Tăng cường kiểm soát việc tăng giá thuốc bất hợp lý

Người dân tìm mua các sản phẩm bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch. Ảnh: ĐĂNG ANH

Săn "thần dược" chống Covid-19

Những ngày gần đây, người dân đổ xô tìm mua dược liệu xuyên tâm liên, thuốc xuyên tâm liên để tích trữ, sử dụng. Nhân viên một hiệu thuốc ở phố Quang Trung (Hà Nội) cho biết, thường ngày không có mấy người mua dược liệu này, nhưng bỗng tăng đột biến nhu cầu sử dụng. Nhiều người mua hàng chục kg để tích trữ, biếu người thân vì cho rằng sử dụng xuyên tâm liên có thể phòng ngừa và đánh bay Covid-19. PGS, TS Nguyễn Duy Thuần, nguyên Phó Giám đốc Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, những ngày qua điện thoại ông cũng "cháy máy" vì có quá nhiều người gọi hỏi có nên dùng xuyên tâm liên để phòng và điều trị Covid-19 hay không. Ông đã khuyên rằng xuyên tâm liên có tác dụng thanh nhiệt giải độc, chỉ dùng khi bị nhiệt độc (cảm cúm) mà không phải uống để phòng bệnh; chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng về tác dụng điều trị Covid-19. Nhưng ông không chắc họ sẽ nghe theo.

Tình trạng người dân mách nhau sử dụng, tích trữ các sản phẩm bảo vệ sức khỏe luôn "nóng" theo mức độ căng thẳng của dịch. Điều đáng nói, không ít người mua, sử dụng mà không cần biết tác dụng thật sự của sản phẩm. Theo Công ty cổ phần Nam Dược, trà gừng của công ty cũng được người dân "săn" mua đến cạn kho, nhưng trà gừng chỉ tác dụng giải cảm cúm, cảm lạnh, say tàu xe chứ không thể chữa trị được Covid-19 như đồn thổi.

Lợi dụng tâm lý đó, một số doanh nghiệp đã thổi phồng tác dụng một số sản phẩm và đẩy giá lên cao. Một doanh nghiệp kinh doanh dược liệu cho biết, dược liệu xuyên tâm liên chỉ khoảng 20 đến 30 nghìn/kg thì dần bị đẩy lên 80 - 90 nghìn đồng/kg và hiện đã lên 170 nghìn đồng/kg. Nguyên liệu vốn đã ít trên thị trường càng trở nên khan hiếm, khó tìm và ảnh hưởng lớn đến các cơ sở y tế, cơ sở nghiên cứu, cơ sở sản xuất các thuốc có chứa hoạt chất này. Một cơ sở sản xuất dược phẩm cho biết, công ty cần mua vài chục tấn nguyên liệu xuyên tâm liên nhưng chưa có nguồn hàng, trong khi đó có "mối" chào bán 1 kg hoạt chất xuyên tâm liên chiết tinh khiết với giá cao ngất ngưởng gần 1 tỷ đồng. Sản phẩm Kovir của Công ty cổ phần Sao Thái Dương với giá 1 triệu đồng/hộp được quảng cáo là có tác dụng đặc hiệu trên các bệnh lý do vi-rút, cũng bị nhiều người cho là giá không phù hợp với nguyên liệu đầu vào của sản phẩm. Vào đầu tháng 7, một số sản phẩm của Công ty TNHH Nhất Nhất cũng điều chỉnh tăng giữa mùa dịch gây băn khoăn cho các nhà thuốc và người tiêu dùng, như sản phẩm hoạt huyết Nhất Nhất tăng từ 94 nghìn đồng lên 99 nghìn đồng/hộp 3 vỉ. Nguy hiểm hơn, thị trường đã xuất hiện thực phẩm chức năng giả với công dụng ghi là kháng Covid-19, điều trị đau họng, cảm cúm như sản phẩm Xuyên Tâm Liên CV19 (vỏ mầu đỏ) và Xuyên Tâm Liên CV19 (vỏ mầu xanh). Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định, không có bất kỳ loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào chữa được Covid-19 hay kháng Covid-19, do đó, không được phép ghi công dụng là "điều trị bệnh".

Nghiên cứu, chiết xuất dược liệu xuyên tâm liên tại Viện Dược liệu.

Cần tăng cường kiểm tra, xử lý

Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi dịch bệnh căng thẳng, các đơn vị kinh doanh các sản phẩm bảo vệ sức khỏe càng cần chung tay chia sẻ với xã hội, không thể lợi dụng tình hình để trục lợi. Các sản phẩm thực phẩm chức năng không phải kê khai giá với cơ quan quản lý, trừ sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh và phụ nữ có thai, nhưng không vì thế mà tự ý nâng giá khi không có biến động về nguyên liệu đầu vào. Các đơn vị cần công khai lý do tăng giá và cơ quan chức năng cần kiểm tra để ổn định thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.

Trước thực trạng đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc, nguyên liệu làm thuốc, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở có dấu hiệu vi phạm. Ngày 27/7, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã có văn bản yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố thực hiện ngay việc tăng cường quản lý địa bàn, nắm diễn biến tình hình thị trường giá cả - hàng hóa đối với các mặt hàng như Kovir của Sao Thái Dương, Xuyên Tâm Liên CV 19 có lô-gô Toàn Lộc và Xuyên Tâm Liên CV19 có lô-gô Nhất Lộc… Nếu phát hiện hành vi vi phạm, tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm. Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Quản lý thị trường cho biết, từ ngày 31/1 - 12/7, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, giám sát 9.751 vụ vi phạm trong lĩnh vực phòng, chống dịch Covid-19, xử phạt 6,78 tỷ đồng. Thời gian tới, sẽ tiếp tục yêu cầu các Cục Quản lý thị trường chủ động, phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là mặt hàng lương thực, thực phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế,... Đồng thời, trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân sử dụng thương mại điện tử để giao dịch, mua bán tương đối lớn, cơ quan quản lý thị trường sẽ tăng cường rà soát trên các sàn giao dịch thương mại điện tử để kiểm tra, xác minh thông tin; kiên quyết xử lý các vi phạm. Hiện, trên website của Tổng cục Quản lý thị trường (địa chỉ www.dms.gov.vn; www.qltt.vn) đã đăng công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân về những vi phạm.

Về việc sử dụng các sản phẩm bảo vệ sức khỏe mùa dịch, TS Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Quản lý y dược cổ truyền cho biết, việc sử dụng bất cứ loại thuốc nào cũng cần theo hướng dẫn của bác sĩ, người dân không nên tự ý dùng. Đối với xuyên tâm liên, tác dụng diệt vi-rút SARS-CoV-2 của dược liệu này mới được chứng minh trong phòng thí nghiệm, và đang trong các bước thử nghiệm lâm sàng đánh giá khả năng, đến nay chưa có đầy đủ kết quả để khẳng định tác dụng điều trị Covid-19. Chỉ sử dụng thuốc xuyên tâm liên theo chỉ dẫn của các thầy thuốc. Nếu cứ tự ý mua về, sử dụng không đúng cách có thể gây tổn hại tới sức khỏe cho người sử dụng, như chán ăn, tiêu chảy, nôn mửa, phát ban, nhức đầu, sổ mũi, mệt mỏi… Khi dùng liều cao có thể gây sưng các tuyến bạch huyết, phản ứng dị ứng nghiêm trọng, tăng men gan. Những người đang dùng thuốc chữa tăng huyết áp, chống đông máu warfarin và aspirin giảm đau, thận trọng khi dùng phối hợp xuyên tâm liên. Những người suy thận, suy gan không nên dùng thuốc xuyên tâm liên.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Y tế cần có những chính sách phù hợp, khoa học về sử dụng các sản phẩm cho phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông các phương pháp y học cổ truyền trong phòng và hỗ trợ điều trị vi-rút SARS-CoV-2 đã được nghiên cứu, tổng hợp, thẩm định ban hành kèm theo Văn bản số 1306/BYT-YDCT, trong đó có hướng dẫn các phương pháp y học cổ truyền cho người dân có thể áp dụng ngay để phòng bệnh, như phương pháp xông phòng ở, phòng làm việc, cách sử dụng một số loại thảo dược để tăng sức đề kháng của cơ thể…

THANH QUÝ và VIỆT HẢI