Thần thám Địch Nhân Kiệt trong tác phẩm trinh thám Định công Kỳ án

Địch Nhân Kiệt (630-700), tự Hoài Anh, còn gọi là Lương Văn Huệ Công, là một quan lại của nhà Đường cũng như của triều đại Võ Chu do Võ Tắc Thiên lập ra. Ông từng giữ chức Tể tướng thời kỳ Võ Tắc Thiên trị vì. Ông là người làm quan có tiếng là liêm minh.

Tạo hình Địch Nhân Kiệt trên phim.

Ông là người Thái Nguyên, Tịnh Châu (nay là Thái Nguyên, Sơn Tây), sinh ra trong một gia đình quan chức. Cao tổ của ông là Địch Trạm đã theo Vũ Văn Thái chạy về Hàm Dương. Ông nội là Địch Hiếu Tự từng giữ chức thượng thư tả thừa (thư ký trong thượng thư tỉnh), cha đẻ là Địch Tri Tốn từng làm trưởng sử Quỳ Châu (nay là miền đông Trùng Khánh).

Tất cả những vụ việc, biến chuyển xảy ra trong triều đại nhà Đường Trung Quốc đều được sách sử theo dõi, ghi chép một cách nghiêm túc, hình tượng thần thám Địch Nhân Kiệt được biết đến với một hình thức điều tra thông minh liêm khiết. Cho dù là khi đang giữ chức quan Đại lý thừa hay được phong làm Tể tướng thì Địch Nhân Kiệt vẫn không thay đổi sự thanh liêm của mình.

Trải qua bao thăng trầm trên con đường quan lộ, dù được thăng quan hay bị giáng chức, mỗi khi đảm nhận nhiệm vụ, Địch Nhân Kiệt đều lấy dân, lấy nước làm gốc, đạt được nhiều công lao to lớn. Đương thời, đồng môn thì gọi ông là "Địch công chi hiền, bắc đẩu dĩ nam, nhất nhân nhi dĩ", ý so sánh Địch Nhân Kiệt là hiền tài tựa sao bắc đẩu soi sáng phương nam, vượt qua giới hạn của một người phàm. Còn hậu thế ghi nhận tài phá án của ông và lưu truyền hàng trăm năm sau. Đến thế kỷ 20, nhà văn người Hà Lan Robert Van Gulik đã tổng hợp ghi chép lại những vụ án của ông trong tác phẩm Địch Công kỳ án.

Nhân vật Địch Nhân Kiệt là nguồn cảm hứng cho nhà văn người Hà Lan

Robert Van Gulik (1910 - 1967) là nhà văn sinh ra tại Zutphen, Hà Lan. Ông là tác giả của Địch Công kỳ án.

Vì những tư liệu về Địch Nhân Kiệt chủ yếu xuất phát từ thời Đường, nên các giai thoại hay công trạng của ông chủ yếu được kể khi ông làm quan lớn ở triều đình.

Còn những vụ án nhỏ cụ thể chi tiết thì không được ghi chép cẩn thận và cặn kẽ. Ông được xem là người đi trước cả Bao Thanh Thiên về hình mẫu liêm khiết, chính trực.

Tuy nhiên, tác phẩm trinh thám hay nhất về ông lại đến từ một người Hà Lan sống ở thế kỷ 20. Đó là nhà văn Robert Van Gulik, người đã từng có thời gian dài sinh sống và làm việc tại Trung Quốc và Nhật Bản.

Vào năm 1935, Van Guilik sau khi tốt nghiệp đại học đã vào làm việc trong các cơ quan ngoại giao của Hà Lan.

Từ năm 1943 đến năm 1945, ông làm thứ ký thứ nhất cho cơ quan lãnh sự Hà Lan tại Trùng Khánh, Trung Quốc. Sau đó ông kết hôn với một người phụ nữ Trung Quốc.

Trong thời gian này Robert Van Gulik đã tìm và đọc tác phẩm Võ Tắc Thiên Tứ Đại kỳ án (bốn vụ án lớn dưới thời Võ Tắc Thiên).

Và ông đã bị lôi cuốn bởi nhân vật lịch sử Địch Nhân Kiệt. Từ nguồn cảm hứng đó, tác giả người Hà Lan đã nảy ra ý tưởng về một bộ truyện trinh thám dựa trên nhân vật này.

Đầu tiên là tác phẩm Đồng Trung án (vụ án Bí mật quả chuông) đã thành công vang dội và được đón nhận. Tiếp đến là Mật Cung án, Hoàng Kim án, Thiết Đình án...

Cứ như vậy, 16 tập của bộ tiểu thuyết có tên Địch Công kỳ án ra đời. Về sau tiểu thuyết này được dịch ra các thứ tiếng Pháp, Đức, Nhật, Tây Ban Nha và phổ biến trên toàn thế giới.

Dưới ngòi bút của Robert Van Gulik, Địch Nhân Kiệt thực sự trở thành một thám tử đại tài đến từ phương Đông. Biệt danh "Thần thám Địch Nhân Kiệt" cũng xuất hiện từ đây.

Trong trinh thám truyền thống Trung Quốc thường có nhiều nhân vật. Nhưng Robert van Gulik đã giới hạn các nhân vật trong Địch Công kỳ án chỉ dưới 12 người, đặt những cái tên dễ nhớ. Thêm nữa, ở các câu chuyện trinh thám xưa thì hung thủ thường được biết ngay từ đầu, quá trình sau là hành trình hồi tưởng về tội ác. Với nhà văn Robert van Gulik thì ông đã làm ngược lại điều này, kẻ giết người phải để đến cuối mới được tiết lộ. Quá trình phá án diễn ra liên tục, với các tội ác, manh mối mới luôn được bất ngờ phát sinh, nằm ngoài sự dự đoán của người đọc.

Không chỉ là thần thám nổi tiếng trong lịch sử và tiểu thuyết, mà trên màn ảnh loạt phim về Địch Nhân Kiệt cũng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Các phim như Địch Nhân Kiệt: Thông thiên đế quốc được công chiếu vào năm 2010, Địch Nhân Kiệt: Rồng biển trỗi dậy ra mắt năm 2013 và Địch Nhân Kiệt: Tứ đại Thiên vương công chiếu năm 2018 đã thu hút được nhiều sự quan tâm của khán giả. Trong đó, Địch Nhân Kiệt: Thông thiên đế quốc là bộ phim Hoa ngữ duy nhất được đề cử tranh giải Sư tử vàng tại liên hoan phim Venice diễn ra vào đầu tháng 9 năm 2010 tại Ý.

Theo Quốc Tiệp/Người đưa tin