng loạt chi tiết không hợp lý như lính nhuộm tóc đỏ, những ngôi nhà hiện đại, cột điện xuất hiện ở phía xa… Thậm chí, ở thời điểm ra mắt, nhiều người còn phê phán đạo diễn đã không tôn trọng công chúng khi mang một bộ phim đầy “sạn” ra rạp.

Còn với Phượng Khấu, dù được nhiều điểm cộng từ trang phục, nhưng nhiều cảnh phim lại nhận về không ít ý kiến trái chiều, ví dụ như chi tiết vô lý: Từ bên ngoài có thể thấy cả trăm quan đại thần, thế nhưng từ trong điện Càn Thành nhìn ra thì bên ngoài không một bóng người… Hay phim cổ trang Mỹ nhân kế để lọt vào khung hình chiếc tàu biển hiện đại trong một cảnh quay, còn phần phục trang thì quá “thiếu vải”…

Phim cổ trang Việt tạo được dấu ấn trong lòng công chúng có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay, như: Đêm hội Long Trì, Long thành cầm giả ca, Lửa cháy thành Đại La, Thăng Long đệ nhất kiếm, Thiên mệnh anh hùng…, còn những cái tên “ngã ngựa” thì không sao đếm xuể.

… nhưng cũng là cơ hội

Rõ ràng, phim cổ trang luôn có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với khán giả, thế nhưng các nhà làm phim lại khá e ngại khi dòng phim này “ngốn” kinh phí rất cao, lại phải kỹ lưỡng, chỉn chu và đặc biệt dễ vấp phải sự soi xét, đánh giá của công chúng. Có một thực tế rằng, phim cổ trang đã và đang giúp điện ảnh nhiều nước châu Á có được “bom tấn” công phá màn bạc lẫn truyền hình, còn ở Việt Nam, dòng phim này chỉ xuất hiện nhỏ lẻ, non kém và thua lỗ gần như cầm chắc trong tay.

Khó khăn đầu tiên phải nhắc đến đó là nguồn kinh phí. Dù nước ta có nhân lực tài năng và hoàn toàn có khả năng làm tốt phim cổ trang, nhưng lại không thể khả thi vì thiếu kinh phí đầu tư. Chính vì thế, đa phần sự thành công đều xuất phát từ phim điện ảnh với nguồn vốn độc lập, còn với phim truyền hình thì vẫn là “dấu chấm hỏi”. Đơn cử như với tác phẩm lấy bối cảnh hiện đại, các nhà làm phim dễ dàng tìm kiếm địa điểm quay, trong khi đó, để làm về thời xưa, ê kíp phải tự xây dựng, tự thiết kế, phục dựng sao cho đúng với bối cảnh từng giai đoạn lịch sử. Song song đó, khâu trang phục cũng vô cùng phức tạp và tốn kém. Chính vì thế, công đoạn nghiên cứu lịch sử và văn hóa phù hợp với thời kỳ mà phim lựa chọn là vô cùng quan trọng. Bên cạnh việc nghiên cứu thì nguồn kinh phí để cho ra những bối cảnh, trang phục đẹp và dĩ nhiên là phải đúng sẽ vô cùng đắt đỏ, tốn kém.

Trên thực tế, những tác phẩm cổ trang gần đây của điện ảnh Việt đều cho thấy các đạo diễn rất coi trọng đầu tư mảng thiết kế mỹ thuật và phục trang. Các hạt “sạn” to đùng về mặt hình ảnh khiến khán giả phải “lắc đầu ngao ngán” cũng đã ít hơn trước. Thế nhưng, nhiều tác phẩm dù được tạo hình bắt mắt cũng vẫn bị chê về tính chính xác, thậm chí bị nhận xét là “lai căng”, tiêu biểu có thể kể đến Kiều của đạo diễn Mai Thu Huyền với những bộ váy áo diêm dúa, cách tân quá đà; Quỳnh Hoa nhất dạ dù chưa ra mắt nhưng cũng đã nhận về hàng loạt nhận xét tiêu cực ngay sau khi công bố những hình ảnh quảng bá đầu tiên… Cùng với đó, việc tìm kiếm diễn viên phù hợp cho thể loại cổ trang cũng là điểm trừ cho các đoàn làm phim.

Đặc biệt hơn, mỗi khi ra mắt, các bộ phim cổ trang cũng thường xuyên đi kèm với hàng loạt tranh cãi, soi xét khắt khe về sử liệu. Vốn dĩ, thể loại phim này không phải ra đời để nhằm mục đích tái hiện chính xác nhất những câu chuyện thời xa xưa của cha ông, thế nhưng để chinh phục được khán giả, ê kíp sản xuất cũng phải cân bằng được việc tôn trọng lịch sử và sáng tạo nghệ thuật, để những câu chuyện quá khứ trở nên hấp dẫn, gần gũi hơn với công chúng đương đại.

Dẫu thách thức là thế, nhưng phim cổ trang cũng mang lại cơ hội lớn cho các nhà làm phim. Nếu được thực hiện tốt, họ có thể tạo ra những tác phẩm độc đáo và ấn tượng. Cùng với đó, việc khai thác chất liệu lịch sử còn giúp kể lại những câu chuyện truyền cảm hứng của Việt Nam cho khán giả trong nước và quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh điện ảnh đang thiếu hụt nguồn kịch bản gốc chất lượng, thì việc sử dụng các chất liệu lịch sử, văn học nước nhà để làm phim sẽ là hướng đi hay nếu đơn vị sản xuất biết “liệu cơm gắp mắm”.

Bá Trường/baovanhoa.vn