Ngọt ngào bánh mật

Miếng bánh mật ngọt ngào hấp dẫn thực khách.

Bánh mật hay còn gọi là "thàng cao". Trong tiếng Nùng, "thàng cao" cũng có nghĩa là bánh đường (bánh mật) vì nguyên liệu chính để làm bánh chủ yếu là đường phên - một trong những sản phẩm thủ công truyền thống được làm từ cây mía.Ở mỗi vùng miền khác nhau, món bánh này lại có những điểm khác biệt về nguyên liệu, cách chế biến và cả màu sắc, hương vị.

Ngày xưa, bánh mật được xem là món bánh truyền thống và là món ăn dân dã gắn liền với tuổi thơ của biết bao người. Loại bánh có màu nâu đỏ, vị ngọt thanh của đường mía, bùi của vừng và dẻo của bột gạo nếp tạo nên hương vị rất riêng, không thể thiếu ở mỗi phiên chợ quê. Bánh mật thường được bày bán nhiều tại các phiên chợ vùng cao của các huyện miền Đông như: Quảng Uyên, Trùng Khánh, Phục Hòa, Hạ Lang...

Nguyên liệu sản xuất bánh mật gồm: bột gạo nếp, đường đỏ, vừng. Sau khi chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu, đòi hỏi người chế biến phải có kinh nghiệm để các nguyên liệu hòa quyện vào nhau tạo thành chiếc bánh dẻo thơm, đẹp mắt. Đầu tiên, gạo nếp ngâm với nước sạch, sau đó xát thành bột, để khô, đến khi bột nếp se mặt thì trộn bột với đường đỏ theo tỷ lệ 2 kg bột, 3 kg đường rồi nhào nặn đều tay cho đến khi bột và đường quyện lại với nhau có màu vàng nhạt. Phần đường bao giờ cũng nhiều hơn phần bột để bánh có vị ngọt thanh. Sau khi ủ bánh thì bột được đổ ra khay lớn đã được đệm một lớp lá chuối hoặc lá dong để khi hấp chín bánh sẽ không dính khuôn. Hấp khoảng 30 phút đến 1 tiếng (tùy khay bánh) thì mang bánh ra, người thợ nhanh tay rắc thêm vừng trắng lên khuôn bánh để tăng tính thẩm mĩ và vị thơm bùi. Bánh không có nhân nhưng càng nhai càng cảm nhận được vị thơm, ngọt, dẻo, bùi, không bị ngọt gắt, có thể ăn no mà không thấy ngán.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, du khách đến từ Hưng Yên chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi đến tham quan Cao Bằng và được trải nghiệm ẩm thực độc đáo tại chợ phiên nơi đây. Tôi ấn tượng với món bánh mật vì màu sắc của bánh bắt mắt, vị ngọt thanh, thơm mùi gạo nếp và vừng.

Để có những mẻ bánh mật thơm ngon, người làm bánh phải tỉ mỉ, kỳ công chuẩn bị từ đêm hôm trước, rồi sáng hôm sau hấp bánh sớm mang bánh ra chợ bán. Bánh có thể nguyên khay tròn trịa như mặt trăng, hoặc cắt miếng nhỏ hình chữ nhật chứa trong hộp nhựa trong, mỗi hộp có giá 25.000 đồng/hộp, ngoài ra tại các phiên chợ còn bán giá từ 10 - 50 nghìn đồng hoặc hơn nữa, tùy theo kích thước bánh.

Để bảo quản bánh mật được lâu và giữ được độ mềm dẻo, thơm ngon của bánh, sau khi mua về cần bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.

Hương Sen