Tìm hướng phát triển bền vững cho ngành da giày Việt Nam

Tham dự buổi làm việc còn có đại diện các đơn vị thuộc Bộ: Văn phòng Bộ, các Cục: Công nghiệp, Xuất nhập khẩu, Công Thương địa phương, Phòng vệ thương mại; các Vụ: Vụ Kế hoạch - Tài chính, Thị trường trong nước, Khoa học Công nghệ; Tổng cục Quản lý thị trường, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Báo Công Thương.

Về phía Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam có: ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam; bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, cùng đại diện các doanh nghiệp trong ngành.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam.

Báo cáo Đoàn công tác, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Lefaso cho biết, Việt Nam là nước sản xuất giày dép đứng thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ, và đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu.

Năm 2023 ngành da giày chịu ảnh hưởng tác động lớn của suy giảm kinh tế toàn cầu. Các doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều thách thức như đơn hàng bị cắt giảm, chi phí đầu vào tăng cao, dẫn đến phải thu hẹp sản xuất và giảm giờ làm, ảnh hưởng lớn tới doanh thu của doanh nghiệp và công ăn việc làm của người lao động. Song các doanh nghiệp trong ngành vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn và đạt kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 24 tỷ USD trong năm 2023, góp phần lớn vào tăng trưởng xuất khẩu chung của Việt Nam.

Đáng chú ý, theo thống kê của hiệp hội, bước sang quý I/2024 xuất khẩu toàn ngành đã đạt 5,6 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ. Về thị trường xuất khẩu, 5 thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, da giày là ngành tận dụng tốt các FTA, nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định EVFTA, CPTPP.

Mặc dù vậy, theo bà Xuân, ngành da giày đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Trong đó, khó khăn lớn nhất của ngành da giày là nút thắt về chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu.

Bên cạnh đó, việc các quốc gia nhập khẩu giày dép lớn đưa ra hàng loạt các yêu cầu mới về việc nhập khẩu các sản phẩm có trách nhiệm về xã hội và môi trường ngày càng cao. Điển hình như thị trường EU, từ tháng 3/2024, thị trường này đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu mới như thiết kế sinh thái với các thiết kế bền vững. Hay như vấn đề truy xuất và minh bạch chuỗi cung ứng. Nếu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, chúng ta sẽ phải minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất tại khu vực sản xuất.

Theo bà Xuân, da giày là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, Việt Nam tiếp cận và thiết lập quan hệ thương mại với gần 230 thị trường. Do vậy, chính sách thay đổi của thị trường nhập khẩu sẽ có tác động mạnh mẽ tới các doanh nghiệp trong ngành.

Do đó, các quốc gia xuất khẩu, trong đó có Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện và minh bạch thông tin chuỗi cung ứng sản phẩm của mình bắt đầu từ khâu nguyên liệu, sản xuất bền vững hướng đến kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm với xã hội và môi trường.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tham quan khu vực nguyên phụ liệu sản xuất túi xách - nhà máy túi xách TBS.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Lefaso, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư Thái Bình (TBS Group) cho biết, một trong những khó khăn lớn của ngành da giầy là công nghiệp hỗ trợ cung ứng nguyên liệu chưa phát triển. Các doanh nghiệp chủ yếu tâp trung vào gia công mà không phát triển khâu nguyên phụ liệu. Hiện nay phần lớn nguyên liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu được nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Do đó, để đáp ứng tỉ lệ xuất xứ nội khối theo yêu cầu của các FTA là một trở ngại lớn.

Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 ban hành theo Quyết định số 879/QĐ-TTG ngày 9/6/2014 đã xác định dệt may - da giày là hai trong số 7 ngành công nghiệp ưu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên để tiếp tục phát triển ngành trong giai đoạn sắp tới, cần có những giải pháp đột phá để nâng cấp chuỗi giá trị ngành nhằm tạo ra những lợi ích bền vững.

“Để làm được điều này, cần phải thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch. Từ đó giúp các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao tính năng động, hiệu quả, có cơ hội vươn lên và tham gia vào chuỗi cung ứng ngành”, ông Thuấn nhìn nhận.

Trên cơ sở đó, ông Thuấn kiến nghị xây dựng khu trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu và đổi mới sáng tạo ngành thời trang Việt Nam tại ình Dương.

Dưới góc độ Cục Xuất nhập khẩu, ông Lê Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đã trao đổi vấn đề xuất khẩu tại chỗ và lưu ý có 2 văn bản pháp luật quan trọng gồm luật thương mại và Luật Ngoại thương. Đó là Nghị định 69 và Nghị định 90/2007 về Luật Thương mại.

Ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư Thái Bình (TBS Group) giới thiệu khu đất dự kiến xây dựng khu Trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu ngành thời trang Việt Nam tại Bình Dương với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.

Theo ông Lê Anh Sơn, trong thời gian qua các doanh nghiệp da giày có băn khoăn liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 08/2015 về bỏ điểm c, khoản 1 điều 35. Khi bỏ khoản này liên quan đến thuế và khái niệm xuất khẩu tại chỗ. Do đó Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính đánh giá lại việc chuyển từ hình thức gia công sang mua bán nội địa bởi việc này cần có đánh giá về những tác động đến ngành da giày.

Cũng theo ông Sơn, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, cụ thể là Tổng cục Hải quan để đánh giá lại những tác động này. Và Tổng cục Hải quan cũng đang có văn bản giải trình, dự kiến nếu Nghị định được thông qua cũng phải đến cuối năm 2024. “Cục Xuất nhập khẩu sẽ theo dõi sát sao và có ý kiến khi có những động thái liên quan, Cục sẽ báo cáo để tham dự và nêu ý kiến. Về trách nhiệm của Cục, Nghị định 90/2007 do Bộ Thương mại trình CP ban hành, Cục Xuất nhập khẩu sẽ rà soát lại và có ý kiến trình lãnh đạo Bộ xem xét và sửa nghị định này”- ông Sơn khẳng định.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng ễn Hồng Diên cho biết, qua buổi làm việc cùng các doanh nghiệp, đặc biệt là đi tham quan khu ICD và cơ sở sản xuất của TBS Group đã thấy rõ hơn tầm quan trọng cả ngành da giày túi xách.

Mặc dù đến nay chúng ta có Chiến lược phát triển ngành, có đề án tái cơ cấu ngành Công Thương và các Nghị quyết Chính phủ. Nhưng thực tế việc triển khai chưa được như kỳ vọng. Qua trao đổi, ngành vẫn còn một số tồn tại cần tháo gỡ.

“Bộ Công Thương cũng chia sẻ với những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải liên quan đến một số doanh nghiệp trong ngành chủ yếu vẫn sản xuất theo hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp, chưa đủ thế và lực để tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Ngành da giày - túi xách đang phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức.

Đối với các kiến nghị đề xuất của Hiệp hội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhất trí với kiến nghị thành lập trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu ngành thời trang Việt Nam tại Bình Dương. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu các các đơn vị chức năng có liên quan của Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương phối hợp rà soát, báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét, giải quyết những kiến nghị của Hiệp hội theo thẩm quyền trong thời gian sớm nhất, bảo đảm phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tình hình, khả năng thực tế của doanh nghiệp.

Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Cục Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ trong việc phối hợp với Hiệp hội nghiên cứu, đề xuất xây dựng Đề án thành lập khu trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu ngành thời trang Việt Nam.

Cục Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với Hiệp hội kiến nghị giải quyết nội dung sửa đổi bổ sung điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP về xuất nhập khẩu tại chỗ.

Bộ trưởng cũng khẳng định Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hiệp hội và các doanh nghiệp trong ngành Da giày Việt Nam; chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan để kịp thời tháo gỡ hoặc tham mưu với cấp có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Đồng thời, nghiên cứu, tham mưu với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới những cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp nói chung và ngành Da giày - Túi xách nói riêng, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tùng Dương