Thầy giáo chia sẻ: Không ai có thể giỏi tiếng Anh chỉ với một vài khóa học!

Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của tiếng Anh - một ngôn ngữ quốc tế - trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng, đa phương diện như ngày nay. Tuy nhiên, tại sao có những người dường như học rất nhiều nhưng lại không hiệu quả?

Trên thực tế, có những quan niệm và định hướng sai lầm trong việc học tiếng Anh đã khiến nhiều người lựa chọn phương pháp học không phù hợp với trình độ và nhu cầu của bản thân. Bên cạnh đó, có những yếu tố quan trọng mà nếu bỏ qua, có thể khiến hành trình chinh phục tiếng Anh của bạn không suôn sẻ như mong muốn.

Thầy giáo Đỗ Cao Sang, hiện là thạc sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục, nguyên giảng viên tiếng Anh của một trường đại học, tác giả của một chương trình Tự học tiếng Anh với hàng ngàn học viên trên cả nước.

Với kinh nghiệm từng giúp nhiều học viên đạt được những thành tích cao trong các cuộc thi học sinh giỏi tiếng Anh, thi chuyển cấp hay thi lấy chứng chỉ…, thầy Sang đã chỉ ra cách tiếp cận sai lầm phổ biến của người học Tiếng Anh cùng nhiều thông tin hữu ích khác.

Đừng phụ thuộc giáo trình, trường lớp

- Thưa anh, khi nói về việc học tiếng Anh, anh thường nhận định một trong những sai lầm trong việc học ngoại ngữ hiện nay của người học là chạy theo các khóa học trong một thời gian ngắn, đặt quá nhiều kỳ vọng vào giáo trình và trường lớp. Anh có thể giải thích thêm về quan điểm này?

Theo tôi, không ai có thể giỏi tiếng Anh mà chỉ với học một vài khóa học. Tất cả những ai giỏi ngoại ngữ đều phải sống với nó liên tục dù mỗi ngày chỉ tiếp xúc một chút nhỏ. Khóa học và sách vở chỉ như vài ba giọt nước mà ngôn ngữ như biển cả bao la vì ngôn ngữ phản chiếu cuộc sống.

- Ngoài tư duy trên, theo anh, trong việc học tiếng Anh, còn có những quan niệm và cách tiếp cận sai lầm phổ biến dẫn đến việc học nhiều, tốn thời gian công sức và cả chi phí nhưng kết quả nhận được không như mong đợi?

Học tiếng Anh, cách tiếp cận sai căn bản của chúng ta là cẩu thả trong phát âm, không chú trọng nghe và tập chậm nhiều lần để luyện phát âm đúng. Đa số chúng ta chỉ làm bài tập cho xong việc mà không làm nhiều lần để thạo.

Thêm vào đó, học từ riêng rẽ cũng làm hiệu quả học giảm đi. Ta luôn phải học nguyên cả một câu hoặc cụm tổ hợp ba từ kết hợp. Ví dụ: Khi gặp từ stagnant (chậm chạp, ì ạch), ta không nên học biệt lập mà nên học cả cụm “to lift up the stagnant economy (vực lại một nền kinh tế ỳ ạch).” Với cấp thấp hơn cũng vậy. Hãy học to repair the car hơn là chỉ học từ repair.

Học sinh của tôi tiến bộ nhanh chỉ vì tôi luôn giữ nguyên tắc học từ trong tổ hợp 3 hoặc 5 (ba từ hoặc năm từ ghép lại với nhau thành cụm), sẽ dễ nhớ hơn và tính ứng dụng linh hoạt hơn. Điều này nghĩa là với bất cứ từ mới nào, tôi luôn cung cấp tối thiểu 3 đến 5 cách kết hợp (chính là cách dùng) phổ biến nhất của nó.

- Có những nguyên tắc học ngoại ngữ nào anh thường lưu ý với các học viên của mình?

Nguyên tắc thứ nhất, như đã nói, đó là luôn hướng dẫn học viên học tiếng Anh bằng cả một câu hoặc cả cụm phổ biến. Nguyên tắc thứ hai là phải học bền bì, liên tục trường kì qua nhiều năm. Muốn vậy, học viên chỉ nên học lượng ít kiến thức và từ mới mỗi ngày. Nguyên tắc thứ ba là, đã học thì phải thuộc hoặc gần thuộc 5 đến 10 câu theo tỉ lệ 3/7. Nghĩa là 7 từ đã biết và 3 từ mới. Nguyên tắc thứ tư là liên tục phải kiểm tra phát âm và cách dùng từ. Không chủ quan, không quá tin vào suy luận.

Tự học tiếng Anh không cần gì cao siêu

- Là người cổ vũ, khuyến khích việc tự học tiếng Anh, anh đánh giá vai trò của tự học đối với việc chinh phục ngoại ngữ này ra sao? Bố mẹ cần làm gì để có thể thúc đẩy tinh thần tự học cho con cái? Với những gia đình bố mẹ không giỏi tiếng Anh liệu có thể dạy con, đồng hành cùng con?

Ngôn ngữ là thứ vô cùng thích hợp để tự học, phải tự học, nên tự học và chỉ có thể tự học. Nó vốn không cần giải thích hoặc suy luận gì cao siêu. Nó chỉ cần nghe người ta nói (viết) rồi tập theo sao cho giống. Bởi vậy, vai trò của thầy hướng dẫn không quá lớn, nhất là trong thời đại công nghệ đa dạng và thuận lợi như ngày nay.

Cha mẹ, người lớn nên giúp con cái tự học ngoại ngữ bằng cách cổ vũ, đố vui mỗi ngày 20 phút tối thiểu. Ta cũng có thể tạo điều kiện cho con học bằng cách mua sách báo tiếng Anh, mở kênh tiếng Anh và tập nghe cùng con. Với tài liệu, công cụ phù hợp, với thái độ nghiêm túc, người lớn đồng hành giúp trẻ em học tiếng Anh là hoàn toàn có thể.

- Theo anh, tự học như thế nào để hiệu quả? Làm sao để duy trì thói quen tự học cũng như nuôi dưỡng hứng thú lâu dài với việc học tiếng Anh?

Tự học tiếng Anh dễ hơn nhiều so với tự học những môn khác. Cái khó của nó là phải bền bỉ theo đuổi nhiều năm. Mỗi ngày chỉ cần thuộc lòng 5 câu hoặc 5 cụm từ thật thành thạo. Tôi gọi đó là phần cứng. Nghĩa là bạn phải nghe đi nghe lại nhiều lần để thuộc 5 câu/cụm từ thật chắc rồi mới thả lỏng sang những thứ khác như bài hát, phim, truyện, kênh BBC, CNN và VOA. Nghe tràn lan chỉ nên thực hiện khi việc chính đã xong. Việc chính đó là thạo mỗi ngày 5 câu (hoặc 5 cụm từ) mới.

Ngoài ra, bạn phải chủ động mọi lúc mọi nơi với mọi kênh học sẵn có. Chẳng hạn như vỏ hộp đồ, mẩu quảng cáo, biển chỉ dẫn đường… đều có thể thành tư liệu học tiếng Anh tốt. Muốn nuôi dưỡng hứng thú tự học, người mới nên cần có bạn học cùng mối quan tâm để trao đổi kinh nghiệm.

Hứng thú học tập còn gia tăng qua sự tiến bộ. Thấy tiến bộ càng nhiều thì sự thích thú sẽ thăng hoa càng lớn. Bạn có thể tham gia các kì thi để kiểm tra sự tiến bộ cứ sau mỗi 3 tháng học. Thêm vào đó, tiếp cận giao lưu với người bản ngữ cũng là cách kiểm tra sự tiến bộ của người học. Nên nhớ, tôi không chủ trương gặp người nước ngoài để học tiếng Anh cũng như không chủ trương học để thi cử. Tôi chỉ khuyên nên làm hai việc ấy để kiểm tra sự tiến bộ. Mỗi đợt khảo nghiệm ấy nên cách nhau tối thiểu 3 tháng.

Học giỏi tiếng Anh là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ

- Anh từng chia sẻ: Ở thời buổi này, các bạn trẻ học giỏi tiếng Anh là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ. Vậy “điều kiện đủ” ở đây theo quan điểm của anh là gì?

Tiếng Anh dần dần trở nên phổ biến. Nghề dạy tiếng Anh hoặc phiên dịch tiếng Anh sẽ đòi hỏi rất cao về kĩ năng và các kiến thức chuyên ngành. Nói cách khác, xã hội không tạm chấp nhận trình độ trung bình khá như cách đây 30 năm.

Ngày nay, hiếm thấy tiếng Anh tồn tại như một chuyên môn độc lập. Nó rất quan trọng nhưng với tư cách của một công cụ bổ trợ sắc bén. Chẳng hạn, một nhà báo, một giáo viên Toán, một huấn luyện viên Yoga, một thu ngân giỏi tiếng Anh sẽ có lợi thế hơn một người chỉ giỏi tiếng Anh thuần túy.

- Khi đứng lớp, những bài giảng của anh chính là những bài báo, tin tức báo chí tiếng Anh, bên cạnh đó là việc lồng ghép các kiến thức lịch sử, địa lý, phong tục tập quán… Đây có phải là “điều kiện đủ” mà anh đề cập đến?

Cũng không hẳn là đủ vì mỗi người sẽ theo đuổi một nghề khác nhau và họ cần chuyên sâu hơn nữa. Tôi chỉ cố gắng gợi ý những kiến thức cần thiết nhất cho một thanh niên bước ra thế giới mà người ta gọi là công dân toàn cầu. Những kiến thức đó khá phong phú nhưng không đủ. Muốn sâu sắc, người học phải tự nghiên cứu thêm nhiều. Nhiệm vụ của giáo viên chỉ là gợi cảm hứng và đưa ra một số từ khóa để bạn trẻ tham khảo.

Giọng đúng giọng hay không còn là thế mạnh độc quyền của thầy cô bản ngữ

- Khi chọn giáo viên cho con, nhiều phụ huynh thường ưu tiên giáo viên “ngoại”, đặc biệt là giáo viên bản xứ và đánh giá không cao giáo viên trong nước. Lý do là họ muốn con phát âm “chuẩn”. Anh có ý kiến gì về quan điểm này?

Ưu điểm của giáo viên nước ngoài là phát âm tốt. Nhưng đó cũng chỉ là lợi thế với điều kiện ngày xưa. Giờ đây phim ảnh, bài hát, tài liệu giọng bản ngữ chuẩn rất nhiều. Giọng đúng giọng hay không còn là thế mạnh độc quyền của thầy cô bản ngữ. Thậm chí, một số phần mềm tạo ra audio từ văn bản chữ còn thật đến mức khó lòng bạn nhận ra đó là sản phẩm của người máy. Học viên của tôi tự chế ra giọng đọc từ văn bản viết rồi nghe 10 lần. Như thế, chẳng khác gì nghe giọng bản ngữ.

Còn tư duy cho rằng học song ngữ Anh - Việt sẽ kém hiệu quả so với Anh - Anh là sai lầm khá phổ biến. Dạy thuần túy tiếng Anh chỉ hợp cho trẻ nhỏ và những từ vựng đơn giản hiện hữu. Gần đây, nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh, tìm ra điểm mạnh vượt trội của lối dạy song ngữ. Các chuyên gia lật lại vấn đề, họ khẳng định dạy song ngữ (kết hợp tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ mới) là cách tốt nhất để luyện năng lực ngôn ngữ cho não bộ.

- Từ khi bắt đầu làm quen với tiếng Anh ở trường tiểu học hay trung học cơ sở, người học đã được nhồi nhét rất nhiều kiến thức ngữ pháp. Những kiến thức đó, vốn dĩ quan trọng, nhưng lại không thể giúp người học giao tiếp lưu loát tiếng Anh bởi thiếu đi các nền tảng về phát âm hay từ vựng. Anh đánh giá thế nào về vấn đề này?

Chúng ta có xu hướng giải thích và nghiên cứu ngôn ngữ nhiều hơn là thực hành ngôn ngữ. Chúng ta học ngữ pháp, giải thích ngữ pháp sâu nhưng kém về ứng dụng thực chiến. Ở Mỹ, người ta chỉ giúp người học luyện trực tiếp cách dùng tiếng Anh chứ không sa đà giải thích tiếng Anh.

Ngày xưa, du học sinh Việt Nam thi đọc và viết sẽ chiếm lợi thế nhưng nghe nói lại kém. Tuy nhiên, qua quan sát, gần đây người trẻ Việt Nam nghe nói lại khá hơn đọc viết. Đặc biệt là viết ở Việt Nam rất tệ, ít học sinh điểm cao ở môn này. Cũng dễ hiểu vì người trẻ ngày nay rất lười viết, cả tiếng Anh và tiếng Việt.

Cảm ơn anh.

Hiểu Đan