Phim lịch sử rục rịch tái xuất màn ảnh

1. Bộ phim "Hồng Hà nữ sĩ" (biên kịch: Nguyễn Thị Hồng Ngát, đạo diễn: NSƯT Nguyễn Đức Việt) là dự án điện ảnh thứ 2 (sau "Đào, Phở, Piano") được Nhà nước đặt hàng trong năm 2022. Bộ phim là câu chuyện về cuộc đời nữ sĩ tài hoa quê xứ nhãn Hưng Yên Đoàn Thị Điểm xinh đẹp, đoan trang, hiếu thảo. Là một phụ nữ giỏi văn chương, thạo nữ công gia chánh nhưng khi cha mất, Đoàn Thị Điểm đã gác lại giấc mộng văn chương, rời chốn kinh kỳ về quê làm nghề bốc thuốc chăm lo cho gia đình.

Tạo hình vai nữ sĩ Đoàn Thị Điểm của Anh Đào trong phim “Hồng Hà nữ sĩ”.

Ba mươi tuổi, bà gặp và kết hôn với Tiến sĩ Nguyễn Kiều khi ấy đã qua một đời vợ và có con riêng. Khi chồng đi sứ ở Trung Quốc, Đoàn Thị Điểm ở nhà chăm sóc và nuôi dạy con riêng của chồng. Cũng chính trong thời gian này, tác phẩm dịch "Chinh phụ ngâm" đã ra đời.

Trên đường theo chồng vào làm Tổng trấn vùng Nghệ An, bà đã bị ốm và qua đời khi mới 43 tuổi. Dù sống cuộc đời ngắn ngủi nhưng nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã để lại thành tựu xuất sắc ở lĩnh vực văn chương với tác phẩm "Chinh phụ ngâm" dịch từ chữ Hán ra chữ Nôm và một số cuốn sách quý cùng sự đức độ, cao quý trong cuộc sống, tính cách.

Theo nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, ngoài câu chuyện cuộc đời, câu chuyện văn chương, bộ phim còn khai thác tình bạn tri kỷ giữa Đoàn Thị Điểm và Đặng Trần Côn. Là bạn văn chương Đặng Trần Côn kém Đoàn Thị Điểm 5 tuổi, cùng ngưỡng mộ tài năng nhân cách của nhau.

Tuyến nhân vật chính của "Hồng Hà nữ sĩ" gồm 5 nhân vật là Đoàn Thị Điểm, Đặng Trần Côn, Nguyễn Kiều và vợ chồng quan thượng thư Lê Anh Tuấn. Sau quá trình casting kỹ càng, diễn viên Anh Đào đã được "chọn mặt gửi vàng" cho vai Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Quốc Toàn vai Đặng Trần Côn, NSƯT Vĩnh Xương vai Nguyễn Kiều và NSND Trung Anh cùng NSND Lê Khanh vào vai vợ chồng quan thượng thư.

Như vậy, ngoài ba nghệ sĩ nổi tiếng khá quen thuộc với khán giả cả nước thì 2 diễn viên đảm nhận vai Đoàn Thị Điểm và Đặng Trần Côn đều là những gương mặt khá mới. Anh Đào là diễn viên thuộc Nhà hát Kịch Việt Nam, người vừa gây ấn tượng với khán giả qua một số phim truyền hình "Lối về miền hoa", "Đấu trí". Giống như Quốc Toàn, đây cũng là lần đầu tiên Anh Đào tham gia đóng phim điện ảnh.

Tái hiện cuộc đời thăng trầm của một nữ sĩ tài hoa, những người làm phim mong muốn chuyển tải thông điệp nhân văn về những giá trị đạo đức chuẩn mực của người Việt trong bối cảnh xã hội Việt Nam 300 năm trước. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát hy vọng, trong hoàn cảnh xã hội hiện đại với một số giá trị đạo đức đang tồn tại vấn đề đáng báo động thì hình tượng nhân vật với lòng hiếu thảo, đức hy sinh… sẽ mang lại những bài học, suy ngẫm cho thế hệ trẻ. Được biết, bối cảnh chính của phim được quay tại các tỉnh đồng bằng Bắc bộ như Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh và Yên Tử (Quảng Ninh). Bộ phim đã bắt đầu những cảnh quay đầu tiên sau 3 năm chuẩn bị từ chọn bối cảnh, tuyển diễn viên… Dự kiến phim ra mắt khán giả vào cuối năm 2023.

2. Trong khi bộ phim "Hồng Hà nữ sĩ" đang được tích cực thực hiện để có thể ra mắt khán giả sớm nhất thì cuối tháng 6 vừa qua, đạo diễn Lương Đình Dũng cũng đã công bố dự án phim "Anh hùng". Theo đạo diễn Lương Đình Dũng, bộ phim không tập trung khai thác thảm án "Lệ Chi Viên" năm 1442 mà lấy mốc năm 1464 với hành trình giải oan của vua Lê Thánh Tông cho gia đình Nguyễn Trãi. Kịch bản được chắp bút bởi nhà biên kịch Lê Ngọc Minh. Ê kíp làm phim đang trong quá trình thực hiện những giai đoạn quan trọng như casting diễn viên, chọn bối cảnh, thiết kế trang phục, chuẩn bị đạo cụ… dưới sự cố vấn của các chuyên gia, các nhà sử học. Đạo diễn Lương Đình Dũng cũng cho biết bộ phim kết hợp giữa tâm lý và hành động và dự kiến ra mắt cuối năm 2024.

Phim “Huyền sử vua Đinh” thất bại khi ra rạp vì còn yếu ở nhiều khâu.

Được nhắc tới là một đạo diễn say nghề và thường xuyên khai thác những đề tài khá gai góc, Lương Đình Dũng quyết tâm làm phim lịch sử dù biết dòng phim này luôn khó khăn và rất kén khán giả. Yêu lịch sử nước nhà và từng mơ ước được làm phim về những nhân vật nổi tiếng, vì thế, khi tiếp cận với kịch bản của nhà biên kịch Lê Ngọc Minh, Lương Đình Dũng đã rất hào hứng và ngay lập tức bắt tay vào thực hiện. Anh tự tin: "Với một nhà biên kịch giàu kinh nghiệm, một ê kíp chuyên nghiệp, "Anh hùng" khai thác đúng câu chuyện mà khán giả cần, giải tỏa cho nhiều thế hệ những khúc mắc của lịch sử".

Cũng như nhiều lĩnh vực khác, đời sống điện ảnh sôi động trở lại ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế. Trong số khá nhiều những bộ phim được sản xuất thì đã xuất hiện những dự án phim lịch sử. Điều này là một tín hiệu đáng mừng với nền điện ảnh nước nhà. Cùng với 2 bộ phim kể trên, đạo diễn Lý Minh Thắng cũng dự kiến tái khởi động dự án phim "Quỳnh hoa nhất dạ" về cuộc đời Thái hậu Dương Vân Nga. Đây là bộ phim đã được công bố từ năm 2020, tuy nhiên do dịch bệnh COVID-19 đã phải tạm hoãn. Tương tự, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh cũng tiếp tục triển khai dự án phim "Trưng Vương" về cuộc đời Hai Bà Trưng sau một số thay đổi của đoàn làm phim. Ngoài ra, danh sách phim lịch sử còn được nối dài với phim về anh hùng Tây Sơn của ê kíp đạo diễn Bá Cường, phim về Nam Phương hoàng hậu của hãng V Pictures…

Phim lịch sử luôn là một trong những đề tài hấp dẫn khán giả, vì thế đây là mảnh đất màu mỡ mà các nền điện ảnh lớn trên thế giới không ngừng khai thác. Trong khu vực châu Á, những nền điện ảnh phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc… đã khai thác tốt mảng đề tài này và mang đến những bộ phim có giá trị cao cả nghệ thuật lẫn doanh thu. Với 4.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước, Việt Nam có một kho lịch sử phong phú với nhiều nhân vật, câu chuyện đầy chất liệu điện ảnh.

Theo góc nhìn của các chuyên gia thì lịch sử Việt Nam với những nhân vật như Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Thái hậu Dương Vân Nga, Lý Chiêu Hoàng, Nam Phương hoàng hậu… hoàn toàn có thể khai thác thành những bộ phim tầm vóc, hấp dẫn. Tuy nhiên, dường như điện ảnh Việt chưa tận dụng được mỏ quặng màu mỡ này. Nhiều năm qua, số lượng những bộ phim khai thác thành công đề tài lịch sử vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nói về những khó khăn khi làm phim lịch sử thì vẫn là một câu chuyện dài chưa có hồi kết. Với thực tế điện ảnh Việt hiện nay thì khó khăn có ở các khâu từ kịch bản, bối cảnh, đạo cụ đến diễn viên, trang phục. Không phải nhà biên kịch, đạo diễn nào cũng sẵn sàng bắt tay vào làm phim lịch sử bởi tốn kém, tốn nhiều thời gian trong khi doanh thu lại bấp bênh... Đơn cử, cuối năm 2022, bộ phim "Huyền sử vua Đinh" (đạo diễn Anthony Võ) về "Anh hùng cờ lau" Đinh Bộ Lĩnh ra mắt phòng vé. Mặc dù là bộ phim hiếm hoi về lịch sử nhưng phim chỉ thu về 42 triệu đồng sau 1 tuần chiếu rạp. Những năm qua, vắng bóng hẳn phim nhà nước, các hãng phim tư nhân thì đa phần tìm đến những đề tài giải trí hợp thị hiếu để mong thu hồi vốn.

3.Có thể nói, với những người làm phim lịch sử thì ngoài sự mạnh dạn, can đảm còn phải chứa đựng tình yêu với lịch sử nước nhà, khát khao mang những câu chuyện, những nhân vật của quá khứ đến với khán giả hiện tại. Bởi làm phim lịch sử cũng đồng nghĩa với việc đối mặt với muôn vàn khó khăn gấp nhiều lần so với các đề tài hiện đại khác. Nhiều ý kiến cho rằng, với dòng phim đặc biệt, giàu ý nghĩa này thì bên cạnh việc kêu gọi sự mạnh dạn của các biên kịch, đạo diễn, Nhà nước cũng cần tạo điều kiện tốt nhất về chính sách, kinh phí với những dự án xứng đáng.

Để có được những bộ phim lịch sử tầm vóc, bề thế hấp dẫn khán giả vẫn cần phải trải qua một quá trình. Quá trình ấy phải được ghi nhận bằng sự hào hứng của các đạo diễn, biên kịch, bằng số lượng phim lịch sử ra mắt tương xứng với vai trò của nó trong đời sống điện ảnh. Và có lẽ việc bộ phim "Hồng Hà nữ sĩ" là bộ phim mới đây nhất được Nhà nước đặt hàng đã cho thấy sự quan tâm của cơ quan chức năng với dòng phim này.